Tin y tế hôm nay

Tin y tế

WHO: Việt Nam đang ứng phó tốt dịch corona

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá Việt Nam đã khởi động hệ thống ứng phó ngay từ giai đoạn đầu dịch Covid-19.

Theo WHO, ngay những ngày đầu tiên khi Trung Quốc ghi nhận 27 ca viêm phổi cấp lạ tại thành phố Vũ Hán, Bộ Y tế Việt Nam đã có chỉ đạo khẩn phòng dịch, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh ngay tại cửa khẩu và cộng đồng, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn. Động thái này được cho là vô cùng quan trọng để phòng ngừa dịch bệnh xâm nhập.

Khi Trung Quốc xác nhận trường hợp đầu tiên Tu vong do viêm phổi nCoV vào ngày 11/1, Việt Nam nhanh chóng thắt chặt kiểm soát y tế tại cửa khẩu, sân bay. Khách nhập cảnh được kiểm tra thân nhiệt, bất kể ai có biểu hiện ho, sốt, đau tức ngực... có tiền sử dịch tễ liên quan đến vùng dịch đều được cách ly, theo dõi, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, quản lý chặt chẽ ca bệnh tại các cơ sở y tế.

Bộ Y tế Việt Nam hướng dẫn người dân các cách phòng chống nCoV, áp dụng tờ khai y tế đối với hành khách Trung Quốc nhập cảnh ngay tại cửa khẩu. Những hành động này rất quan trọng và cần thiết nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bùng phát.

Sau khi Việt Nam xác nhận hai ca bệnh đầu tiên dương tính với nCoV là hai cha con đến từ Vũ Hán, Trung Quốc, được nhập bệnh viện Chợ Rẫy, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã có mặt khẩn cấp tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong đêm để chỉ đạo phòng chống bệnh lây lan. Số bệnh nhân dương tính ngày càng tăng. Khi xác định ba người Việt Nam đầu tiên nhiễm nCoV ở Thanh Hóa và Vĩnh Phúc, lãnh đạo Chính phủ đề nghị các bộ ngành, địa phương không chủ quan và vào cuộc "chống dịch viêm phổi như chống giặc".

Bộ Y tế công bố số điện thoại đường dây nóng 19003228 cung cấp thông tin về bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV. Các độ phản ứng nhanh được thành lập tại hàng chục bệnh viện lớn và viện quân y, mỗi đội gồm ít nhất hai bác sĩ và xe cứu thương, sẽ cơ động tới mọi địa bàn. 

Những ngày sau, số bệnh nhân ở Vĩnh Phúc có kết quả dương tính với nCoV ngày càng tăng, Vĩnh Phúc trở thanh điểm nóng dịch bệnh khi số người dương tính với nCoV trên cả nước là 16 người thì có tới 11 người ở Vĩnh Phúc. Tất cả những người có liên quan tiếp xúc gần với người dương tính đều được cách ly, theo dõi. 

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm y tế các huyện, thành phố lập tức tiến hành phun khử khuẩn các trường học, chợ, bến xe và nơi tập trung đông người. Các đội cơ động phản ứng nhanh được lập tại các bệnh viện tuyến tỉnh. Đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch tuyến Trung ương cùng các y bác sĩ lập tức được điều đến hỗ trợ Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên. Bất kể ai ra vào địa bàn đều được kiểm tra thân nhiệt.

16 trường hợp dương tính với nCoV ở Việt Nam được điều trị theo phác đồ Bộ Y tế, hiện 6 người đã khỏi bệnh và xuất viện. Những người còn lại sức khỏe ổn định.

WHO nhận định: "Việc phát hiện sớm, cách ly sớm, điều trị tích cực là điều cực kỳ quan trọng". Việt Nam đã khởi động hệ thống ứng phó ngay từ giai đoạn đầu dịch bệnh, kiểm soát dịch bệnh tốt, đây là điều cực kỳ quan trọng để ngăn ngừa bệnh lây lan, tiến triển phức tạp.

DIễn tập bảo hộ khi tiếp xúc với bệnh nhân nghi nhiễm nCoV. Ảnh: Như Quỳnh

WHO đánh giá, năng lực của Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, kể cả các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi tăng lên đáng kể. Kết quả này có được sau nhiều năm đầu tư tăng cường năng lực cốt lõi theo yêu cầu của Điều lệ y tế quốc tế, bao gồm giám sát và đánh giá nguy cơ, năng lực phòng thí nghiệm, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý lâm sàng, truyền thông nguy cơ...

WHO gọi đây là "năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp". Việt Nam đã có những biện pháp xử lý dịch tốt, tuy nhiên cần tiếp tục cảnh giác, bởi dịch bệnh Covid -19 vẫn đang có diễn biến phức tạp.

Tổ chức Y tế thế giới nhấn mạnh Việt Nam cần tiếp tục cảnh giác và sẵn sàng kiểm soát dịch bệnh bởi dự kiến sẽ có thêm các trường hợp nhiễm virus corona chủng mới trong những ngày tới. Cụ thể, cần phát hiện sớm, cách ly và xử trí các trường hợp mắc bệnh bằng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn thích hợp. Ngoài ra, cần tăng cường giám sát, chia sẻ thông tin minh bạch và kịp thời với WHO.

Hiện chưa có vaccine phòng Covid-19. Việc sản xuất vaccine đang được tiến hành để các thử nghiệm lâm sàng có thể bắt đầu sau 3-4 tháng. WHO sẽ công bố danh sách ban đầu các loại vaccine đang được nghiên cứu và có thể tham gia các thử nghiệm lâm sàng này.

Để tránh bị nhiễm nCoV, WHO khuyến cáo người dân giữ gìn vệ sinh tay và hô hấp cơ bản, thực hiện an toàn thực phẩm. Nếu có thể, cần tránh tiếp xúc gần với những người có những triệu chứng của các bệnh về hô hấp như ho hay hắt hơi.Những biện pháp không được khuyến cáo trong việc điều trị Covid -2019 bởi chúng không có hiệu quả và có thể gây nguy hiểm là hút Thu*c, tự uống Thu*c, ví dụ như kháng sinh, đeo nhiều khẩu trang cùng lúc để tối ưu mức bảo vệ.

 Thúy Quỳnh

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/suc-khoe/who-viet-nam-dang-ung-pho-tot-dich-corona-4055807.html#box_comment)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY