Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Xã không biết gì khi mỏ đá hàng ngày “bức tử” môi trường sống của người dân ở Phú Thọ

(MangYTe) - Người dân sinh sống tại khu 1 và 2 xã Ngọc Lập (Yên Lập, Phú Thọ) đang sống trong cảnh ô nhiễm môi trường, lo âu việc lở đất, đá có thể diễn ra bất cứ lúc nào khi 2 mỏ đá và một trạm trộn bê tông asphalt ở khu vực này hoạt động hết công suất.

Theo phản ánh của người dân khu 1 và 2 xã Ngọc Lập, trên địa bàn thường xuyên phải hứng chịu những đợt rung chấn từ việc nổ mìn của 2 mỏ đá là mỏ Hang Đùng, thuộc Công ty CP Khoáng sản Phú Thọ và mỏ đá Hang Đùng 1, thuộc Công ty TNHH Thu Hải. Các đợt rung chấn đủ mức độ, lở đất, lở đá và khói bụi đã trở thành nỗi ám ảnh suốt nhiều năm nay với người dân nơi đây.

Cách đây vài tuần, ở trên địa bàn đã xảy ra một vụ lở đá nghiêm trọng, nguyên nhân là do mỏ đá Hang Đùng 1 trong lúc nổ mìn khai thác đá gây ra. Bà L.T.H (khu 1 xã Ngọc Lập) kể lại: “3 bà cháu đang ngồi trong bếp thì bỗng nghe thấy tiếng nổ mạnh, sau đó là tiếng đá bắt đầu lăn xuống. Vì chủ động chạy trước nên may mắn người không sao, nhưng khối đá lớn lăn xuống đã đánh sập căn nhà bếp của gia đình. Khu này hai bên là 2 mỏ đá, một là đằng sau nhà, 2 là bên kia đường Quốc lộ70B”.

Căn nhà bếp của gia đình bà L.T.H – nơi xảy ra vụ lở đá cách đây vài tuần đang được sửa lại.

Ông N.V.A, người dân sống tại khu 1 xã Ngọc Lập cho biết: Việc khai thác đá ở mỏ Hang Đùng 1 khiến cho gia đình ông khốn khổ. Ngoài việc rung chấn, lở đất đá gây nguy hiểm, vấn đề rất nhức nhối khác từ việc nổ mìn, khoan, xử lý và vận chuyển đá gây bụi bặm, các hộ dân nơi đây luôn phải đóng kín cửa vì quá bụi. Cộng thêm trạm trộn bê tông asphalt ngay trong mỏ đá xả khói gây mùi rất khó chịu, người dân xung quanh đang phải sống trong một môi trường đầy rẫy những nguy hiểm và ô nhiễm.

Ông A cho biết thêm: “Người dân chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền nhưng vấn đề chưa được khắc phục, các cuộc tiếp xúc cử tri chẳng giải quyết được gì, nhà cửa thì bám đầy bụi bẩn, mùi khói từ trạm trộn bê tông nồng nặc khó chịu, khói bụi nhiều đến nỗi cây trồng xung quanh không sai được quả”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty chủ quản của trạm trộn bê tông asphalt nằm trong khu vực mỏ đá Hang Đùng của Công ty CP Khoáng Sản Phú Thọ là một công ty có tên là T&Q, đã hoạt động được vài năm nay.

Ông Đinh Xuân Hôn – CT UBND xã Ngọc Lập trong buổi làm việc với phóng viên.

Để làm rõ hơn về những phản ánh trên, phóng viên báo Pháp Luật Việt Nam đã liên hệ làm việc với UBND xã Ngọc Lập (Yên Lập, Phú Thọ). Tại đây, ông Đinh Xuân Hôn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Chính quyền không nhận được bất cứ đơn thư khiếu nại cũng như ý kiến nào của người dân, kể cả trong các cuộc tiếp xúc cử tri hay họp HĐND xã cũng không có.

Theo Nghị định 158/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản: Các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản (trừ hộ kinh doanh) phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan.

Thời điểm gia đình bà L.T.H sống tại khu 1 xã Ngọc Lập bị lở đá gây ảnh hưởng, ông Hôn trình bày rằng Công an xã đã đến nhưng không lập biên bản tại hiện trường vì giữa Công ty CP Khoáng sản Phú Thọ và gia đình bà H đã giải quyết bằng “tình cảm”.

Việc chính quyền địa phương không lập biên bản tại hiện trường có thể sẽ gây ra nhiều sự việc không mong muốn, khó khăn trong việc phân định đúng sai nếu xảy ra tranh chấp giữa 2 bên sau vụ việc.

Ông Hôn thừa nhận việc làm này là sai theo quy định của pháp luật. Theo ông Hôn, hiện nay cả 2 mỏ đá Hang Đùng 1 và Hang Đùng 2 đều không có trạm cân điện tử và camera giám sát.

Vậy các ban nghành liên quan dựa vào đâu để quản lý sản lượng khai thác của 2 mỏ đá này? Việc “thả phanh” khai thác suốt một thời gian dài như vậy có phải nguyên do gây ra các vấn đề ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân?

Khi phóng viên đề nghị tiếp cận những giấy tờ, thủ tục pháp lý mà UBND xã Ngọc Lập nắm giữ của 2 doanh nghiệp khai thác khoảng sản và trạm trộn bê tông aslphal trên, ông Hôn cho biết, chính quyền xã không lưu giữ bất cứ giấy tờ, thủ tục pháp lý nào của các đơn vị này.

Câu hỏi đặt ra là nếu như tiếp tục có những vụ việc xảy ra giữa những đơn vị này và người dân, thì UBND xã Ngọc Lập dựa vào đâu để xử lý, khi cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp tại địa phương không có bất cứ một giấy tờ, thủ tục pháp lý nào của các đơn vị này? Và người dân xã Ngọc Lập khi nào mới thoát khỏi cảnh môi trường sống bị “bức tử” bởi khói bụi và những nguy cơ đe dọa tính mạng từ các mỏ đá Hang Đùng 1 và Hang Đùng 2?

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin. /.

Xuân Hanh

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo pháp luật (https://baophapluat.vn/moi-truong/xa-khong-biet-gi-khi-mo-da-hang-ngay-buc-tu-moi-truong-song-cua-nguoi-dan-o-phu-tho-531490.html)

Tin cùng nội dung

  • Theo các nghiên cứu, lượng kẽm cần thiết hàng ngày cho trẻ sơ sinh khoảng 5mg, trẻ em gấp đôi trẻ sơ sinh (10mg), phụ nữ cần khoảng 12mg...
  • Một người chỉ cần mất 5 - 10% nước đã coi như mất nước trầm trọng và khi mất đến 15 - 20% là coi hết hy vọng cứu chữa. nước quan trọng với sự sống con người như vậy. bên cạnh đó, cách uống nước như thế nào cũng rất quan trọng.
  • Con em năm nay 9 tuổi, ngực trái có biểu hiện nhú lên và đầu ngực phải bình thường...
  • Mọi người dân thường bị rắn cắn khi làm ruộng, đi đường hoặc đi vào rừng. Nhiều trường hợp bị rắn cắn vào tay khi đánh bắt cá; thò tay vào để bắt cua, bắt ếch; dỡ đống gạch
  • Các cụ ta có câu: “Ăn được ngủ được là tiên. Không ăn không ngủ mất tiền thêm lo”. Giấc ngủ có vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của mỗi người nhưng cũng là căn bệnh thường gặp...
  • Cùng cảm nhận những bài học sâu sắc về cuộc sống ẩn giấu qua những nét vẽ tài tình của người họa sỹ.
  • Bệnh thấp tim còn được gọi là bệnh thấp khớp cấp hoặc sốt thấp khớp, là một thể lâm sàng của bệnh tự miễn dịch (nghĩa là cơ thể tự sinh ra kháng thể chống lại chính các cơ quan tổ chức của mình).
  • Chứng mẫn cảm của cơ thể là hiện tượng cơ thể phản ứng khi tiếp xúc với các dị nguyên.
  • Độ ẩm không khí quá cao, nền nhà, tường đều chảy nước, nấm mốc, vi khuẩn sinh sôi phát triển là những tác nhân khiến trẻ em đổ bệnh. Nếu trẻ không được điều trị và chăm sóc đúng cách sẽ gây ra những biến chứng nặng, thậm chí nguy hiểm tính mạng
  • Dịch bệnh tay chân miệng không chỉ bùng phát mạnh ở khu vực đồng bằng, thành thị mà còn xuất hiện ở huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY