Tính từ ngày 25/7 đến nay, cả nước đã ghi nhận 426 trường hợp, trong đó có 42 trường hợp nhập cảnh, 384 trường hợp lây nhiễm trong nước tại 15 tỉnh, thành phố. Đến chiều nay, đã có 11 trường hợp Tu vong, đều là những người cao tuổi, có bệnh lý nền rất nặng.
Theo Bộ Y tế, đợt dịch lần này với ổ dịch là thành phố Đà Nẵng, tâm dịch lớn nhất tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh với gần 200 trường hợp; trong đó có cả nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà, người chăm sóc bệnh nhân và đã có lây nhiễm thứ phát từ những trường hợp mắc trong bệnh viện ra cộng đồng.
Ngoài ra cũng đã xuất hiện nhiều ổ dịch nhỏ khác có nguy cơ lây nhiễm và bùng phát với hơn 20 trường hợp được phát hiện ở Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác là các trường hợp đi tham quan, du lịch, làm việc tại Đà Nẵng.
Chia sẻ nhận định tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chiều 9/8, PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay diễn biến dịch bệnh trong và ngoài nước rất phức tạp, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực ở các tỉnh.
Ảnh: VGP
Do đó, để phòng chống hiệu quả, PGS Phu cho rằng trong thời gian tới không chỉ riêng Đà Nẵng, mà tất cả các địa phương tiếp tục phải vào cuộc, nâng cao cảnh giác, nhất là đối với những địa phương du lịch phát triển.
Bên cạnh việc tăng tốc truy vết các trường hợp đi về từ Đà Nẵng, các địa phương cần triển khai quyết liệt, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch, kiên định 5 nguyên tắc: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch; chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng dịch; tập huấn cho cán bộ y tế; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm để thực hiện tốt công tác phát hiện, khoanh vùng, xử lý ổ dịch, thu dung, điều trị bệnh nhân trong trường hợp phát hiện ca bệnh trên địa bàn.
Về công tác xét nghiệm, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết đến nay Bộ Y tế đã qua 3 lần điều chỉnh chiến lược xét nghiệm theo hướng mở rộng đối tượng, đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, vừa tạo các vòng ngăn để bảo vệ các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, vừa nhanh chóng phát hiện các trường hợp lây nhiễm để khẩn trương cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị hiệu quả,...
"Chúng ta cũng đưa ra cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ để huy động các cơ sở y tế tư nhân tham gia xét nghiệm" – GS.TS Nguyễn Thanh Long thông tin.
Thời gian qua, không chỉ riêng thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam mà tất cả các địa phương đều tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm những người có liên quan đến các ca nhiễm ở Đà Nẵng; người từ Đà Nẵng về, đi qua Đà Nẵng; những người có triệu chứng bệnh như ho, sốt, khó thở.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Nếu chúng ta tiếp tục các biện pháp phòng dịch đã quán triệt từ trước, nhất là được siết lại cách đây 1 tuần, thì chúng ta có lòng tin không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.
Không chỉ riêng thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, mà hệ thống chống dịch, nòng cốt là lực lượng y tế, công an ở tất cả các địa phương đã được khởi động lại nghiêm túc. Mới đây, Bộ Y tế cũng đã thành lập 5 đoàn kiểm tra xuống các địa phương. Phó Thủ tướng yêu cầu tinh thần luôn sẵn sàng chống dịch phải được duy trì liên tục, không để lơi lỏng sau một thời gian.
Bên cạnh đó, qua thực tiễn ở thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, với sự kết hợp của địa phương và lực lượng của Bộ Y tế cử vào, chúng ta cần sớm biên soạn "sổ tay", tổng kết kinh nghiệm, hướng dẫn cụ thể, để các địa phương khác có thể nhanh chóng triển khai các biện pháp chống dịch ngay khi phát hiện ra ca nhiễm ở trong đô thị, bệnh viện, cộng đồng.
Về công tác xét nghiệm, tới đây chúng ta sẽ đẩy mạnh xét nghiệm theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế, lúc nào dùng xét nghiệm kháng thể, lúc nào dùng xét nghiệm Realtime RT-PCR.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, dù có tăng năng lực xét nghiệm đến mấy thì chúng ta cũng không thể nào có thể thực hiện xét nghiệm cho toàn bộ người dân, ngay cả ở một tỉnh, trong một thời gian ngắn. Vì vậy, giải pháp hiệu quả là phải phát hiện thật sớm, truy vết nhanh và xét nghiệm theo các nhóm đối tượng được cơ quan y tế chỉ định.
Để xét nghiệm hiệu quả nhất thì chúng ta phải truy vết được ca bệnh bằng cách kết hợp nhiều giải pháp như: "Đi từng ngõ, gõ từng nhà", kết hợp sử dụng các ứng dụng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch bệnh như NCOVI, Bluezone… Theo Phó Thủ tướng, không một giải pháp nào có thể thay thế cho tất cả.
"Chúng ta phải thấy rõ nguy cơ dịch bệnh là thường trực, vì vậy, phải tuyệt đối cảnh giác. Không chỉ lực lượng phòng, chống dịch, cấp ủy, chính quyền địa phương mà đặc biệt là phải nâng cao ý thức cảnh giác của người dân", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Các cơ quan truyền thông cần tăng cường tuyên truyền để người dân, bên cạnh việc thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, giữ vệ sinh cá nhân… cần tuân thủ hướng dẫn khai báo y tế điện tử, cài đặt các ứng dụng công nghệ như NCOVI, Bluezone… Đây là trách nhiệm của mỗi người dân với chính mình, với gia đình và với cộng đồng.
Ông cho biết, bản thân và nhiều lãnh đạo, thành viên Chính phủ đã cài đặt các ứng dụng công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Vì thế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi mọi người dân, trước hết các bạn trẻ chung tay để chiến thắng dịch COVID-19 bằng việc thực hiện nghiêm các giải pháp, khuyến cáo về phòng chống dịch bệnh COVID-19, trong đó có giải pháp ứng dụng công nghệ.