Ngắm ngẫm nghĩ hôm nay

20 năm nắm quyền, ông Putin có lựa chọn nào cho tương lai?

Đến năm 2024, ông Putin có thể tiếp tục nắm quyền với tư cách thủ tướng, hoặc sáp nhập Belarus để đứng đầu một nhà nước thống nhất mới, hoặc lựa chọn mô hình giống Kazakhstan.

Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh dấu hai thập kỷ nắm quyền, ông tự hào về những thành tựu nhưng vẫn tỏ ra e ngại về chính trị của mình - sự dè dặt làm dấy lên những suy đoán về ý định của nhà lãnh đạo.

Ông Putin chỉ ra sự hồi sinh ảnh hưởng toàn cầu của nước Nga, quá trình hiện đại hóa công nghiệp, sự bùng nổ của xuất khẩu nông nghiệp và sự hồi sinh của quân đội là những kết quả chính trong thời gian ông nắm quyền, bắt đầu vào ngày 31/12/1999.

Vào ngày đó, Tổng thống đầu tiên của Nga Boris Yeltsin đột ngột từ chức, chỉ định cựu sĩ quan tình báo KGB làm người kế nhiệm, mở đường cho cuộc bầu cử với chiến thắng của ông Putin 3 tháng sau đó.

Phe chỉ trích cáo buộc ông Putin gạt phe đối lập sang một bên và thiết lập quyền kiểm soát chặt chẽ với chính trị. Họ nói ông phải chịu trách nhiệm về căng thẳng với phương Tây sau khi Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine năm 2014. Sự kiện này đã giúp củng cố uy tín của ông Putin trong nước nhưng cũng đã đưa đến các lệnh trừng phạt từ Mỹ và châu Âu.

Những người theo dõi điện Kremlin đang cố gắng dự đoán những gì sẽ xảy ra sau khi nhiệm kỳ sáu năm hiện tại của ông Putin kết thúc vào năm 2024. Họ đồng ý về một điều: ông Putin, nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu năm nhất của Nga, có thể sẽ ở lại cầm quyền.

Các kịch bản cho 2024

Yêu thích thể thao, ông Putin, 67 tuổi, dường như vẫn có sức khỏe tốt để tiếp tục lãnh đạo. Ông thường xuyên luyện tập judo, trượt tuyết và chơi khúc côn cầu trên băng để thể hiện sự dẻo dai của mình.

Ông vẫn được yêu thích rộng rãi, mặc dù hiệu ứng tích cực từ việc sáp nhập Crimea đã dần phai trong bối cảnh mức sống dậm chân tại chỗ, tuổi nghỉ hưu tăng và các thách thức khác trong nước.

Ông Putin có thể dễ dàng đề nghị quốc hội để bỏ giới hạn nhiệm kỳ, nhưng hầu hết giới quan sát tin rằng ông sẽ có cách tiếp cận không quá trực tiếp. Tốt nghiệp ngành luật, nhà lãnh đạo Nga thích các biện pháp tinh tế có màu dân chủ.

Đầu tháng này, ông Putin đã ẩn ý về những sửa đổi hiến pháp khả dĩ để phân bổ lại quyền lực giữa tổng thống, nội các và quốc hội.

Ông không chỉ ra cụ thể những thay đổi có thể được thực hiện, nhưng thông báo trên có thể là chỉ dấu về ý định của ông: cắt giảm quyền lực của tổng thống và tiếp tục điều hành đất nước với tư cách thủ tướng.

Có những khả năng khác. Nhà lãnh đạo lâu năm của Kazakhstan, Nurultan Nazarbayev, đã trở thành hình mẫu trong năm nay khi ông đột ngột từ chức và để thân tín của của ông đắc cử tổng thống trong một cuộc bầu cử sớm. Ông Nazarbayev, 79 tuổi, vẫn duy trì quyền lực với tư cách người đứng đầu hội đồng an ninh quốc gia.

Có lựa chọn khác, kịch tính hơn. Nhiều người ở nước láng giềng nói Kremlin có thể thúc đẩy việc sáp nhập hoàn toàn hai đồng minh trước đây của Liên Xô để cho phép ông Putin trở thành người đứng đầu một nhà nước thống nhất mới.

Gần đây khi được hỏi rằng liệu có đang xem xét việc này, ông Putin đã né tránh câu hỏi. Mỗi một lựa chọn đều ẩn chứa những rủi ro lớn.

Rủi ro

Ông Putin chuyển sang ghế thủ tướng từ năm 2008 đến năm 2012 sau 8 năm làm tổng thống, tuân thủ quy định không làm tổng thống quá hai nhiệm kỳ liên tiếp theo hiến pháp, đưa ông Dmitry Medvedev lên ngồi ở ghế cao nhất.

Ông Putin đã tiếp tục có tiếng nói chi phối hơn ông Medvedev, người đã rời ghế tổng thống chỉ sau một nhiệm kỳ. Ông Putin hưởng lợi từ di sản của "người giữ chỗ" này với việc nhiệm kỳ tổng thống được nâng lên thành 6 năm.

Ông Putin đặc biệt chỉ trích quyết định của ông Medvedev, khi để Liên Hợp Quốc chấp thuận tiến hành chiến dịch không kích của phương Tây tại Libya năm 2011, lật đổ ông Moammar Gadhafi và khiến đất nước rơi vào hỗn loạn.

Và tại quê nhà, thông tin ông Putin trở lại vị trí tổng thống đã dẫn đến những cuộc biểu tình rầm rộ ở Moscow vào năm 2011-2012 và gây ra sự rạn nứt trong giới tinh hoa. Các trợ lý của ông Putin nghi ngờ một số cấp dưới của ông Medvedev kích động ông ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa và cổ súy các cuộc biểu tình.

Tuyên bố của ông Putin trong tháng này về việc có thể thay đổi hiến pháp để giới hạn chức vụ tổng thống chỉ trong hai nhiệm kỳ được nhìn nhận rộng rãi như là tín hiệu cho thấy ông đang dự tính tạo ra vị trí điều hành mới cho chính mình trong khi giảm quyền lực của người kế nhiệm.

Nếu ông Putin chọn trở thành thủ tướng với loạt quyền lực rộng mới, việc này có thể tạo ra các thách thức khác.

Bằng cách trao cho phe đa số trong quốc hội quyền bổ nhiệm thủ tướng, ông Putin sẽ dễ bị tổn thương hơn vì ông sẽ phải phụ thuộc vào sự thể hiện của đảng cầm quyền. Trong khi sự ủng hộ dành cho ông vẫn ở mức cao, thì sự ủng hộ dành cho đảng do Kremlin điều khiển, Nước Nga Thống nhất, đã giảm mạnh và tổng thống đã giữ khoảng cách với đảng này.

Việc sáp nhập với Belarus để tạo ra một vị trí lãnh đạo mới thậm chí còn có những rủi ro lớn hơn. Viễn cảnh này có thể khiến một số người Nga mơ về sự hồi sinh của vinh quang quá khứ, nhưng chắc chắn sẽ dẫn đến sự kháng cự mạnh mẽ ở Belarus và kéo dài sự đối đầu với phương Tây.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, người đã tại chức hơn một phần tư thế kỷ, đã tuyên bố sẽ duy trì nền độc lập hậu Xô Viết của Belarus.

Lợi thế từ sự bất định

Dù chọn con đường nào, ông Putin khả năng ​​cao sẽ giữ bí mật ý định của mình cho đến phút cuối.

"Sự bất định này có những lợi thế của nó - bạn có thể để các nhóm lợi ích đấu với nhau, bạn có thể giữ chân họ trong thế bất định này", nhà phân tích chính trị tại Moscow, Yekaterina Shulman, cho biết.

"Tuy nhiên, việc này không thể kéo dài quá lâu vì nó kích động sự đấu đá trong giới tinh hoa".

Bà lưu ý rằng Kremlin có thể tổ chức bầu cử quốc hội, vốn được ấn định vào năm 2021, sớm hơn trước khi sự ủng hộ giảm mạnh.

"Việc có được đa số trung thành trong quốc hội là điều quan trọng", bà Shulman nói. "Làm thế nào để đạt được điều này là một câu hỏi khó".

Bà Shulman cho rằng "kịch bản Kazakhstan" có khả năng xảy ra nhiều nhất. Bà nói việc ở lại cầm quyền nhưng chia sẻ quyền lực với người kế vị sẽ cho phép ông Putin làm dịu cuộc chiến kế vị không thể tránh khỏi giữa các cấp dưới của ông.

"Khó khăn trong mô hình kế nhiệm là toàn bộ khối lượng quyền lực được trao cho vị tổng thống hiện tại thực sự không thể chuyển giao được cho bất kỳ người nào khác", bà Shulman nói.

"Nhưng nếu quyền lực này được phân bổ lại, ít nhất là một phần của nó, thì sẽ dễ dàng hơn cho những người ra quyết định đồng ý về hình dáng của người kế nhiệm tiềm năng".

Theo Zing.vn

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/bon-phuong/20-nam-nam-quyen-ong-putin-co-lua-chon-nao-cho-tuong-lai-2019123019585886.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY