22 tỉnh, thành phố gồm Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tiền Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bình Dương, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang.
Đến nay, tổng số liều vaccine đã tiêm cho nhóm trẻ này là 1.832.424, trong đó 1.828.095 mũi một và 4.329 mũi hai. Tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine là 20% dân số 12-17 tuổi, số liệu do Bộ Y tế công bố hôm nay.
TP HCM là tỉnh tiêm cho trẻ đầu tiên, số lượng tiêm nhiều nhất, với hơn 660.000 liều. Kế tiếp là các tỉnh Quảng Ninh, Bình Dương, Cà Mau... hơn 100.000 liều. Loại vaccine đang được sử dụng để tiêm cho trẻ là của Pfizer.
Trả lời VnExpress hồi đầu tháng 11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết rất hiểu băn khoăn, lo lắng của phụ huynh về việc tiêm vaccine cho trẻ. "Chủ trương tiêm vaccine cho trẻ dựa trên cơ sở đánh giá chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nghiên cứu mức độ an toàn, hiệu quả vaccine với trẻ em của Hội đồng tư vấn về sử dụng vaccine và Hội đồng cấp phép vaccine. 36 nước đã tiêm vaccine cho trẻ, sử dụng rộng rãi nhất là vaccine của Pfizer. Vì vậy, Bộ Y tế mới đi đến quyết định tiêm vaccine Pfizer cho trẻ", ông Long chia sẻ.
Thực tế tại TP HCM, sau khi tiêm hơn 500.000 trẻ, thống kê kết quả cho thấy đều an toàn, không có trường hợp phản ứng nặng, ít trường hợp phản ứng nhẹ thông thường. Các khâu như khám sàng lọc, tổ chức tiêm, theo dõi trẻ sau tiêm... đều được nâng cao hơn một mức.
Trẻ ở TP HCM được tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Thành Nguyễn
Theo Bộ Y tế, từ tháng 3 đến hết ngày 20/11 đã phân bổ 93 đợt vaccine Covid-19 với tổng số gần 135 triệu liều. Đến hết ngày 20/11, cả nước đã tiêm được 107,9 triệu liều, đạt 80% số vaccine phân bổ, trong đó 66,8 triệu mũi một và 41,1 triệu liều mũi hai. Các địa phương đang triển khai tiêm chủng để nhanh chóng đạt được độ bao phủ mũi một và trả mũi hai cho những người đã tiêm mũi một đủ thời gian. Tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều là 89,9% và tỷ lệ tiêm đủ hai liều là 56,9% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Bộ Y tế đánh giá đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca nhiễm cộng đồng đang có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương. Nguyên nhân là mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, nhiều ca không có triệu chứng, không rõ nguồn lây, liên quan người trở về từ vùng dịch. Dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh.