Tin y tế hôm nay

Tin y tế

24 ngày chiến đấu giành sự sống

Singapore-Ông Ben, 55 tuổi, tỉnh dậy trong căn phòng lạ sau những cơn mê sảng, trên mũi là chiếc máy thở.

Người đàn ông này không từng đi tới vùng dịch, tuy nhiên ông nhiều bệnh lý nền như huyết áp cao, tiểu đường nên bệnh diễn biến xấu. Ông phải trải qua 24 ngày chiến đấu với nCoV, trong đó có 13 ngày điều trị tại phòng hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Alexandra.

Ngày 27/2 đến ngày 1/3 - Thở máy

Ông Ben bắt đầu có triệu chứng sốt 37,2 độ C vào ngày 27/2 và đi khám bác sĩ tuy nhiên chưa có kết luận rõ ràng về bệnh. Sau đó, ngày 29/2 khi ông tái khám, lúc này thân nhiệt đã lên 38 độ. Ông không có bất kỳ triệu chứng nào khác ngoài sốt. 

Ngày 1/3, sốt vẫn không giảm nên ông đến bệnh viện Alexandra để khám. Các bác sĩ cho ông về nhà để nghỉ ngơi tiếp tục theo dõi. Đến ngày 5/3, tình trạng bệnh diễn biến xấu. Ông đến bệnh viện lúc 11h trưa để khám, lúc này thân nhiệt là 37,4, các bác sĩ chẩn đoán có thể ông đã nhiễm nCoV. Mặc dù ông không khó thở nhưng mức oxy trong phổi xuống quá thấp. Ông được đưa thẳng vào Phòng hồi sức cấp cứu để thở oxy.

 "Vì ông ấy cần nhiều oxy nên chúng tôi chuyển đến Phòng hồi sức cấp cứu để theo dõi chặt chẽ hơn. Chúng tôi nghi ngờ ông ấy nhiễm nCoV. Thân nhiệt của ông ấy lên xuống và phổi ngày càng bị viêm và thiếu oxy.", Tiến sĩ Liew Mei Fong, Trưởng khoa Hồi sức cấp, cứu chia sẻ.

Nhân viên y tế của Bệnh viện Alexandra mang đồ bảo hộ trước khi vào phòng bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Alexandra

Đến 18h kết quả xét nghiệm cho thấy ông dương tính với nCoV và tình trạng chuyển biến nặng phải thở máy và đặt nội khí quản.

Bác sĩ lên phác đồ điều trị cho ông sử dụng Kaletra, một loại Thu*c trị HIV được cho là có hiệu quả trong điều trị bệnh nhân Covid-19. Lúc này mặc dù đang thở máy nhưng ông Ben vẫn còn tỉnh táo.

"Khi tôi nghe thấy từ duy trì sự sống, tôi gần như phát hoảng. Tâm trí tôi trống rỗng, hoang mang", Ben nhớ lại.

Ông vội vàng nhắn tin cho bạn thân để gởi gắm trong trường hợp ra đi "nếu có chuyện gì xảy ra với tôi, hãy cho gia đình tôi biết nguyện vọng của mình".

Ngày 6 đến 11/3 - Mất ý thức

Sau một ngày nhập viện, ngày 6/3, Ben bắt đầu mất ý thức và xuất hiện ảo giác. "Khi bác sĩ đặt nội khí quản, tôi cảm thấy mình như thức dậy ở một căn phòng xa lạ. Tôi không thể kiểm soát mọi thứ xung quanh. Tất cả rất đáng sợ, không thể thoát ra khỏi cơn ác mộng đó", bệnh nhân nhớ lại.

Cảnh đầu tiên trong cơn ảo giác là không gian văn phòng có bàn, tủ hồ sơ, đồng hồ và không có ai trong đó. Cảnh thứ hai là những từ bằng tiếng Hàn, một ngôn ngữ mà ông không hiểu, cứ lóe lên trong đầu.

"Tôi đã cố nhắm mắt nhưng vẫn không thể thoát khỏi nó. Tất cả những gì tôi nghĩ là làm ơn, cho tôi thoát ra khỏi cảnh này đi. Và rồi lại hiện ra cảnh tiếp theo."

Bác sĩ Liew, người trực tiếp đặt nội khí quản, cho biết ông Ben bị chứng mê sảng, điều này rất phổ biến ở những bệnh nhân bị bệnh nặng và đang dùng Thu*c an thần liều cao.

Sau bốn đến năm ngày, bác sĩ Liew cho biết cô đã giúp bệnh nhân giảm phụ thuộc vào máy thở cũng như hạn chế sử dụng Thu*c an thần. 

"Tôi nhớ, các bác sĩ dặn nếu có bất kỳ đau đớn nào hãy chớp mắt để ra hiệu. "Cũng phải nói rằng họ rất kiên nhẫn. Họ đã hỏi tôi rất nhiều lần và cuối cùng tôi chỉ vào ống thở. Lúc này tôi nhận ra mình khoẻ hơn, tôi có thể trả lời chậm với bác sĩ, y tá.",  Ben nói.

Các nhân viên y tế bệnh viện Alexandra vẫy tay chào tạm biệt ông Ben. Straits Times

Ngày 12/3 -17/3 - Dần hồi phục

Ngày 12/3, ông Ben không cần dùng đến máy thở và được sử dụng Thu*c an thần liều thấp hơn. Ông được bổ sung oxy nhẹ hơn qua ống thông mũi. 

"Tôi nhớ tôi đã cố nói "cảm ơn "nhưng tôi không thể thốt nên lời. Bác sĩ nói với tôi dây thanh của tôi tạm thời bị ảnh hưởng", Ben nói.

Ngày 13/3-16/3, ông Ben tiếp tục được điều trị tại khoa Hồi sức để theo dõi sức khoẻ. Ký ức duy nhất của ông khi đó là những ảo giác. Các y tá kể lại cho ông những gì đã diễn ra. Họ còn đọc cho ông nghe tin nhắn của các thành viên trong gia đình gửi, cầu nguyện cho sức khỏe của ông. 

Ông Ben cũng bày tỏ sự biết ơn khi được các nhân viên chăm sóc tận tình, vệ sinh cá nhân, chải tóc, cạo râu. "Cô y tá gặp khó khăn khi chải tóc cho tôi. Trong cuộc đời, có bao nhiêu người chải tóc cho bạn?". 

Các nhân viên y tế đến từ nhiều nước như Malaysia, Đài Loan, Philippines, Việt Nam và Singapore, họ đều muốn mau ông khỏe lại. "Tôi cảm thấy rằng nếu không có họ, tôi sẽ không khỏe lại nhanh như vậy."

Đến ngày 17/3, ông Ben được chuyển ra khỏi khoa Hồi sức đến khu cách ly vì ông có thể tự thở.

"Tôi biết rằng Covid-19 khiến nhiều người trên thế giới Tu vong và khi vào phòng Hồi sức thì khả năng sống là rất thấp.", ông nói.

Ngày 21/3 - Xuất viện

Sau ba lần xét nghiệm cách nhau 24 giờ cho kết quả âm tính với nCoV, ông Ben được cho xuất viện.

"Tôi đã khóc một vài lần trong thời gian điều trị. Tôi cũng đã khóc khi một y tá nói với tôi rằng cô ấy cầu nguyện cho tôi mặc dù cô ấy không quen biết tôi. Tôi cũng đã khóc khi thấy các y tá rất bận rộn chăm sóc tốt cho tôi như vậy, "Ben nói.

Ben (bìa phải) quay lại cảm ơn các nhân viên y tế tại Bệnh viện Alexandra. Ảnh: Straits Times

"Tôi nhận ra rằng tôi đã có quan niệm sai lầm, rằng phòng Hồi sức cấp cứu như một bản án tử hình. Nhưng giờ tôi nhận ra rằng đó có lẽ là nơi duy nhất có thể cứu tôi. Và tôi là minh chứng".

Ben rơi nước mắt khi kể lại những gì các bác sĩ và y tá đã làm cho ông và ông "rất biết ơn vì được sống". Ngày 27/3, ông Ben quay trở lại bệnh viện để bày tỏ sự cảm ơn đối với các nhân viên y tế, bác sĩ đã cứu sống mình.

Lê Cầm (Theo Straits Times) 

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/suc-khoe/24-ngay-chien-dau-gianh-su-song-4078122.html#box_comment)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY