Tin y tế hôm nay

Tin y tế

3 làng có 21 người mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm - bạch hầu

MangYTe - Em bé 4 tuổi ở huyện Cư Mgar là trường hợp mới nhất dương tính với bạch hầu. Số ca mắc ở khu vực Tây Nguyên không ngừng gia tăng.

Tại khu vực Tây Nguyên, bạch hầu đang có diễn biến phức tạp, số ca mắc không ngừng tăng. Cá biệt tại huyện Đắk Đoa (Gia Lai) có 3 làng xuất hiện tới 21 người dương tính với khuẩn bạch hầu.

Thông tin từ ngành Y tế Đắk Lắk, ngày 14/7, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thêm 3 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu, nâng tổng số ca bạch hầu trong năm 2020 của tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên này lên 6 ca.

Trong 3 ca này, có 1 trường hợp tại huyện Cư M’gar (là cháu bé 4 tuổi) và 2 trường hợp ở M’Đrắk.

Cụ thể, bé 4 tuổi khởi bệnh cách đây 4 ngày với triệu chứng mệt mỏi, sốt cao, đau họng. Gia đình đã đưa cháu đi khám tại một phòng khám tư trên địa bàn, nhưng bệnh không giảm, đến tối 11/7 thì đưa vào nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar.

Bé 4 tuổi vừa phát hiện dương tính với bạch hầu đang điều trị tại Trung tâm y tế huyện Cư M'gar. Ảnh: Kim Oanh

Tại đây, các bác sĩ thăm khám thấy họng cháu bé viêm sưng đỏ có mảng trắng hai bên, chẩn đoán nghi ngờ bạch hầu và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm xác định bệnh bạch hầu. Kết quả xét nghiệm sáng 14/7 cho thấy, cháu bé dương tính với vi khuẩn bạch hầu.

Theo kết quả điều tra dịch tễ, bệnh nhân Y K. Knul có tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu nhưng tiêm không đủ mũi.

Ngay sau khi xác định ca bệnh, Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar đã phối hợp xử lý ổ dịch, lấy mẫu xét nghiệm đối với 20 đối tượng tiếp xúc gần với ca bệnh.

Tại Đắk Nông: Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cho biết, tính đến sáng 14/7, lũy tích toàn tỉnh có 30 ca dương tính bạch hầu tại 8 ổ dịch ở 3 huyện Krông Nô, Đắk Glong, Đắk R’lấp. Cụ thể, huyện Krông Nô 11 ca; Đắk Glong 16 ca và huyện Đắk R’lấp 3 ca.

Trong tổng số 30 ca có 2 ca Tu vong, 11 ca đã xuất viện, 17 ca đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông và Trung tâm Y tế huyện Krông Nô.

Tại Kon Tum: Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh (CDC), hiện tại, toàn tỉnh Kon Tum có 20 ca dương tính với bạch hầu tại 4 địa phương là huyện Sa Thầy, Đăk Tô, Đăk Hà và thành phố Kon Tum. Trong đó, có 10 ca bệnh có biểu hiện (gồm Đăk Tô có 3 ca, Sa Thầy có 6 ca, Đăk Hà có 1 ca) và 10 ca người lành mang trùng không có biểu hiện triệu chứng (gồm Đăk Tô có 3 ca, Sa Thầy có 6 ca, thành phố Kon Tum có 1 ca).

Tại Gia Lai: Tính đến ngày 14/7, ngành Y tế tỉnh đã phát hiện 21 ca dương tính với bạch hầu tại huyện Đắk Đoa (19 ca tại làng Bông Hiot, xã Hải Yang, trong đó có 1 ca Tu vong; 1 ca tại làng Bok Rei, xã Đak Sơ Mei và 1 ca tại làng H’Lang, xã Hnol). Tổng số người lấy mẫu là 75; qua xét nghiệm có 21 mẫu dương tính, 42 mẫu âm tính, còn lại chưa có kết quả.

Trong 21 ca dương tính với bệnh bạch hầu có 5 ca có biểu hiện bệnh, còn lại không có biểu hiện bệnh.

Hiện nay, có 38 trường hợp đang cách ly, điều trị tại các đơn vị, gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh (8 ca dương tính, 4 ca âm tính và 6 ca nghi ngờ); Bệnh viện Nhi tỉnh (6 ca dương tính, 3 ca âm tính) và Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa (5 ca dương tính, 2 ca âm tính và 4 trường hợp nghi ngờ). Tình hình sức khỏe các trường hợp hiện đều ổn định, chưa có biểu hiện bất thường hoặc biến chứng của bệnh.

Theo phân tích của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, trong số khoảng 80 ca bệnh bạch hầu ở Tây Nguyên, có khoảng 30% ca không có biểu hiện triệu chứng, tức là người lành mang trùng, phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc.

Để khống chế sự lây lan của dịch bệnh bạch hầu, TS Viên Chinh Chiến - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên cho rằng cần có 3 bước.

Bước đầu tiên là cán bộ y tế cơ sở phải được tập huấn nâng cao nhận thức để nhận biết được bệnh. Khi phát hiện ra bệnh, đặc biệt là phát hiện sớm, gửi mẫu và xử lý nhanh, thì ít nhất chúng ta xử lý được ổ dịch và đồng thời góp phần ngăn chặn nguy cơ lây lan ra các khu vực khác.

Bước thứ hai là làm tốt công tác điều tra dịch tễ khi có ca bệnh xuất hiện.

Cuối cùng, giải pháp bền vững và an toàn nhất là vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai tiêm chủng làm sao đảm bảo được tỷ lệ hơn 90% theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo ông Chiến, điều quan trọng nhất hiện nay là khống chế các ổ dịch, không để xuất hiện những ổ dịch mới. Làm được điều này mới có thể nhanh chóng dập dịch bạch hầu đang hoành hành tại các tỉnh Tây Nguyên.

T.Nguyên

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/y-te/3-lang-co-21-nguoi-mac-benh-truyen-nhiem-nguy-hiem-bach-hau-2020071418370914.htm)

Chủ đề liên quan:

bạch hầu tây nguyên

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY