Cho đến nay nhiều người vẫn tưởng người có công lao lớn trong việc vận động thống nhất Phật giáo, thành lập GHPGVN năm 1981 phải là người có chức tước ở nhiều lĩnh vực hoạt động của xã hội, vì thế nhiều lần tôi đã có ý định viết lên mấy nét về Cố đại lão Hòa thượng Thích Thế Long để nói rõ về công lao của Hòa thượng nhưng rồi tôi chần chừ mãi, nay sắp đến ngày kỷ niệm 35 năm thống nhất Phật giáo thành lập GHPGVN (11/1981-11/2016), tôi quyết định cầm bút viết đôi điều để tưởng nhớ về Ngài.
Nói về Cố đại lão Hòa thượng Thích Thế Long, trước hết phải nói mấy nét về bối cảnh xã hội và Phật giáo những thập niên trước ngày thống nhất Phật giáo thành lập GHPGVN ở các tỉnh miền Bắc.
Miền Bắc những năm 1980 trở về trước mới qua khỏi cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, theo chế độ bao cấp, điều kiện kinh tế vật chất vô cùng khó khăn thiếu thốn, cuộc sống hết sức cùng cực, đời sống tinh thần cũng rất bí bách, chính sách Tôn giáo lúc bấy giờ tuy không công khai là cấm nhưng thực chất là hạn chế đến mức tối đa kể cả đối với Phật giáo là tôn giáo được coi là đi với dân tộc cũng bị hạn chế triệt để, việc độ đệ tử (nuôi Tiểu) hầu như là không có, do vậy không bao giờ có chuyện “truyền - thụ giới pháp” cho đệ tử. Ở các địa phương tỉnh, thành phố nơi nào còn những ngôi chùa nếu có sư thì chỉ là đèn nhang thờ Phật, mọi hoạt động theo các phong trào do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, các sư đi làm ở Hợp tác xã Nông nghiệp như một xã viên bình thường. Ở thời điểm ấy, Phật giáo miền Bắc có tổ chức “Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam” (HPGTNVN), được thành lập tháng 3 năm 1958, đây là sự kế tiếp của tổ chức Phật giáo Cứu quốc được thành lập từ hồi kháng chiến chống Pháp.
Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam hoạt động với tôn chỉ mục đích là “Hoằng dương Phật Pháp/Lợi lạc quần sinh/Phục vụ Tổ quốc/Bảo vệ Hòa bình”. HPGTNVN có các chi hội từ Quảng Bình trở ra, lúc đầu thành lập hầu hết mỗi địa phương có một “Chi hội”. Người đứng đầu Hội là vị Hội trưởng, Hội trưởng lúc ấy là Pháp sư Thích Trí Độ, là một vị quê ở tỉnh Bình Định, ngài là người rất uyên bác về Phật học cũng như Hán học, cùng một số vị cao tăng thạc đức khác ở miền Bắc là “Phó Hội trưởng”.
Hòa thượng Thích Thế Long lúc ấy là vị cao tăng giữ chức Phó Hội trưởng kiêm Tổng Thư ký HPGTNVN (từ năm 1971). Hoạt động của HPGTNVN thực chất là hoạt động do vị Tổng Thư ký điều hành với hoạt động của Văn phòng. Có thể nói rằng, qua mấy đời Tổng Thư ký trước đều là những vị có chân trong tổ chức nên phải tuân thủ mọi hướng dẫn, chỉ đạo của Mặt trận và Dân vận từ cấp Trung ương nên hoạt động thường là bị động lúng túng, ở cấp tỉnh thành phố lại càng chặt chẽ hơn, nhưng đối với Hòa thượng Thích Thế Long thì ngài đã uyển chuyển kết hợp được chặt chẽ giữa đạo và đời, vừa thực hiện theo sự hướng dẫn của Mặt trận, vừa đáp ứng được nhu cầu tôn giáo của tăng ni, Phật tử nên uy tín của Hòa thượng rất lớn.
Hòa thượng Thích Thế Long. Ảnh: internet |
Cơ cấu của tổ chức Trung ương HPGTNVN lúc bấy giờ qua các kỳ Đại hội đều dành 1/3 số ghế trong Ban Trị sự cho các đại biểu ở miền Nam, để tỏ rõ cái mục đích là thống nhất, nhưng hoạt động của HPGTNVN ở các chi hội lại chính là theo các phong trào phát động từ phía Mặt trận, ví như phong trào xây dựng “chùa tiên tiến” với những nội dung là Sản xuất giỏi, chấp hành chính sách tốt. Sản xuất ở đây bao gồm cả trồng trọt và chăn nuôi, chăn nuôi gà lợn để bán nghĩa vụ cho Nhà nước (đây là việc làm, theo giới luật nhà Phật là khuyến khích việc phạm giới). Phong trào này có chùa được công nhận là chùa tiên tiến, cho cá nhân được công nhận là Chiến sỹ Thi đua như vị Thượng tọa ở Thanh Hóa vì có thành tích chăn nuôi lợn giỏi, rồi phong trào vận động thanh niên tòng quân giết giặc cũng là một vấn đề, còn hoạt động về phần đạo thì chỉ đơn giản các sư hàng ngày tham gia lao động trong Hợp tác xã nông nghiệp để được trả bằng thóc theo chế độ cân đối lương thực của Hợp tác xã để sống, ngoài ra thì sớm tối đèn nhang thờ Phật. Hàng năm, Ban Trị sự Trung ương hướng dẫn tổ chức các khóa “An cư”, có nơi “Hạ an cư”, có nơi tổ chức “Xuân an cư”, nhưng các khóa An cư chủ yếu là học chính trị, thời sự, chính sách do Mặt trận cử cán bộ đến giảng, rồi hướng dẫn thảo luận sau đó các sư viết bài thu hoạch, thế là xong một khóa an cư, chỉ có điều là tại các khóa an cư này có đông tăng ni về thì việc thực hiện các nghi lễ sáng chiều đầy đủ và có quy củ. Với hoàn cảnh như vậy, các vị sư và cả các vị cao tăng chỉ còn biết giữ đạo tại chùa nghĩa là chăm nom đèn nhang cúng Phật, nếu chùa nào còn có đệ tử thì thày trò truyền dạy cho nhau những bộ kinh sách chủ yếu để họ có thể giữ đạo kế tiếp. Một số vị sư có chân trong tổ chức thì hoạt động như là một xã viên tích cực và một đồng chí nòng cốt gương mẫu. Đối với Cố đại lão Hòa thượng Thích Thế Long thì lại khác, là người hoạt động công tác lâu năm và hoạt động ở phạm vi ở cả Liên khu 3, có mối quan hệ xã hội rộng nên vừa được phía Mặt trận Tổ quốc tin tưởng ủng hộ, mà phía đạo vẫn được tăng ni Phật tử mến mộ, đó mới là điều đặc biệt, những điều đặc biệt này tôi sẽ trình bầy dưới đây.
Cuộc Vận động thống nhất Phật giáo có 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo trong cả nước tham gia, nhưng chủ yếu và cốt lõi sẽ là ba tổ chức: một là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là tổ chức lớn ở các tỉnh phía Nam do Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa đạo đứng đầu, hai là Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh là tổ chức được thành lập sau năm 1975, do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt đứng đầu, ba là Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam là tổ chức Phật giáo lớn đại diện cho Phật giáo ở cả miền Bắc, đại lão Hòa thượng Đức Nhuận là người tiêu biểu cao nhất cho Phật giáo cả nước, vậy là chỉ có đại lão Hòa thượng Thích Thế Long, đương nhiệm Phó Hội trưởng kiêm Tổng Thư ký, lúc ấy Hòa thượng Thích Thế Long cũng đang giữ chức Phó Chủ tịch Tổ chức Phật giáo châu Á vì Hòa bình (ABCP) nên uy tín của Hòa thượng rất lớn, là người có khả năng đại diện cho HPGTNVN giữ vai trò chủ chốt tham gia trong cuộc vận động thống nhất này, vì thế, khi thành lập Ban Vận động thống nhất, Hòa thượng được bầu làm Phó Trưởng Ban thứ nhất của Ban Vận động.
Trong gần 2 năm (tháng 2 năm 1980 - tháng 11 năm 1981) xúc tiến cuộc vận động đầy khó khăn cả ở trong nội bộ Phật giáo và ngoài xã hội, ở đây tôi chỉ nêu vài nét để thấy bản lĩnh của Hòa thượng. Hôm ấy là ngày Ban Vận động đến tiếp xúc với Ban Lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất tại chùa Ấn Quang, trụ sở của tổ chức này, đây là cuộc tiếp xúc khó khăn nhất và quan trọng nhất vì GHPGVNTN là tổ chức lớn nhất ở các tỉnh phía Nam và cũng là gai góc nhất vì có một số vị cao tăng không đồng tình với một ban vận động vừa được thành lập (họ không được tham gia trong Ban Vận động, nhưng lại giữ vị trí quan trọng trong Ban Lãnh đạo của Giáo hội). Hòa thượng Thích Thế Long lại được Trưởng Ban Vận động ủy quyền đại diện cho Ban Vận động phát ngôn chính trong buổi tiếp xúc (Hòa thượng Thích Trí Thủ, Trưởng Ban Vận động nhưng hôm nay lại là chủ nhà tiếp Ban Vận động).
Hình ảnh Hòa Thượng Thích Thế Long chụp ảnh lưu niệm bên Ấn Độ. Ảnh: internet |
Vào chương trình làm việc, Hòa thượng Thích Thế Long thay mặt Ban Vận động vừa đứng lên phát biểu mở đầu cho cuộc tiếp xúc liền bị một vị Giáo phẩm cao cấp của Giáo hội đứng lên phát biểu chặn ngang, lời lẽ khiếm nhã, không coi ai ra gì, thật là trớ trêu, người đối đầu lại chẳng phải ai khác mà là vị đồng đạo ở miền Bắc, cùng chung một sơn môn trước khi được Hội tăng già Bắc Việt cho đi du học Phật pháp ở Ấn Độ, trước tình huống vậy, Hòa thượng Thích Thế Long không tỏ ra lúng túng mà Ngài điềm tĩnh dừng lại để nhường cho vị kia nói hết, sau đó Hòa thượng mới đứng lên nhẹ nhàng nói đôi điều đầy tính đạo vị làm cho mọi người có mặt hôm ấy hoan hỷ vỗ tay, chỉ sau đó ít phút người ta thấy vị kia rút khỏi ghế ngồi lúc nào không biết. Cuộc tiếp xúc này vẫn diễn ra một cách tốt đẹp.
Câu chuyện thứ hai là việc tìm kiếm nhân sự ở miền Bắc để bổ sung vào Ban Vận động cũng thật là khó khăn, như trên chúng tôi đã trình bầy, sau các cuộc tiếp xúc với 9 tổ chức hệ phái tham gia vận động thống nhất Phật giáo là việc tìm kiếm nhân sự bổ sung vào Ban Vận động để có đủ nhân sự thành lập các Tiểu ban của Ban Vận động, lúc bấy giờ ở miền Bắc một số vị cao tăng uyên bác đã già, một số thì mai danh ẩn tích nên lựa chọn thêm người quả là rất khó, tuy vậy, Hòa thượng Thích thế Long là người chủ chốt trong việc này, ngài đã chẳng quản ngại khó khăn, vất vả, sau khi họp Ban Vận động về, Ngài đã bàn với chúng tôi là sẽ đến một số chùa mà trước đây Ngài quen biết để tìm hiểu. Một hôm, Hòa thượng về nói với chúng tôi là đã tìm ra một vị có uy tín lớn trong tăng ni ở trong và ngoài nước là người thông hiểu kinh kệ, giới luật trang nghiêm, có đông đệ tử hiện đang ở Sài Gòn và có người đã sang Pháp, nhưng có điều là thành phần gia đình và mối quan hệ phức tạp, khi tôi nêu ý định mời tham gia vào Ban Vận động thì cụ từ chối, nhưng sau khi tôi thuyết phục thì cụ đã miễn cưỡng nhận lời, đó là sư cụ trụ trì chùa Lủ ở ngoại thành thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội, trước đây tôi có quen cụ nhưng vì lâu quá không gặp tưởng cụ đi Nam từ năm 54 rồi, đề nghị các ông ủng hộ tích cực không thì cũng khó lắm đấy, sau khi được Hòa thượng cho biết, tôi thấy đây là vấn đề quan trọng và thấy rằng Hòa thượng có tầm nhìn sâu rộng và khách quan, Chúng tôi đem việc này báo cáo xin ý kiến, qua sự phân tích của chúng tôi liền được lãnh đạo chấp thuận ngay. Đúng như dự đoán của Hòa thượng, chỉ trong vài ngày sau, dư luận trong tăng ni, Phật tử ở Hà Nội đã xôn xao, có nhiều ý kiến phản đối, tiếp theo là một vị Thượng tọa ở Hà Nam Ninh lên chùa Quán Sứ tìm gặp chúng tôi để hỏi về vấn đề này, gặp chúng tôi Thượng tọa nói luôn: nghe nói Hòa thượng Thích Thế Long đã mời sư cụ chùa Lủ vào Ban Vận động phải không? Cụ này thành phần tư sản có đông người kể cả đệ tử và người thân di cư vào Nam và ra nước ngoài, thành phần này cần phải xem xét, cân nhắc kỹ. Qua ý kiến của Thượng tọa tôi thấy đây là vấn đề không đơn giản vì chủ nghĩa lý lịch đã hằn sâu trong trí não nhiều người, nhất là những vị “đồng chí” thì quả là lập trường “kiên định” lắm, nhưng có cái hay là sau khi trao đổi qua lại một lúc và cũng hé lộ tư tưởng “chỉ đạo” thì Thượng tọa nhất trí ngay, cụ nói thêm, nếu thật sự cần thiết thì phải làm cho mọi người hiểu rõ để khỏi ảnh hưởng ra ngoài. Ni trưởng Thích Đàm Đễ tham gia vào Ban Vận động quả là có tác dụng tốt, có ảnh hưởng lớn đối với Ni chúng trong các tỉnh phía Nam, quý vị tăng ni ở phía Nam rất tôn trọng.
Trong triển khai cuộc vận động, mỗi khi có những sự trục trặc, nhất là ở các tỉnh phía Nam, Hòa thượng Trưởng Ban Vận động lại đề nghị mời Hòa thượng Thích Thế Long vào cùng Hòa thượng Trưởng ban và Hòa thượng Thích Minh Nguyệt đi vận động giải quyết. Trong nội bộ Phật giáo đã vậy, đối với cơ quan Nhà nước đôi khi cũng phải có sự tác động của Hòa thượng mới được nhanh chóng. Ở đây tôi chỉ xin nêu một chuyện nhỏ nhưng không có biện pháp giải quyết tốt thì cũng ảnh hưởng không phải là nhỏ, chuyện là thế này: ngày tổ chức Đại hội thống nhất Phật giáo đã gần kề, hôm ấy, một quan chức cao cấp về nhận nhiệm sở mới ở trên đường phố Quan Thánh vì ông vừa được phân công về phụ trách công việc này, khi ngồi trên xe đi qua cổng chùa Quán Sứ, thấy không khí tu bổ sửa chữa để chuẩn bị cho đại hội, ông đã phát biểu một câu xanh rờn trong buổi tiếp xúc đầu tiên với tập thể cán bộ cơ quan: hết việc rồi sao, tiếp tay cho Phật giáo phát triển à? Câu nói của vị lãnh đạo này làm cho mọi người có mặt hôm ấy sững sờ. Sự việc diễn ra như vậy đã tạo ra một không khí khá căng thẳng, lại phải có sự tác động tới từ nhiều phía trong đó có cả vai trò của Hòa thượng mới nhanh chóng được giải tỏa.
Với công lao và uy tín của Hòa thượng như vậy nên tại Đại hội thành lập GHPGVN (1981) đã suy cử Hòa thượng vào vị trí Phó Chủ tịch Thường trực thứ nhất của GHPGVN.
Tại Hội nghị Hội đồng Trị sự Trung ương (1983), Hòa thượng được phân công đặc trách các tỉnh phía Bắc, lúc này tăng ni, Phật tử phía Bắc vừa phấn khởi nhưng đồng thời cũng hoang mang về nếp sinh hoạt theo Quy chế của tổ chức mới, Hòa thượng lại phải một thời kỳ vất vả về các địa phương tuyên truyền thuyết phục các cấp chính quyền và Mặt trận giúp cho Phật giáo củng cố, chuyển đổi từ “Chi hội” sang “Ban Trị sự” và sắp xếp lại thành phần nhân sự theo cơ chế mới để đưa vào hoạt động ngay theo nền nếp của Hiến chương GHPGVN đã được Nhà nước phê duyệt.
Cũng tại hội nghị năm 1983, Trung ương Giáo hội thông qua công trình nghiên cứu chuyển đổi ngày đại lễ Phật đản và quyết định toàn Giáo hội tổ chức Phật đản vào ngày 15 tháng Tư Âm lịch hàng năm, đây là một vấn đề khó bởi vì ở các tỉnh phía Nam đã thực hiện sau những năm 1950 (theo quy định của Tổ chức Phật giáo Thế giới) còn ở miền Bắc vẫn theo truyền thống lễ Phật đản vào ngày mồng 8 tháng Tư. Với nền nếp và lối suy nghĩ cũ cộng với khó khăn về cơ sở vật chất cho việc tuyên truyền phổ biến quy định mới này nhưng chỉ trong chưa đầy bốn tháng, Hòa thượng đã vận động được Phật giáo cùng các cơ quan chính quyền và Mặt trận Tổ quốc ủng hộ để tổ chức ngày Đại lễ Phật đản vào đúng ngày Giáo hội quy định.
Hòa thượng là vị cao tăng chỉ vì lợi ích chung, không màng danh lợi, khi Tổ chức Phật giáo châu Á vì Hòa bình (ABCP) được thành lập, Hòa thượng đã là người tham gia trong Ban Chấp hành và Ngài được bầu làm Phó Chủ tịch, nhưng khi thành lập GHPGVN, vì yêu cầu của công việc tranh thủ rộng rãi các chức sắc nên Hòa thượng đã tự nguyện chuyển giao vị trí Phó Chủ tịch sang Hòa thượng Thích Minh Châu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký của Giáo hội đảm trách việc này. Năm 1984, khi Hòa thượng Thích Trí Thủ, Chủ tịch GHPGVN viên tịch, Giáo hội phải thỉnh cử vị Chủ tịch mới, lẽ ra chân Chủ tịch Giáo hội phải đôn vị Phó Chủ tịch Thường trực thứ nhất lên thay, nhưng vì yêu cầu của công việc nên Hòa thượng lại tự đề xuất với Ban Thường trực HĐTS thỉnh Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Phó Chủ tịch Thường trực ở vị trí thứ hai lên làm Chủ tịch Giáo hội, với những cử chỉ này đã làm cho tăng ni Phật tử hết lòng kính trọng và mến mộ Hòa thượng.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, với tư cách là người trụ trù cùa Cổ Lễ, Hòa thượng đã động viên đệ tử nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, với phong trào “cởi Cà sa khoác chiến bào” ra trận sau khi chiến tranh kết thúc, trong số đệ tử cùa Hòa thượng có người trở thành sỹ quan cao cấp Quân đội Nhân dân Việt Nam. (Đệ tử của Hòa thượng trụ trì chùa Cổ Lễ hiện nay, Thượng tọa Thích Tâm Vượng cũng từng là một quân nhân, trong Quân đội Nhân dân Việt Nam).
Trước ngày giải phóng miền Bắc (năm 1954), Hòa thượng đã tham gia và giữ nhiều chức vụ quan trọng, ngay từ năm 1945, Hòa thượng đã tham gia Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Nam Định, rồi Phó Chủ tịch Phật giáo Cứu quốc tỉnh Nam Định, Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh Nam Định, Ủy viên Mặt trận Liên Việt toàn quốc. Với quá trình hoạt động như vậy, Hòa thượng có mối quan hệ rộng rãi ở cấp Trung ương và địa phương cũng như đối với giáo phẩm, giáo sỹ tôn giáo bạn, ở đây tôi chỉ xin kể một câu chuyện đầy xúc động mà tôi được chứng kiến, hôm ấy, Hòa thượng lên Hà Nội để họp Quốc hội (Hòa thượng vừa được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN), Hòa thượng nói với tôi: Hôm nay tôi có khách đến thăm, cụ vừa được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội khóa này, mời ông sang cùng tiếp khách với tôi, khi tôi sang phòng của Hòa thượng, chỉ ít phút sau thì đệ tử vào thưa với Ngài là có khách đến, tôi và Hòa thượng cùng ra đón, vị khách đó là một người mặc áo chùng thâm tiến vào, hai vị, một chủ một khách ôm trầm lấy nhau, hôn nhau rất thắm thiết, sau đó Hòa thượng giới thiệu luôn: Đây là Cha Phạm Quang Phước ở Giáo xứ Hải Dương, tôi và cha hai người chúng tôi có nhiều kỷ niệm gắn bó với nhau sâu sắc lắm, có nhiều lần anh em tôi cùng nhau đi hoạt động phải đi qua trên đường số 5 mà đường này lính Pháp tuần tra dữ lắm, mỗi lần qua đây chúng tôi phải vượt qua đường, cánh đồng hai bên nước cả mênh mông, chúng tôi phải cởi cả quần áo đội lên đầu rồi cứ chiều thẳng hướng, lội tắt cánh đồng đến địa điểm đã định; nhiều khi phải ôm nhau nằm dưới hầm bí mật cả mấy ngày trời, gian khổ ác liệt lắm nhưng có nhiều kỷ niệm sâu sắc mà vui.
Đối với tăng ni Phật tử, Hòa thượng rất quan tâm, tôi đã được nhiều người kể cho nghe những năm 60-70 của thế kỷ trước, nhiều chùa sư già ốm yếu chỉ sống một mình (vì không được nhận nuôi tiểu), Hòa thượng đã đến gặp chính quyền và Mặt trận Tổ quốc địa phương đề nghị cho người đến để trông nom, giúp đỡ, với cách thuyết phục của Hòa thượng, nhiều địa phương đã phải nhân nhượng, Hòa thượng lại nhờ Phật tử giới thiệu người và đưa đến tận nơi giúp đỡ, qua đó dần dà rồi xuống tóc và trở thành tiểu, thế nên trong những thập niên 70 của thế kỷ trước, việc nuôi tiểu và truyền thụ giới pháp hầu như là cấm triệt để nhưng hàng năm vẫn có cả chục người xuất gia mà bây giờ, các vị đó đã là Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư.
Việc truyền giới cho đệ tử cũng là một vấn đề, đôi lần tôi xuống thăm và làm việc với Hòa thượng ở chùa Cổ Lễ có khi phải chờ cả tiếng đồng hồ mới gặp được Ngài, lúc gặp Hòa thượng vui vẻ nói “đồng chí thông cảm các cháu cần có tấm pháp để tu”, lúc đầu tôi chưa rõ là chuyện gì khi về trao đổi lại với bác cán bộ cùng làm việc với tôi, ông đã có thâm niên ở chùa, bác cho biết đó là lúc Cụ đang truyền giới cho đệ tử (và bác giải thích thêm Nhà nước cấm nuôi tiểu, cấm thụ giới nên các cụ phải làm chui (thụ giới chui). Lần sau lên chùa Quán Sứ gặp tôi, Hòa thượng nói: mấy sư ở chùa khác gửi các cháu đến chỗ tôi (chùa Cổ Lễ) để thụ giới, nể các cụ và thương các cháu nên tôi cũng phải giúp, có sai sót chút đấy ông thông cảm. Sau đó mấy năm thỉnh thoảng xuống thăm và làm việc với Ban Trị sự Phật giáo ở một số tỉnh cũng gặp trường hợp tương tự, có lần có Hòa thượng đồng chí nói với tôi: chúng tôi cũng biết là sai đấy nhưng cũng không có cách nào khác, nếu không đào tạo người kế nghiệp thì coi như là hủy diệt Phật giáo, ảnh hưởng rất lớn. Tôi đem việc này báo cáo với cấp trên, sau khi phân tích lợi hại, ông rất đồng tình nhưng ông cũng nói cái khó là do nhận thức!
Việc đào tạo tăng tài, Hòa thượng rất quan tâm, năm 1977, HPGTNVN được phép mở một trường đào tạo ngắn hạn, rồi cho mở Trường “Tu học Phật pháp Trung ương”, tiếp theo Hội lại được Nhà nước cho phép mở Trường “Cao cấp Phật học”, thời gian tu học là 4 năm, trong thời buổi bao cấp mọi cái đều rất khó khăn. Việc xin phép mở trường đã khó, việc chiêu sinh và duy trì lại còn khó hơn, nhiều vị sư trưởng không dám cho đệ tử đi học vì chùa không có khả năng cung cấp, Hòa thượng với tư cách là Phó Hội trưởng kiêm Tổng Thư ký, một mặt về tận các chùa để động viên từng vị sư cho đệ tử mình đi học nhưng đồng thời Hòa thượng cũng đề nghị với Ban Tôn giáo Chính phủ tìm cách giúp đỡ, Hòa thượng cũng tìm những người quen cũ đang là cán bộ phụ trách ở những cơ quan để xin các chế độ cho học viên. Khóa học ban đầu tuy không đông nhưng chăm lo cho các tăng ni sinh trong cả khóa cũng không hề đơn giản, Hòa thượng phải huy động mối quan hệ quen biết cũ của mình ở ngành thương nghiệp ở các cấp từ huyện, tỉnh và Trung ương nên các nhu cầu tối thiểu không khó khăn mấy.
Mỗi lần từ chùa Cổ Lễ lên hoặc đi đâu xa về Hòa thượng đều cho tập hợp lớp học lại để thăm hỏi động viên và chia quà. Những lần đi hoạt động quốc tế về thì từ người nấu ăn dưới bếp đến tất cả mọi người trong chùa đều có quà của Hòa thượng. Với những tình cảm chân tình của Hòa thượng qua đã hơn ba thập kỷ nay vẫn đọng lại trong tâm mọi người.
Một chuyện mà đến nay có lẽ ít người biết, chùa Vọng Cung ở thành phố Nam Định khi chiến tranh phá hoại của Mỹ, chùa bị san bằng, sau khi hòa bình lập lại, tín đồ Phật tử đã đóng góp để dựng lại nhưng lúc ấy thủ tục quá khó khăn nên chỉ dựng tạm được mấy gian nhà cấp bốn làm nơi thờ Phật, bà con lại tiếp tục ngấm ngầm vận động và mua trữ vật liệu (lúc bấy giờ việc vận động kinh phí là một điều cấm kỵ, vật liệu thì Nhà nước độc quyền quản lý) để xây dựng lại thành ngôi chùa khang trang nhưng vật liệu đã chuẩn bị 4-5 năm mà không xin được phép, đến năm 1979 khi tổng kết năm, có mục nói về tu sửa chùa cảnh có đánh giá rằng: Chùa Vọng Cung ở Nam Định đã được trùng tu nhưng vẫn chưa hoàn thiện cần sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng. Báo cáo này do Phó Hội trưởng kiêm Tổng Thư ký Ban Trị sự Trung ương Hội đọc trước Hội nghị. Sau khi dự hội nghị về, Thượng tọa Thích Tâm Thông trụ trì chùa Vọng Cung, cho công ty xây dựng của tỉnh Nam Định vào làm và khởi công luôn (công ty từ Giám đốc trở xuống đều là Phật tử thuần thành của chùa Vọng Cung), họ làm cấp tập suốt ngày đêm chỉ trong có mấy ngày đã xây tường xong chỉ còn lắp đặt phần mái, lúc ấy thành phố mới biết và cho người đến kiểm tra thì Thượng tọa trụ trì trình ra bản báo và lý do là nhà chùa phải thực hiện theo chủ trương của Trung ương Hội. Được thông tin về sự việc này, lập tức Hòa thượng từ Cổ Lễ lên gặp lãnh đạo tỉnh nhưng chưa giải quyết được, Hòa thượng lại lên báo cáo Ban Tôn giáo Chính phủ và gặp ông Xuân Thủy (lúc bấy giờ đang là Bí thư Trung ương Đảng phụ trách Dân vận Mặt trận) có sự can thiệp từ Trung ương về, ngôi chùa Vọng Cung được hoàn thiện, tuy nhiên quy mô như hiện nay mà mọi người biết đó là đã được nâng cấp lần hai.
Tôi được gần Hòa thượng trong một thời gian ngắn (từ cuối năm 1979 cho đến ngày Hòa thượng viên tịch (1985), nhưng tôi cảm nhận được ở Hòa thượng có nhiều điều rất đặc biệt, Hòa thượng là vị cao tăng nhưng rất xông xáo, không nề hà điều gì, miễn điều đó là lợi đạo, ích đời thì Hòa thượng không quản ngại; về tình cảm thì Hòa thượng chan hòa không phân biệt trên dưới sang hèn, là vị cao tăng nhưng nếp sống giản dị nên Hòa thượng luôn được mọi người rất mực tôn kính. Trong các vị cao tăng thời ấy (thời của Hòa thượng), chắc chắn nhiều vị cũng biết được rằng, Hòa thượng sống khiêm nhường, không màng ngôi thứ, danh vị nên Quý vị đều rất cung kính, nể trọng. Mấy dòng vắn tắt trên đây chưa thể nói đầy đủ về Cố đại lão Hòa thượng Thích Thế Long nhưng nó thể hiện tấm lòng tôn kính và ngưỡng mộ của tối đối với Hòa thượng.
Nguồn: http://thegioidisan.vn/vi/35-nam-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-nghi-ve-co-dai-lao-hoa-thuong-thich-the-long.html