Cuộc sống luôn ẩn chứa những yếu tố không an toàn, những nguy hiểm tiềm tàng mà bản thân chúng ta đôi khi nghĩ là "không có gì", ví dụ, nếu trẻ nghịch ngợm ổ điện, trèo ban công, nghịch lửa trong phòng...
Việc phòng ngừa sự cố là an toàn nhất, vậy nên cha mẹ cần kiên quyết nói "không" với tình huống trẻ nghịch dại, để trẻ hiểu đó là một việc làm không được phép, vì sự an toàn của chính chúng.
Tuy nhiên, thay vì gay gắt ra lệnh "Không được", bạn cũng nên giải thích cho con thấy tính nguy hiểm của sự việc, để trẻ hiểu được và tránh việc chúng lén lặp lại trò nghịch đó khi không có người lớn.
Mỗi trẻ em đều cần được đặt ra những quy tắc nhất định, điều này không chỉ cho phép trẻ hiểu rõ hơn khái niệm đúng, sai, mà còn giúp trẻ rèn luyện tính tự giác, khả năng kiểm soát mọi vấn đề.
Nếu trẻ đòi bật tivi mới chịu ăn, mà bạn cho phép chúng, thì ngày hôm sau, cứ đến bữa ăn, chúng sẽ đòi bạn mở tivi. Vì thế, ngay khi trẻ mè nheo, cần nói "Không" và đặt ra quy tắc cho trẻ, ví dụ: ăn cơm xong mới được xem. Chính những quy tắc mà bạn đặt ra sẽ giúp củng cố, phát triển khả năng điều chỉnh hành vi của trẻ, để trẻ có thể hợp tác với mọi người.
Trong vấn đề này, quan trọng là phụ huynh cần phải xác định các quy tắc mà trẻ sẽ phải tuân theo, đồng thời cho trẻ biết đâu là thẩm quyền mà bé không thể kiểm soát hay vượt qua. Ví dụ, nếu bé muốn chơi cầu trượt trong công viên mà không phải xếp hàng như các bạn, bạn cần phải nói rõ với con là "Không được", thay vì dung túng trẻ, thậm chí nói với các bạn khác thay con để bé chơi trước.
Rất nhiều trẻ được cha mẹ nuông chiều sẽ sinh hư: nếu không được thỏa mãn ý mình sẽ đánh cha mẹ, cắn bạn bè để giằng đồ chơi... Dù đây là sự phản kháng mang tính bản năng của trẻ, cha mẹ cũng cần phải sẵn sàng nói "không".
Cần dạy cho trẻ hiểu việc làm đau người khác là không nên. Ngược lại, nếu phụ huynh không sẵn sàng nói không với trẻ mà để chúng tự do hành xử theo bản năng, dần lớn, chúng sẽ hình thành tính hung hăng, hay đi bắt nạt người khác và gây tổn hại cho những người xung quanh.
Mọi đứa trẻ đều sợ bị phạt, nên không ít bé nảy sinh tâm lý sợ hãi, muốn trốn tránh trách nhiệm, thậm chí nói dối để tránh bị trừng phạt. Lúc này, cha mẹ nên chỉ cho con thấy thái độ đùn đẩy lỗi cho người khác là không nên, đồng thời hướng con đến việc nhận lỗi, sửa sai cho phù hợp. Nhờ thế, trẻ trưởng thành mới có ý thức trách nhiệm, trước là có trách nhiệm với bản thân, sau là những người xung quanh mình.
Sin/VnExpress
Chủ đề liên quan:
tình huống