Làm đẹp hôm nay

Ta thường nói cái này đẹp, cái kia xấu; đọc bài văn khen hay, nhìn bức tranh khen khéo, nghe đàn mà cảm động, xúc cảnh mà hứng hoài. Bấy nhiêu thứ đều gợi ra trong tâm tình ta một cái cảm riêng, nhà tâm lý gọi là “mỹ cảm”

7 tác hại rình rập từ đôi giày cao gót

Sải bước trên những đôi giày cao gót đẹp đẽ khiến phụ nữ cảm thấy kiêu hãnh và tự tin. Tuy nhiên những tác hại từ giày cao gót đang rình rập sức khỏe của chị em.

Giày cao gót là phụ kiện “độc quyền” của phụ nữ, món đồ không thể thiếu trong tủ quần áo của chị em. Những đôi giày cao gót giúp tôn dáng, làm phái nữ thướt tha, yêu kiều trong những bộ váy điệu đà. Nhưng việc mang giày cao gót thường xuyên khiến cơ thể đối diện với nguy cơ đau lưng, đau khớp gối, ngón chân biến dạng, dãn dây chằng eo,...

7 tác hại từ việc đi giày cao gót

Đau lưng: Các nghiên cứu đã chứng minh, những đôi giày có gót cao hơn 3,3cm khiến chủ nhân có nguy cơ đối mặt với tình trạng cơ lưng, cơ eo, hệ dây chằng, đều bị dãn ra, dẫn đến đau lưng mãn tính. Bởi lẽ, khi đi giày cao sẽ khiến trọng lượng cơ thể bị dồn về phía trước, kéo theo bụng và lưng cũng chúi về trước. Để giữ thăng bằng, ngực và thắt lưng phải ngã ra sau. Khi đó, bụng lại ưỡn ra trước, các cơ bắp lại phải kéo mạnh để giữ cơ thể được thằng. Bên cạnh đó, đi trên đôi giày cao khiến xương sống bị lắc lư liên tục, không ổn định, dẫn đến cơ lưng phải hoạt động nhiều hơn.

Đau đầu gối: Là bộ phận giảm xóc quan trọng, đầu gối có công dụng giúp cơ thể đi lại uyển chuyển. Gót giày cao làm gia tăng áp lực lên bề mặt trong đầu gối, và các cơ đầu gối phải hoạt động nhiều hơn. Nếu tình trạng này kéo dài, chị em có thể bị viêm khớp gối.

Đau bắp chân và mắt cá: Thiết kế của giày cao gót khiến mắt cá chân bị đặt trong thế cong về phía trước. Tư thế này khiến máu khó lưu thông đến các chi dưới. Với một số “tín đồ” của giày cao gót lâu năm, tĩnh mạch chân có thể nổi chằng chịt lên da như dây điện. Việc đi lại trên giày cao, khiến gót chân bị cứng và kéo căng bắp chân. Theo thời gian, bạn có thể bị căng cơ mắt cá chân và dây chằng bắp chân.

Biến dạng ngón chân: Việc mang các đôi giày mũi nhọn, ôm sát khiến bàn chân bị bó chặt. Khi đi giày cao, trọng tâm của cơ thể đều dồn lên mũi bàn chân, ép các ngón chân chúi về phía trước và cọ xát với giày. Tùy vào vị trí mà mức độ chèn ép của các ngón sẽ khác nhau, ngón cái sẽ bị tổn thương nhiều nhất. Hệ lụy điển hình của tình trạng này là vẹo ngón chân cái, nấm móng, hoặc móng chân mọc ngược vào trong.

Suy giãn tĩnh mạch chân: Đi giày cao khiến các cơ phía sau cẳng chân và bàn chân ít hoạt động, làm máu khó về tim, lâu ngày sẽ gây giãn tĩnh mạch nông. Dấu hiệu nhẹ của bệnh là bạn cảm thấy tê chân, mỏi chân, nặng chân, chuột rút vào buổi tối,... Khi bệnh đến tình trạng nặng, sẽ gây viêm nhiễm, sưng tấy, khó đi lại.

Lệch cột sống: Đi giày cao gót trong thời gian dài ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ chân, và sự cân bằng của cơ thể. Trong một thời gian dài, các điểm chịu lực của cơ thể thay đổi, làm cho thứ tự chịu lực thay đổi thì khả năng chịu lực của cơ thể sẽ yếu đi. Điểm chịu ảnh hưởng đầu tiên là gót chân, sau đó là đầu gối, và có thể lan đến vùng lưng. Hệ quả là cơ bắp chân bị rút ngắn lại, gai cột sống, cong vẹo cột sống, dáng đi khập khiểng,...

Ảnh hưởng khả năng sinh sản: Những đôi giày cao kiêu hãnh khiến cho trọng lượng của cơ thể bị dồn lên ngón chân và xương chậu có khả năng bị nghiêng. Xương chậu lệch là nguyên nhân dẫn đến đau bụng kinh nhiều hơn, rối loạn kinh nguyệt, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống niệu sinh dục, làm giảm khả năng thụ thai và lãnh cảm.

Một số cách lựa chọn giày cao gót đúng

-Nên chọn giày thoáng khí, chất liệu co dãn tốt, không quá chật. Những đôi giày mũi nhọn, độ dốc cao, bó sát chân khiến bạn khó khăn trong việc đi lại, mất thăng bằng, dễ ngã. Một đôi giày có chiều cao 2-4cm và đường kính gót 3-5cm là lý tưởng để bạn vừa tôn dáng, vừa đi lại dễ dàng.

-Nên dùng giày có quai hậu thay cho giày xỏ, giày búp bê vì giày có quai hậu sẽ giảm trọng lượng dồn về phía trước.

-Nếu bạn quá thích những đôi giày trên 5cm hãy mang chúng 1-2 tiếng mỗi ngày và xoa bóp cho chân.

-Bạn nên cắt móng chân ngắn, gọn gàng, để tránh trình trạng móng chân cọ sát với giày làm móng bị mọc ngược hay gãy móng.

Giày cao gót mãi chiếm "ngôi vương" trong lòng của chị em. Nhưng các bạn cũng đừng quên tác hại của giày cao gót gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe. Hãy là một cô nàng sành điệu thông minh để chọn được một đôi giày cao gót an toàn cho sức khỏe.

Ý Nhi

Theo tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/lam-dep/7-tac-hai-rinh-rap-tu-doi-giay-cao-got-28448/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY