Sự lây truyền Covid-19 từ người sang người chủ yếu qua các giọt bắn, thường không bị ảnh hưởng bởi không khí. Giọt bắn rơi khá gần nơi phát sinh nguồn lây nhiễm, trong phạm vi một mét trở lại. Đó là lý do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa một bệnh nhân Covid-19 có thể lây cho người khác ở phạm vi 2-3 hàng ghế. Trong khi đó, nguy cơ nhiễm bệnh cho người ngoài phạm vi này thấp hơn nhiều.
Nhân viên y tế khử trùng máy bay của hãng Vietnam Airline để phòng virus corona. Ảnh: Ngọc Thành. |
Giáo sư Howie Weiss, Trung tâm Động lực học truyền nhiễm, Đại học Pennsylvania, Mỹ ,cho biết 5 năm trước, khi giảng dạy tại Học viện Công nghệ Georgia, ông đã thực hiện một nghiên cứu, hợp tác với Trường Y tế Công cộng Emory về các vấn đề về bệnh truyền nhiễm trong khoang máy bay.
10 chuyến bay nội địa ở Mỹ có thời lượng 3-5 giờ, chở khoảng 1.500 hành khách và phi hành đoàn đã tham gia vào nghiên cứu.
"Chúng tôi có 10 sinh viên tốt nghiệp đi trên mỗi chuyến bay ghi lại tất cả các hành vi, tần suất di chuyển và vị trí của các hành khách, phi hành đoàn trong khoang. Nghiên cứu cho thấy bất cứ ai ở trong phạm vi một mét cũng sẽ được khoanh vùng để xem mức độ lây lan", giáo sư Howie Weiss cho biết.
Nghiên cứu tập trung vào việc truyền bệnh cúm hoặc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác chủ yếu lây lan qua giọt bắn khi nói chuyện, ho, hắt hơi...
"Những giọt bắn sẽ rơi trong vòng một mét tính từ người ho. Đó là cơ hội lý tưởng lây bệnh cho hành khách ngồi trong phạm vi này. Những người khác không nằm trong phạm vi này, nguy cơ nhiễm bệnh tương đối nhỏ", ông Weiss chia sẻ thêm.
Nghiên cứu cũng cho thấy ghế ngồi ở khu vực cửa sổ là lý tưởng nhất để giảm nguy cơ nhiễm bệnh. "Chúng tôi nhận thấy, nếu ngồi ở ngay khu vực lối đi, bạn sẽ luôn trong phạm vi một mét của bất cứ ai đi qua đó. Trong khi khu vực cửa sổ sẽ cách xa hơn. Điều đó có nghĩa là nếu ngồi cố định ở khu vực cửa sổ, bạn sẽ không có nguy cơ nhiễm bệnh". Tuy nhiên, giáo sư Weiss lưu ý rằng việc ngồi cạnh cửa sổ sẽ không an toàn nếu cấu hình của máy bay chỉ có hai chỗ ngồi tại khu vực cửa sổ.
Giáo sư Howie Weiss nói rằng nghiên cứu của ông không bao gồm lây truyền gián tiếp, tức mầm bệnh được truyền bởi một hành khách chạm vào một vật mà trước đó người bệnh chạm vào.
Phi công người Mỹ, Patrick Smith, chủ nhân blog nổi tiếng Ask The Pilot và tác giả của cuốn Tuyệt mật trong buồng lái cho rằng các hệ thống lọc trên máy bay xử lý 94-99,9% vi khuẩn trong không khí. Việc thay đổi thường xuyên không khí trong khoang máy bay đem lại luồng khí trong lành hơn nhiều so với ngồi làm việc tại văn phòng, đến lớp học, rạp chiếu phim...
Smith cũng cho rằng trừ khi bạn ngồi rất gần người bị nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm, còn lại thì khả năng lây bệnh trên máy bay cực thấp.
"Một người nhiễm bệnh trên máy bay thường là do họ chạm vào vật có khả năng lây nhiễm chứ không phải từ việc hít thở. Do đó, dung dịch khử trùng tay có lẽ là biện pháp phòng chống nhiễm bệnh tốt hơn so với việc đeo khẩu trang khi bạn đi máy bay", Smith khuyên.
Sau khi đi vệ sinh cần rửa tay sạch với xà phòng và nước hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi trở về chỗ ngồi. Đừng quên rửa tay đúng cách với xà phòng trong ít nhất 20 giây để đảm bảo sát khuẩn hiệu quả.