Lễ khai trương 3 cây "ATM thực phẩm miễn phí" tại trụ sở Báo Người Lao Động, tại quận 12 và tại Văn phòng đại diện Báo Người Lao Động ở Hà Nội (từ trái qua)
iữa những ngày cách ly xã hội, chứng kiến người thất nghiệp, thiếu cả tiền mua gạo, mua thực phẩm đã khiến Báo Người Lao Động quyết định không ngồi yên. Ý tưởng được lên, bắt nguồn từ câu chuyện đẹp về "ATM gạo" của "người nổi tiếng" Hoàng Tuấn Anh ở quận Tân Phú.
Nhưng rồi Ban Biên tập báo tự đặt câu hỏi: gạo thôi có đủ? Không có tiền mua gạo, họ có đủ tiền mua đồ ăn kèm. Trong đại dịch Covid-19, những bữa ăn đủ chất lại là thứ được y khoa khuyến nghị.
Một nhà hảo tâm giấu tên từ Công ty Adam (Tân Bình) nghe vậy đã giới thiệu một thiết kế ATM mới: máy nhả ra một chiếc hộp, trong đó, ngoài 1 kg gạo, còn có chỗ để đặt thêm 1 vỉ trứng hoặc vài gói xúc xích. Vậy là ý tưởng bữa cơm có trứng, xúc xích, cá hộp… thành hình.
Ý tưởng này cũng là điểm thu hút nhiều nhà hảo tâm đến đóng góp. "Vậy ngoài trứng, tôi có thể gửi tặng cá hộp được không? Nếu được, tôi lại đến…" – một nhà hảo tâm giấu tên đã hỏi chúng tôi sau một buổi sáng âm thầm xếp hàng, trải nghiệm, để rồi đem ngay một xe tải chở 6.000 quả trứng đến "ATM thực phẩm miễn phí".
"Bữa cơm có trứng, xúc xích" cũng níu chân bà Caz White, một nhà hảo tâm người Úc, đại diện nhóm bạn đến Báo Người Lao Động trao 2 tấn gạo đặc sản. Biết rằng ngoài gạo, người nghèo còn được tặng cả món ăn kèm, bà tỏ ra rất vui và còn cám ơn ngược lại đội tình nguyện khi đã giúp bà thấy những người khó khăn ở Việt Nam, "quê hương thứ 2" của bà, đã được cố gắng giúp đỡ một cách trọn vẹn nhất.
ời kêu gọi đăng báo không lâu, những chuyến gạo đầu tiên đã đến. Nếu bạn đến Tòa soạn Báo Người Lao Động – Cao ốc 123, tọa lạc ở số 123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM những ngày này, bạn sẽ thấy gạo và nhiều thùng mì, trứng, xúc xích, nui, dầu ăn, nước tương, hạt nêm, bột ngọt, cá hộp, thịt hộp… được chất cao ở ngay sảnh chính, dưới hầm để xe, dọc các lối đi.
Ông Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động phát biểu tại lễ khai trương "ATM thực phẩm miễn phí" tại Hà Nội.
Ngay ngày đầu tiên, ngoài gói gạo 1 kg, những người nghèo, khó khăn đã có thêm 1 vỉ trứng 6 quả được tài trợ "nóng" bởi Công ty Cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt. Những ngày sau, mỗi ngày đơn vị này đều tặng thêm 150 vỉ.
Một món mà người dân rất chuộng nữa là mì gói, được khá nhiều nhà hảo tâm ủng hộ. Đầu tiên có thể kể đến Công ty Acecook Việt Nam, với hàng trăm thùng đã được "tiếp tế" thành nhiều đợt cho ATM. Trong suy nghĩ của bác sĩ Trần Minh Khuyên (Phòng khám Bệnh viện Đại học Y dược 1), một nhà hảo tâm đã mạnh tay gửi nóng hàng chục thùng mì ngay trong một tối chủ nhật, khi chúng tôi đang lo tạm thiếu mì cho sáng hôm sau, món ăn tiện dụng này ngoài ăn sáng lại còn có thể làm món "canh mì" dễ ăn, thêm quả trứng, ít rau là có bữa cơm.
Ngoài thực phẩm, Báo Người Lao Động còn nhận được hàng trăm triệu đồng tiền mặt. Món quà đáng nhớ nhất là từ chị Trần Thị Tuyết Hạnh, nữ công nhân Khu chế xuất Tân Thuận. Chị bị T*i n*n lao động năm 2014, mất sức khỏe tới 60%. Báo Người Lao Động từng đến thăm chị trong chương trình "Xuân nhân ái – Tết yêu thương" năm 2018. Năm nay, chị đến đáp lại ân tình ấy. Bằng những bước chân khập khiễng, khó nhọc, người nữ công nhân đã tìm đến trước cả ngày vận hành đầu tiên của "ATM thực phẩm miễn phí" để trao đi số tiền dành dụm 2,8 triệu đồng: chị nói rằng mình ổn!
au nhiều ngày vận hành, ngoài "ATM thực phẩm miễn phí" đầu tiên ở "tổng hành dinh". Báo Người Lao Động còn mở thêm 2 ATM khác.
Ông Lê Trương Hải Hiếu - Chủ tịch UBND quận 12 chia sẻ sau khi khai trương cây "ATM thực phẩm miễn phí" tại quận 12
"ATM thực phẩm miễn phí" thứ 2 được Báo Người Lao Động phối hợp với UBND quận 12 khai trương ngày 22-4 tại khu di tích Vườn Cau Đỏ, đường TX 52, phường Thạnh Xuân. Ngày 26-4, cây "ATM thực phẩm miễn phí" thứ 3 tiếp tục đi vào vận hành, đặt tại Văn phòng đại diện Báo Người Lao Động, ở số 16F Phùng Hưng, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Trong ngày khai trương cây "ATM thực phẩm miễn phí" đầu tiên tại Hà Nội, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, nhấn mạnh đây là một ngày đặc biệt đối với Báo Người Lao Động khi thực hiện việc san sẻ yêu thương, chia sẻ với bà con nghèo ở Thủ đô. Trong đại dịch Covid-19, rất nhiều người lao động nghèo bị mất việc, tạm dừng công việc nên cuộc sống rất khó khăn. Xuất phát từ tình cảm, suy nghĩ đó, Ban Biên tập Báo Người Lao Động đã đề ra Chương trình "ATM thực phẩm miễn phí" dành cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, những người tàn tật, cơ nhỡ.
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động (ảnh tráI) và ông Bùi Trường Giang, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trao quà cho người dân tại buổi khai trương “ATM thực phẩm miễn phí” ở TP Hà Nội, ngày 26-4.
Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, thay mặt UBND quận Hoàn Kiếm, cảm ơn Báo Người Lao Động trong những ngày rất ngắn vừa qua đã triển khai đưa cây ATM gạo vào hoạt động để chia sẻ đến những người dân gặp nhiều khó khăn. Đây là cây ATM thực phẩm đầu tiên trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Sự chia sẻ vượt ngoài mong đợi của cộng đồng đã giúp kho gạo của Báo Người Lao Động ngày một khổng lồ. Từ Tòa soạn Báo Người Lao Động hơn 1 tuần nay, hàng tấn gạo tiếp tục được chuyển đi để "tiếp lửa" cho các ATM thực phẩm khác đang cần nguồn gạo ở quận 2, Thủ Đức, Phú Nhuận, Bình Thạnh…
Qua 4 ngày vận hành ở Hà Nội, cây "ATM thực phẩm miễn phí" của Báo Người Lao Động đã trao 1.000 phần quà (mỗi phần gồm 2 kg gạo và 10 quả trứng gà hoặc 2 túi xúc xích) cho người dân, những người lao động tự do khó khăn hoặc bị giảm thu nhập do thiếu việc làm. Ngoài ra, thông qua UBND phường Hàng Mã, Báo Người Lao Động đã trao 60 phần quà (mỗi phần gồm 10 kg gạo và 50.000 đồng cho các hộ dân ở phường) cho các gia đình chính sách hoặc người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn
Không thể kể hết niềm vui của những người dân nghèo khi nhận những phần quà hỗ trợ của Báo Người Lao Động trong những ngày qua. Mưu sinh bằng nghề bán nước trà đá ở khu vực công viên Thống nhất (quận Hai Bà Trưng), vì đại dịch covid-19, khi biết tin có "ATM thực phẩm miễn phí" ở phố Phùng Hưng, bà Nguyễn Thị Kim Oanh đã đạp xe đến để nhận một phần thực phẩm hỗ trợ. "Người nghèo chúng tôi mong có thêm nhiều những tấm lòng hảo tâm, mở lòng giúp những hoàn cảnh khó khăn"- bà Oanh nói.
Còn bà Nguyễn Thị Thu Hằng và chị Nguyễn Thị Lý ở quận Long Biên, thì bày tỏ: "Tôi thấy chương trình rất ý nghĩa, một miếng khi đói bằng gói khi no. Phần quà đã giúp chúng tôi có gạo ăn và được tăng thêm dinh dưỡng bằng trứng. Chúng tôi rất xúc động và cảm ơn Báo Người Lao Động và những nhà tài trợ".
goài những phần quà thực phẩm, Báo Người Lao Động còn nhận được nhiều "phần quà" đặc biệt khác: sức lao động của các tình nguyện viên. Thường trực nhất, ngày nào cũng đến là bạn Bùi Văn Phước (23 tuổi, quận Gò Vấp) và Vũ Sử Hoàng My, đang phụ cho một cửa hàng ở đường Lê Văn Sĩ. Phước tạm thời không phải đi học và làm việc nên đến cả 2 buổi, 7 ngày trong tuần; My thì làm theo ca, bạn sẽ đến buổi chiều khi làm ca sáng hoặc ngược lại. "Dạ có gì đâu, làm với mấy chị vui mà" – cô gái Vũ Sử Hoàng My giải thích đơn giản.
Vũ Sử Hoàng My (áo thun đen) và Bùi Văn Phước, 2 tình nguyện viên thường trực nhất của cây "ATM thực phẩm miễn phí" tại TP HCM.
Đó cũng là suy nghĩ của thầy Đặng Thanh Vũ, Giám đốc điều hành phụ trách sinh viên của Đại học Văn Hiến, trưởng nhóm tình nguyện Đại học Văn Hiến – Quỹ Trái tim Hùng Hậu. Sáng 25-4, nhóm tình nguyện này, với đa số các thành viên là sinh viên, đã đến cùng 300 kg mì, nui đậu nành, mè đen. Họ không chỉ trao quà rồi đi, mà còn ở lại làm tình nguyện viên vận hành ATM một buổi. "Đây là dịp tốt để các em được học hỏi, trải nghiệm thêm, học cách giúp đỡ những người gặp khó khăn trong xã hội. Chúng tôi không chỉ muốn dạy các em kiến thức, mà còn dạy về sự thiện lương" – thầy Đặng Thanh Vũ nói.
Một đội ngũ tình nguyện viên khác khiến chúng tôi tự hào là những bảo vệ, tạp vụ của Báo Người Lao Động. Làm những nghề nghiệp không lấy gì dư dả, cuộc sống nhiều người còn khó khăn nhưng hầu hết các anh chị trong 2 tổ bảo vệ - tạp vụ này vẫn chọn ở lại sau giờ làm hoặc dùng thời gian nghỉ trưa để đong gạo, sắp quà, và là những thành viên tham gia tích cực nhất.
Để những món quà từ cộng đồng được trao đến người nghèo trọn vẹn, Ban Biên tập Báo Người Lao Động đã quyết định kêu gọi sự tình nguyện từ đội ngũ CB-CNV. Chúng tôi đã có những ngày đổ mồ hôi với hàng tấn gạo, hàng ngàn thùng thực phẩm, nhưng đáng quý nhất, vẫn là khi những người lao động nghèo không ngại đổ mồ hôi vì nhau.
hận món quà từ cộng đồng, Báo Người Lao Động còn có nhiệm vụ để các món quà được chuyển đến đúng người cần. Có nhiều người hỏi làm sao để chúng tôi phân biệt được người khó với các thành phần tìm cách thu gom thực phẩm vì lợi riêng. Câu trả lời rất đơn giản: chúng tôi phát cho những người nhẫn nại xếp hàng. Bởi lẽ, người không may rơi vào khó khăn, họ tự trọng và biết chia sẻ với nhau lắm.
"ATM thực phẩm miễn phí" tại TP HCM và Hà Nội luôn hoạt động hết "công suất" để chia sẻ khó khăn với những người khó khăn trong mùa dịch covid-19.
Thỉnh thoảng, chúng tôi gặp những người… từ chối quà. Đáng nhớ nhất là một phụ nữ trẻ ôm đứa con nhỏ vài tháng tuổi ở góc đường. Thấy tay chị chưa có quà, chúng tôi gửi tặng chị một gói riêng. "Dạ thôi, hồi sáng có chị khác cho em rồi, xin để dành người khác". Một lúc sau, chị có người đến đón, không quên quay lại nhìn ATM thực phẩm với một nụ cười.
Ngoài ra, những chuyện như người lớn tuổi được nhường xếp hàng trước, hai vợ chồng cùng đến nhưng chỉ một người đứng vào hàng với lý do "Cùng nhà lấy chi 2 phần anh ơi…" là chuyện thường tình.
Một nữ tình nguyện viên thuộc ban Quốc tế Báo Người Lao Động thì xúc động với lời chào của một cô bé nhỏ tuổi. 2 mẹ con đến nhận quà, chỉ đứng chung 1 ô. Thấy chị nhìn, người mẹ lam lũ vội nhắc con vòng tay chào cô đi…
Trong những ngày cuối "ATM thực phẩm miễn phí" tại "tổng hành dinh" hoạt động, chúng tôi nhận được lời chào tạm biệt của không ít người bán vé số dạo, phụ quán cơm: họ bảo rằng 2 kg gạo này, chỗ đồ ăn này là quá dư cho đến ngày vé số bán lại, quán hàng mở cửa. "Người ta nói ngày 28 bán lại được rồi, 29 xổ đó cô. Cô thấy cái bàn này là biết tôi bán vé số rồi" – một cụ ông 67 tuổi cười vui vẻ chỉ vào phần bàn kẹp vé số được gắn vào xe lăn của ông.
Mặc đồng phục một quán ăn, anh Nguyễn Văn Bình (30 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) đến Báo Người Lao Động ngày 28-4 và đứng lặng lẽ một góc đường. "Tôi đến chỉ để xem. Và mong muốn gửi lời cảm ơn. Tôi đã đến đây nhận đồ ăn được 2 lần, vì tôi mất việc 2 tuần nay. Ban đầu tôi sợ thấy trẻ không được phát. Nhưng tôi muốn khóc khi chú bảo vệ chắc bằng tuổi ba tôi mỉm cười đưa cho tôi phần quà. Tôi còn gạo cho 2 ngày và đã có việc làm, nên hôm nay xin không xếp hàng".
Thực hiện:
Đồ họa:
Ảnh:
Chủ đề liên quan:
ATM gạo ATM thực phẩm ATM thực phẩm miễn phí báo người lao động câu chuyện câu chuyện đẹp Dịch Covid 19 miễn phí mùa dịch người lao động người nghèo phát cơm miễn phí thực phẩm thực phẩm miễn phí từ thiện