Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Bài 1: Doanh nghiệp chờ hết dịch trong… tuyệt vọng

Doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ “bế tắc” vì dịch Covid-19: Cầm cự chờ dịch qua hay tìm đường vượt “bão”?

LTS: Đến thời điểm hiện tại, các nhà kinh tế hàng đầu thế giới đều có nhận định chung về viễn cảnh ảm đạm đối với nền kinh tế toàn cầu, cũng như các doanh nghiệp trước sự tàn phá khốc liệt của dịch bệnh Covid-19.

Tại Việt Nam, khi các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm khoảng 98%, đang lầm vào tình trạng khủng hoảng, đặt ra những vấn đề hết sức cấp bách, buộc đa số doanh nghiệp phải lựa chọn “nằm im khẽ thở” đợi dịch qua. Chỉ có một số ít là có thể chuyển đổi ngành nghề, hoặc có những phương án được tính toán trước nhằm duy trì hoạt động kinh doanh.

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, thậm chí chưa biết đến khi nào thực sự kết thúc. Thực tế này đặt doanh nghiệp vào tình huống nan giải: hoặc buộc phải thông báo phá sản hoặc tìm hướng “sống chung”, hoặc tiếp tục "ngủ đông" chờ dịch qua hay tìm hướng đi mới trong thời kỳ “hậu” Covid-19. Báo Nhà báo & Công luận có loạt bài xung quanh vấn đề này.

Doanh nghiệp “ngấm đòn” Covid-19

Đã 6 giờ tối ngày 31/3/2020, ông Quốc Anh quyết định đóng cửa sớm các cửa hàng bán đồ may mặc của công ty MHA, trước khi lệnh cách ly toàn xã hội chính thức được áp dụng. Bình thường, thời điểm này hằng năm vẫn rất đông khách, nhưng năm nay thì chẳng có “ma nào hỏi”. Toàn bộ chuỗi cửa hàng của công ty trước đó mới tạm đóng cửa vài cái do hoạt động không hiệu quả vì dịch bệnh, nhưng đến thời điểm này thì toàn bộ chuỗi cửa hàng sẽ phải đóng cửa theo đúng quy định. Nhưng ngay cả khi hết thời gian giãn cách xã hội thì phía công ty cũng chưa có dự định mở lại, bởi không dám chắc tâm lý người dân sẽ tiêu tiền vào những chi phí ngoài nhu yếu phẩm hằng ngày như trước. Hiện công ty buộc phải cho nghỉ toàn bộ nhân viên, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh online, trả lại mặt bằng…nhưng tất cả cũng không cứu vãn được tình hình về tài chính: nguồn hàng tồn, tiền vay ngân hàng, tiền thuê cửa hàng đã trả…Doanh nghiệp hiện đang “thoi thóp” chờ dịch qua.

Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, dịch bệnh Covid-19 đang có tác động rất mạnh, nghiêm trọng đến nền kinh tế của Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến các lĩnh vực đời sống xã hội. Thậm chí là tác động chính vào tăng trưởng, đầu tư thương mại, làm gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất. Nhất là suy giảm tiêu dùng, tác động lớn đến các doanh nghiệp làm về dịch vụ, đang được coi là “xương sống” của nền kinh tế. Bởi vậy, một sự thật hiển hiện là doanh nghiệp đang “ngấm đòn” vì Covid-19, không chỉ có các chuỗi cửa hàng bán lẻ mà còn với tất cả các ngành nghề bao gồm: du lịch, giao thông vận tải, nông nghiệp và thị trường hàng nông sản, lao động, giao thương quốc tế, ngành nghề chế tạo…

Như với ngành du lịch là ngành sớm nhất chịu tác động, bởi lượng du khách từ nước ngoài, Trung Quốc ngay từ đầu năm đã sụt giảm do e ngại sự lây lan của dịch Covid-19. Theo Tổng cục Du lịch, ngành du lịch Việt Nam ước tính sẽ thiệt hại trong khoảng từ 6 tỷ đến 7 tỷ USD trong 2 quý đầu năm bởi riêng du khách Trung Quốc, sẽ giảm từ 90% đến 100%.  Ngoài Trung Quốc, theo ước tính của các cơ quan chức năng, số lượng khách từ các quốc gia khác nhập cảnh vào Việt Nam cũng sẽ giảm mạnh, khoảng 60% - 70% trong giai đoạn có dịch. Còn như hiện tại thì một số ngành, trong đó có du lịch mức độ thiệt hại đang là 100%.

Sau gần 3 tháng kể từ dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ, cửa hàng dịch vụ đã đóng cửa như: Kichi-kichi, Otoke Chicken, Gogi House…Giám đốc vận hành một tập đoàn kinh doanh dịch vụ ăn uống lớn với chuỗi lẩu, BBQ... cho biết, doanh nghiệp này bị ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19 khi doanh thu giảm “không phanh”.

Bất động sản, khách sạn, resort cũng không nằm ngoại lệ khi phải cắt giảm nhân sự hàng loạt vì không có khách. Thậm chí một số resort bình thường giá phòng khoảng 7 triệu/đêm cho biệt thự riêng, đã giảm xuống còn 1 triệu/đêm nhưng vẫn…không có khách. Hầu hết các doanh nghiệp chỉ giữ lại bộ máy hành chính để vận hành cơ bản, còn những bộ phận như: sales, marketing, vận hành đã tạm nghỉ chờ hết dịch. Theo chuyên viên tư vấn bất động sản thuộc công ty Albus Home – Thu Nguyễn, hiện tại giá thuê nhà ở, căn hộ hiện đang giảm mạnh do nhu cầu thuê nhà ở, căn hộ, chung cư mini cũng giảm. Nhiều nhà đầu tư, quản lý căn hộ đã phải giảm giá cho khách thuê để kích cầu nhưng số tiền thu được vẫn “không thấm vào đâu”.

Không chỉ các doanh nghiệp tư nhân, mà ngay các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng trong tình trạng làm ăn “bết bát”, thua lỗ nặng vì dịch Covid-19. Theo báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá, dự kiến doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty trong 3 tháng đầu năm 2020 giảm khoảng 27.376 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. 7/19 tập đoàn, tổng công ty đã bắt đầu không cân đối được thu chi, tổng số lỗ khoảng 3.728 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) là doanh nghiệp (DN) chịu thiệt hại nặng nề nhất. Cụ thể, Tổng công ty Hàng không Việt Nam lỗ 2.383 tỷ đồng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam lỗ 572 tỷ đồng, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam lỗ 440 tỷ đồng, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam lỗ 111,3 tỷ đồng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lỗ 100 tỷ đồng, Tổng công ty Lương thực miền Nam lỗ 97 tỷ đồng, Tổng công ty Cà phê Việt Nam lỗ 25 tỷ đồng…

Theo báo cáo đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế của Trường Đại học Kinh tế quốc dân mới đây cho thấy, có thể có 3 kịch bản diễn biến dịch Covid-19 thời gian tới. Trường hợp dịch Covid-19 kéo dài đến hết tháng 4/2020, có 49,2% doanh nghiệp vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, 31,9%  cắt giảm quy mô sản xuất, có 18,1% phải tạm dừng hoạt động và 0,8% có khả năng phá sản. Nhưng nếu dịch kéo dài đến hết tháng 6/2020, chỉ còn 14,9% doanh nghiệp duy trì được hoạt động, 46,6% doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm quy mô, 32,4% sẽ tạm dừng hoạt động và 6,1% doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản.

Nhưng các chuyên gia kinh tế nhận định, sự thật sẽ “khốc liệt” hơn khi hiện nay chỉ có khoảng hơn 50% số doanh nghiệp đang cố gắng sống “lay lắt”, hoạt động cầm chừng. Ngay cả khi dự báo “tươi sáng” nhất là dịch bệnh sớm hết vào tháng 6 ở Việt Nam thì cũng có không ít doanh nghiệp vẫn không thể hoạt động được, do bị phụ thuộc vào nguồn cung-cầu từ nước ngoài. Còn với những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ “đánh” vào thị trường nội địa thì cũng lo sợ khi người dân vẫn còn tâm lý thắt chặt chi tiêu. Nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục trong vài tháng tới, doanh nghiệp không có hướng đi, thì chuỗi “domino phá sản” của hàng loạt doanh nghiệp trong nước là một tương lai đã được nhìn thấy trước.

“Gót chân Achilles” của doanh nghiệp Việt Nam

Một khảo sát nhanh gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, tác động của dịch Covid-19 đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là rất nghiêm trọng. Gần 85% doanh nghiệp cho biết dịch bệnh đã khiến thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, gần 60% bị thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh; 40% cho biết thiếu nguyên liệu và 43% phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm; 82% cho rằng doanh thu năm 2020 sẽ bị sụt giảm so với năm 2019, trong đó 30% doanh nghiệp dự báo có thể tụt giảm tới 30-50% và 22% sẽ tụt giảm trên 50%.

VCCI dự báo, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thì có tới gần 30% chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm. Trên 75% số doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay. Như vậy, có thể hàng triệu lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây, nhất là lao động kỹ năng thấp trong các ngành dệt may, da dày, điện tử…

Nhưng đấy mới là những con số nhỏ doanh nghiệp tham gia khảo sát của VCCI, còn theo các chuyên gia kinh tế, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đang bị phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài, từ nguồn nguyên liệu, cho tới thị trường đầu ra sản phẩm. Khi các nước vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cũng đồng nghĩa với doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải “nằm im khẽ thở”. Do đó, một mặt “cơn bão” Covid-19 đang mang đến sự khủng hoảng cho các doanh nghiệp, nhưng đồng thời nhờ đó chuỗi cung ứng toàn cầu đang bộc lộ những “điểm yếu ch*t người”, nhất là với những quốc gia, ngành hàng, lĩnh vực phụ thuộc đầu vào và đầu ra từ các nước vẫn trong tâm dịch.

Theo TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Quản lí kinh tế Trung ương, dịch bệnh đang làm kinh tế Việt Nam bị thiệt hại nhiều mặt, chuỗi giá trị bị đứt gãy khi nguyên phụ liệu đầu vào, thiết bị sản xuất của nhiều ngành hàng phải nhập từ Trung Quốc nay gián đoạn. Có thể thấy, nhiều ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu, dẫn tới phải đóng cửa, ngừng sản xuất.

Việc quá phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc đã tạo thành rủi ro đối với các doanh nghiệp Việt. Dịch bệnh như một “liều Thu*c thử” để biết điểm mạnh, điểm yếu, thách thức và cả cơ hội của doanh nghiệp. Bởi lẽ, dù là nhà sản xuất dệt may lớn thứ 3 thế giới nhưng Việt Nam vẫn không tự chủ được nguồn nguyên liệu, phần lớn phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) ngành dệt may và da giầy nhập khẩu 60,91% vải, 57,39% xơ sợi, 43,67% nguyên phụ liệu dệt may, da giày từ Trung Quốc.

Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam cũng không ngoại lệ khi phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản…Với ngành sản xuất lắp ráp ô tô, năm 2019, Việt Nam đã nhập gần 4 tỷ USD phụ tùng linh kiện. Trong đó nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc là khoảng 2,6 tỷ USD. Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), đến cuối quý I năm nay, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô sẽ chịu ảnh hưởng từ việc thiếu hụt linh kiện. Cục Công nghiệp cũng đánh giá các doanh nghiệp Việt khó tìm được nguồn thay thế nguyên phụ liệu, linh kiện từ các nước khác ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Hay như câu chuyện nhiều loại nông sản Việt Nam ùn ứ tại các cửa khẩu, khiến hàng trăm xe container nông sản ắc tắc cho thấy điểm yếu phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc lại lộ rõ hơn bao giờ hết. Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, yếu điểm lớn nhất của ngành nông nghiệp là thiếu những sản phẩm chất lượng, đủ sức xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Thực trạng nông nghiệp Việt Nam vẫn còn manh mún, nhiều nơi sản xuất nhỏ lẻ, chưa có nhiều doanh nghiệp lớn. Nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún khó tạo ra các sản phẩm hàng hóa chất lượng, tiêu chuẩn, đáp ứng các thị trường khó tính. Từ đó, hàng nông sản chất lượng thấp phải phụ thuộc vào một số thị trường dễ tính nhất định.

Không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mà còn cả các doanh nghiệp FDI cũng phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. Ngay như Samsung mặc dù là doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu Việt Nam nhưng phải nhập nguyên liệu, linh kiện khá lớn từ Trung Quốc. Trong dịch, các mắt xích cung ứng của Samsung bị ảnh hưởng sẽ gây ra khó khăn cho dây chuyền sản xuất ở Việt Nam.

Theo các chuyên gia, yêu cầu xây dựng được một nền kinh tế độc lập tự chủ, ít phụ thuộc hơn, nâng cao khả năng chống và thích ứng với các biến động, khơi dậy nội lực trong nước, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam phát triển lại được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Còn như hiện tại, khi dịch bệnh hay có biến cố xảy ra, cho dù không phải ở Việt Nam thì doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng, đau đầu xoay sở để cầm cự thì nền kinh tế sẽ không thoát được cảnh phụ thuộc. Cần có các giải pháp không chỉ giúp vực dậy doanh nghiệp Việt trong giai đoạn hiện nay mà còn cần có hướng đi giúp doanh nghiệp chủ động về nguồn cũng cầu, tìm kiếm cơ hội từ thị trường trong nước.

Minh Nhật – Ngọc Thành

Mạng Y Tế
Nguồn: Công luận (https://congluan.vn/bai-1-doanh-nghiep-cho-het-dich-trongtuyet-vong-post77173.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY