Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Bài 3: Covid-19: “Cú tát mạnh” vào ngành công nghiệp báo chí thế giới

(NBCL) Báo chí thế giới, bấy lâu đã trong cơn bĩ cực khó tìm ra lối thoát… nay lại chao đảo bởi đại dịch Covid-19. Đơn cử như tại Mỹ, số phận nhiều tòa báo trở nên mong manh đến mức, ông vua mạng xã hội Facebook, không đành lòng phải ra tay vào cuộc giải cứu.

Bài liên quan

Bài 2: Áp lực tác nghiệp thời Covid-19: Chuyện của những nhà báo Anh

Nhà báo quốc tế trên “trận tuyến Covid-19”

An toàn cho nhà báo hay những cảnh báo hữu dụng từ CPJ

Sụt giảm ít nhất 19% doanh thu

Đó là ước tính BuzzFeed News trong một bản tin mới đây. Theo BuzzFeed News, tới thời điểm này thật khó để có thể ước lượng một cách chính xác, toàn diện về những hệ lụy của đại dịch Covid-19 đối với tất cả các ngành nghề trong mọi mặt đời sống xã hội bởi phía trước, đại dịch này còn hứa hẹn rất nhiều những diễn biến khó lường. 

Tuy nhiên, với riêng ngành công nghiệp báo chí toàn cầu, ảnh hưởng từ đại dịch là rất nặng nề bởi thực tế không thể chối bỏ là nhiều tờ báo, nhất là các tờ báo địa phương, sống dựa vào doanh thu quảng cáo từ doanh nghiệp, tuy nhiên, do tác động của đại dịch, rất nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa. Theo nhận định của BuzzFeed News, tác động ấy thậm chí còn khủng khiếp, tồi tệ hơn hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008. Cũng theo ước lượng của BuzzFeed News, trong đại dịch này, nhiều tờ báo sụt giảm khoảng 19% doanh thu. Còn theo tính toán của công ty khảo sát eMarketer, doanh thu từ quảng cáo của ngành báo chí toàn cầu sụt giảm ít nhất 3% trong thời gian đại dịch vừa qua.

Sự sụt giảm này, một cách thật trớ trêu (ironically - lời của BuzzFeed News) lại xảy đến đúng vào thời điểm ngành công nghiệp báo chí đang trong cơn bĩ cực, nhất là báo in. Nhiều tờ báo giấy, nhất là báo giấy địa phương tại Mỹ, thời gian qua đã phải cám cảnh nhìn lượng độc giả và doanh thu dần rơi vào tay báo điện tử và các trang mạng xã hội. 

Cứu báo giấy, cứu những dòng thông tin chân thực

“Độc giả cần thông tin chân thực, khách quan, kịp thời về đại dịch”, “Trong bối cảnh tin giả lan tràn hoành hành trong đại dịch, khiến công chúng hoang mang, thông tin chất lượng chính xác về đại dịch quan trọng hơn bao giờ hết” - hai “đại gia” mạng xã hội Facebook và Twitter dường như đã có chung quan điểm trong quyết định ra tay “giải cứu” các tờ báo - bất chấp việc Facebook và Twitter cũng đang chịu sụt giảm doanh thu bởi đại dịch. Trong nhìn nhận của các đại gia mạng xã hội, để đánh bại tin giả, để công chúng có cơ hội được tiếp nhận những thông tin chân thực nhất về đại dịch, trên hết là phải cứu báo chí, bởi báo chí, các nhà báo mới chính là đối tượng có thể cung cấp những thông tin khách quan nhất, xác tín nhất, chứ không phải là cộng đồng mạng, các trang mạng xã hội. Giải cứu các tờ báo, vì thế cũng nằm trong chính nỗ lực loại bỏ tin giả mà Facebook và Twitter đã cho thực hiện khá quyết liệt trên nền tảng của mình thời gian qua. Tuy nhiên, việc loại bỏ tin giả dường như cũng đang trở thành nhiệm vụ quá sức của các mạng xã hội này bởi khối lượng công việc quá lớn. 

Facebook đã là người đi đầu trong việc “giải cứu báo chí” khi vừa tuyên bố đầu tư 100 triệu USD cho báo chí, trong đó có 25 triệu USD dưới dạng khoản cấp kinh phí cho các tổ chức báo chí địa phương tại Mỹ và Canada trong khuôn khổ dự án Facebook Journalism Project, 75 triệu USD còn dành cho “chi phí marketing bổ sung” (additional marketing spend) cho các tổ chức báo chí trên toàn cầu dùng trên chính nền tảng của Facebook. Thực ra đây không phải là lần đầu tiên, Facebook ra tay cứu báo chí. Trước đó, đầu năm 2019, Facebook đã chi 300 triệu USD vào các chương trình tin tức trong vòng 3 năm và cuối năm 2019, đã quyết định đầu tư 4,5 triệu bảng Anh (5,57 triệu USD) cho dự án đào tạo nhà báo tại Anh.

Theo Facebook, đối tượng được ưu tiên nhất trong Dự án giải cứu báo chí của họ là những tờ báo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Trước mắt là khoản trợ cấp 5.000 USD cho mỗi tờ báo địa phương đang chịu khủng hoảng tại Mỹ và Canada. “Khoản tiền này sẽ không chỉ giúp các tờ báo gỡ khó ngay trong thời điểm này mà còn tạo cơ hội cho truyền thông địa phương đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kinh doanh theo hướng phát triển kỹ thuật số bền vững hơn” - đại diện một tổ chức báo chí địa phương chia sẻ. 

Về phần mình, Twitter cũng vừa cam kết sẽ hỗ trợ các tờ báo tại Mỹ với tổng số tiền là 1 triệu USD.   

Sự ra tay của Facebook và Twitter có thể là chưa đáng kể, mới chỉ mang tính chất bước đầu, nhưng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, trong bối cảnh gian nan này thì đó cũng là một phương cách giúp các tờ báo vượt qua cơn bĩ cực hiện nay. Còn một tương lai có thể sáng sủa hơn không, cần lắm rất nhiều những chiến lược hỗ trợ dài hạn và thấu đáo từ nhiều nguồn lực khác với nhiều giải pháp giải cứu đa dạng khác nữa chứ không đơn giản chỉ là việc tung ra các khoản tiền cứu trợ.

 Hồng Sâm

Mạng Y Tế
Nguồn: Công luận (https://congluan.vn/bai-3-covid-19-cu-tat-manh-vao-nganh-cong-nghiep-bao-chi-the-gioi-post75871.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY