Tâm sự hôm nay

Bán báo dạo - Lận đận mưu sinh

Có một lượng người không nhỏ đóng góp vào việc trực tiếp đưa báo chí đến tay bạn đọc ở Hà Nội.
Có một lượng người không nhỏ đóng góp vào việc trực tiếp đưa báo chí đến tay bạn đọc ở Hà Nội. Ðây không chỉ là mưu sinh, mà còn là niềm đam mê của những người lấy niềm vui của độc giả làm niềm vui của chính mình.

Sôi động buổi sớm

Hà Nội có những trung tâm phân phối báo lớn của Hà Nội như: Phố Tràng Tiền, Đinh Tiên Hoàng, Đinh Lễ và phố Ngô Sỹ Liên - sau ga Trần Quý Cáp... và những người bán báo rong thường tụ về đó để nhận báo chí và mang đi khắp các ngả phố. Tôi đến phố Ngô Sỹ Liên lúc 4h30 phút sáng, những chồng báo được đưa từ nhà in về đây để chuẩn bị giao cho “đội quân bán báo rong” tỏa đi khắp nơi. Những tiếng cười nói, tiếng í ới gọi nhau, tiếng sột soạt chia báo... khiến cả khu phố rộn lên, giống như một cái chợ báo. Và khi những người này tỏa đi các nơi, không khí mới lắng xuống. Có đến hơn 70% số người bán báo rong là phụ nữ, cả già lẫn trẻ, họ từ những vùng quê, chủ yếu ở miền Trung ra mưu sinh. Trong hàng chục công việc vất vả, họ đã chọn nghề bán báo rong, một nghề cũng thật cực nhọc.

Để có báo mới, những thông tin kịp thời tới người đọc, những người bán báo rong phải đặt số lượng cụ thể từ ngày hôm trước để hôm sau nhận báo với đủ các loại. Ngoài ra họ luôn phải tính toán, cân nhắc làm thế nào để lấy số lượng bằng hoặc ít hơn mức tiêu thụ được để tránh bị ế. Họ cũng nhanh nhạy nắm bắt thông tin nhanh, xem thời sự, đọc báo để biết báo nào đang viết về vụ án nào, có ầm ĩ, nổi tiếng không.

Khoảng 5giờ 30 phút sáng, những người bán báo ôm chồng báo trên tay, hoặc chở bằng xe đạp, họ rong ruổi trên phố, đi qua các nhà hàng, các dãy phố có nhiều hàng cà phê, hàng phở... Họ sẵn sàng đến bất cứ phố nào, ngõ nào có bạn đọc, dù mưa dầm hay nắng đổ, dù bước chân mệt nhoài. Rồi đêm về, giấc mơ cơm áo gạo tiền cứ chập chờn trong giấc ngủ ở những phòng trọ giá rẻ.

Vất vả trăm đường

Những người bán báo rong sợ nhất là trời mưa. “Chợ báo” buổi sáng thường diễn ra ở lề đường nên hoàn toàn không có mái che. Với họ, ngày nắng đã mệt, ngày mưa còn cơ cực hơn. Có hôm đang chất báo lên xe thì trời đổ mưa thế là báo chí ướt nhẹp cả. Người bán dạo chỉ còn biết lấy áo mưa của mình phủ kín chồng báo. Mùa mưa ai cũng mang theo áo mưa nhưng thường chỉ có một, nên nhiều người chọn cách “mình ướt cho báo được khô”.

Chị Nguyễn Thị Tứ vào nghề bán báo dạo cách đây hơn năm năm sau một thời gian bán vé số. Cộng lượng báo dài hạn và số lượng bán dạo, mỗi ngày chị tiêu thụ được hơn 200 tờ, kiếm được trung bình khoảng 70 ngàn đồng sau khi trừ báo tồn. Chị Tứ có hai con nhỏ, hiện đang gửi cho ông bà nuôi giúp, vợ chồng chị cùng ra Hà Nội làm nghề bán báo rong. Tuy nhiên, để tiện làm ăn, mỗi người phải đi một “chợ báo” và bán ở một khu vực khác nhau. Chị tâm sự: “Trăm thứ nghề cơ cực, thì nghề bán báo rong là một trong những nghề cơ cực nhất. Người bán phải không được nản, phải có sức khỏe để cắp tập báo trên người và đi rong hết phố này đến phố khác. Rồi cũng phải nhanh nhạy, nhận biết được thị hiếu của độc giả, thích đọc báo nào để lấy tờ đó nhiều hơn”.

Người bán báo cũng cần phải có mẹo, là cắp một chồng báo nặng trĩu bên người, sao cho khỏi bị tuột và tránh bị mỏi tay là điều không dễ dàng. Ngoài ra, họ còn phải biết mời chào, biết quảng cáo về các tờ báo có đăng tin nóng, vụ án hấp dẫn... để khách thích thú và rút ví mua.

Bà Nguyễn Thị Mai năm nay đã hơn 60 tuổi cũng đưa cô con gái có hai mặt con của mình ra Hà Nội làm nghề bán báo rong. Bà và con gái không nhớ nổi mỗi sáng phải đi bộ qua bao nhiêu con đường, rẽ vào bao nhiêu con ngõ để đi tắt ra phố khác. Bà chỉ biết, đích đến phụ thuộc xấp báo trên tay còn hay hết. Khi hết sớm thì lấy làm mừng, vì có thể chạy qua sạp báo lấy thêm những tờ bán chạy để lại tiếp tục đi bán rong, kiếm chút chênh lệch. “Đi nhiều cũng thành quen, lại thấy công việc nó bình thường, chưa vất vả bằng đi gánh gạch. Nhiều khi, những người như chúng tôi phải đi bộ 1km mới bán được 1 tờ báo, lãi chỉ được 500 đến 1000 đồng. Năng nhặt chặt bị mà!” - Bà Mai chia sẻ.

Trước thời buổi giá cả leo thang, người làm báo đã lao đao vất vả. Không ít tờ báo đã phải cạnh tranh quyết liệt để giành thị trường. Người bán báo rong là một lực lượng, làm cầu nối giữa các tòa báo và độc giả. Họ đang phải cạnh tranh nhau, phải nhanh chân nhanh mắt để có thể bán báo một cách nhanh chóng nhất. Điều mà họ mơ ước, không gì khác chính là thời tiết thuận hòa, môi trường bán thuận lợi, nhiều người mua để thu được nhiều lợi nhuận. Và giấc mơ đó có thành hiện thực không, vẫn còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Cứ thế, mỗi sớm họ lại đi nhận báo, lại đôn đáo khắp các nẻo phố đông đúc để mưu sinh, tìm kiếm những đồng bạc lẻ cho cuộc sống của mình.

Hải Miên

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-ban-bao-dao-lan-dan-muu-sinh-14892.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY