Bài thuốc dân gian hôm nay

Báo Australia nêu bật bài học xây dựng thương hiệu Việt Nam sau dịch Covid-19

Báo điện tử của hãng truyền thông Australia The Drum vừa có bài viết ca ngợi cuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam, đồng thời nêu bật những bài học xây dựng thương hiệu quốc gia rút ra từ công tác dập dịch thành công.

Sẵn sàng đón nhận sự ấm áp, quen thuộc

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, người Việt thích tụ tập, ăn uống tại các nhà hàng và quán cà phê ven đường trong lúc ngắm nhìn thế giới xung quanh. Sau giãn cách xã hội, họ đã thay đổi những thói quen này và hiện thấy việc phải ở nhà không quá tệ như từng suy đoán trước đây.

Theo khảo sát, có tới  62% người Việt nói họ hiện ăn uống ở nhà thường xuyên hơn vào giai đoạn hậu Covid-19. Mọi người đang hướng về sự quen thuộc và tìm thấy sự thoải mái trong đó, với gia đình trở thành nơi thiêng liêng để vượt qua những lo lắng.

Bài học: Đối với các thương hiệu có bề dày lịch sử, đã đến lúc tận dụng di sản. Khai thác sự quen thuộc, đem lại cảm giác thoải mái cho mọi người. Khơi gợi các ký ức, nhắc nhở mọi người về những khoảnh khắc văn hóa lịch sử để kích thích cảm xúc hoài cổ.

Thích ứng với cuộc sống số hóa mới

Cộng đồng toàn cầu về cơ bản đang trải qua một khóa học cấp tốc về giáo dục kỹ thuật số. Cuộc sống tạm thời trong giai đoạn cách ly xã hội phòng chống Covid-19 cho chúng ta thấy những khả năng tồn tại trong không gian số hóa. Công nghệ trở thành vị cứu tinh, cho phép chúng ta thực hiện các hoạt động thường nhật của mình.

Trong xã hội chủ yếu vẫn tiêu dùng bằng tiền mặt như Việt Nam, các thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt đã tăng 76% trong 3 tháng đầu năm nay. Trong thế giới hậu đại dịch, việc áp dụng công nghệ từ xa nhiều khả năng sẽ được thúc đẩy nhằm giảm thiểu các tiếp xúc không cần thiết.

Trên hết, các công dân đang tự nguyện chia sẻ thông tin y tế thông qua ứng dụng NCOVI do chính phủ phát hành, có ý thức hơn và cũng cở mở hơn trước việc đánh đổi quyền riêng tư lấy sự đảm bảo an toàn hoặc thêm các giá trị gia tăng khác nữa.

Bài học: Các thương hiệu có thể đào tạo và hỗ trợ người tiêu dùng chuyển đổi sang hành vi sử dụng kỹ thuật số mới. Do các sự kiện vẫn tiếp tục bị hoãn tổ chức, các doanh nghiệp nên xem xét cách tái tạo trải nghiệm thương hiệu ngoại tuyến trong không gian trực tuyến.

Thêm vào đó, khi người tiêu dùng đã hiểu biết và ý thức hơn về dữ liệu cá nhân thì điều cốt yếu là các thương hiệu phải thể hiện sự có trách nhiệm, minh bạch và các chính sách không bắt buộc nếu muốn giành được sự tin tưởng của họ. Khi đã có được sự tin tưởng này, người dùng sẽ sẵn sàng hơn trong việc chia sẻ dữ liệu khi có lợi ích gia tăng rõ ràng.

Không ngừng giao tiếp xã hội

Tính cộng đồng là nền tảng của văn hóa Việt Nam. Trong thời gian cách ly xã hội, các nhân vật nổi tiếng và những người có ảnh hưởng trong cộng đồng đã tạo ra những nội dung thể hiện sự đoàn kết, chẳng hạn như tặng đồ ăn chế biến tại nhà cho bạn bè và duy trì kết nối với nhau qua các ứng dụng mạng xã hội.

Bộ Y tế Việt Nam đã phối hợp với UNICEF xúc tiến một chiến dịch trên TikTok nhằm nhắc nhở tất cả mọi người "ở nhà vẫn vui". Và khi hết cách ly xã hội, ai cũng cảm thấy trân trọng hơn những giây phút của cuộc sống đời thường không bị hạn chế vì Covid-19.

Bài học: Mạng xã hội đóng vai trò kết nối mọi người với nhau. Giống như cách Chính phủ Việt Nam đã thực hiện một chiến lược ấn tượng nhằm huy động cả nước hợp tác chống dịch, các thương hiệu nên tái xem xét sự hiện diện của họ trên mạng xã hội để tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia nhiều hơn trong khi không bỏ lỡ cơ hội ăn mừng khôi phục cuộc sống bình thường sau giãn cách xã hội.

Thúc đẩy hành động

Người Việt Nam giàu lòng trắc ẩn và chuộng "làm hơn nói". Điều này đã được thể hiện rõ trong đại dịch, khi những người anh hùng trong cuộc chiến chống Covid-19 không chỉ là chính phủ, các cơ quan y tế mà còn cả những người lao động trong các lĩnh vực "thiết yếu'" giúp duy trì hoạt động của xã hội. Những nỗ lực của người người dân bình thường được ghi nhận và ai cũng cảm thấy có động lực để thực hiện thay đổi.

Bài học: Mọi người mong đợi các thương hiệu đi đầu làm gương và sẵn sàng trợ giúp. Các doanh nghiệp nên tái đánh giá mục đích thương hiệu của họ và sử dụng việc đó để chỉ dẫn nỗ lực hồi phục cho cộng đồng, đồng thời không bao giờ quên rằng hành động quan trọng hơn lời nói suông.

Tuấn Anh

Mạng Y Tế
Nguồn: Việt Nam Net (https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/viet-nam-va-the-gioi/bao-australia-neu-bat-bai-hoc-xay-dung-thuong-hieu-viet-nam-sau-dich-covid-19-642552.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY