Tâm sự hôm nay

Bao giờ mới hết lo?

Vừa qua, thông tin tại Hội nghị Tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong công tác kiểm soát chất lượng nước ăn uống...

Vừa qua, thông tin tại Hội nghị Tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong công tác kiểm soát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt cho thấy, nguồn nước không đảm bảo an toàn luôn là mối de dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Bình quân mỗi năm ở nước ta có khoảng 250.000 người bị mắc bệnh tiêu chảy cấp liên quan đến nguồn nước phải nhập viện. Thiếu nước sạch cũng gây ảnh hưởng tới ít nhất 1 triệu người Việt Nam.

“Nước sạch” nhiễm bẩn

Đại diện Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế dẫn chứng: Có 21,6% mẫu nước sạch từ các nhà máy nước quy mô trên 1.000m3/ngày đêm không đạt yêu cầu vệ sinh chung. Ở các cơ sở cấp nước quy mô dưới 1.000m3/ngày đêm, tỷ lệ này lên tới trên 27%. Theo phân tích của Cục Quản lý môi trường y tế, đối với việc xét nghiệm chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt, hiện nay, hầu hết Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) các tỉnh, thành phố trên cả nước mới chỉ tiến hành giám sát ngoại kiểm và xét nghiệm được đối với các chỉ tiêu nhóm A của QCVN 01:2009/BYT. Chỉ có một số ít TTYTDP xét nghiệm được các chỉ tiêu nhóm B (asen, amoni, kim loại nặng...) và hầu như chưa giám sát được đối với các chỉ tiêu nhóm C (bao gồm các chỉ tiêu về chất hữu cơ, hóa chất khử trùng và sản phẩm phụ, hóa chất bảo vệ thực vật).

Ngay cả với những chỉ tiêu đã xét nghiệm được thì công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước sinh hoạt, nước ăn uống vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề. Tại Hà Nội, năm 2014, Trung tâm Y tế Dự phòng (TTYTDP) thành phố đã xét nghiệm 406 mẫu nước ở 107 cơ sở cấp nước tập trung thì phát hiện đến hơn 100 mẫu không đạt tiêu chuẩn lý, hóa học. Đặc biệt, tại 31 nhà chung cư, tập thể, TTYTDP thành phố làm xét nghiệm 118 mẫu nước thì có đến 23 mẫu không đạt về hóa học, 34 mẫu không đạt về chỉ tiêu vi sinh. Mặc dù các công ty cấp nước, các đơn vị có trách nhiệm nói trên đều đã nhanh chóng, nghiêm túc xử lý, khắc phục để đảm bảo chất lượng nước cung cấp cho dân, song những vụ việc như vậy khiến người dân càng thêm lo ngại.

Qua kiểm tra, giám sát chất lượng nước cũng cho thấy, công tác tự kiểm tra, giám sát, kiểm nghiệm chất lượng nước của các cơ sở cung cấp nước sạch và công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước một số tỉnh, thành phố chưa được thực hiện đầy đủ theo các quy định hiện hành.

Cần xử lý mạnh tay

Trung Hòa - Nhân Chính là khu chung cư hiện đại của Hà Nội với khoảng gần 1 vạn người sinh sống. Thế nhưng nhiều lần người dân sống trong những căn hộ cao cấp lại rơi vào cảnh “khát” nước sinh hoạt. Cũng “ch*t khát” nhưng hàng ngàn người dân ở khu chung cư Đại Thanh còn khốn khổ hơn gấp bội lần. Bởi nếu không vỡ đường ống nước sông Đà thì người dân nơi đây cũng chẳng mấy khi có đủ nước dùng, vì nguồn nước cấp cho khu dân cư này quá yếu.

Còn nhớ năm ngoái, tại khu đô thị Mỹ Đình 2 (Từ Liêm, Hà Nội), rất nhiều người dân phải sống trong lo sợ vì đã dùng nước bị nhiễm asen (thạch tín), một chất cực độc hơn cả thủy ngân, có thể gây ung thư và các bệnh nguy hiểm khác cho người sử dụng. Theo kết quả kiểm tra của Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội, tất cả các mẫu nước lấy tại Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 đều có hàm lượng asen vượt ngưỡng cho phép từ 2 - 8 lần.

Nhiều người dân ở đây bức xúc: “Chúng tôi đã dùng nguồn nước ở đây tới 6 - 7 năm nay. Như vậy suốt thời gian dài sức khỏe của người dân nơi đây đang bị tổn hại, bào mòn vì nước nhiễm độc. Chúng tôi phải bỏ tiền ra mua dịch vụ, trong đó có cả nguồn nước sạch mà lại phải dùng nguồn nước nhiễm asen. Vậy ai sẽ đền bù và phải chịu trách nhiệm trước việc này nếu chúng tôi ung thư, ốm đau bệnh tật?”.

Một đô thị lớn như TP.HCM cũng không tránh khỏi tình trạng tương tự. Tháng 1/2015, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM vừa tiến hành lấy mẫu khảo sát chất lượng của nguồn nước, đánh giá tác động đến sức khỏe người dân. Đánh giá cho thấy, mẫu nước sinh hoạt (chủ yếu là nước giếng) tại các khu dân cư chưa có nước sạch hoặc có nguy cơ ô nhiễm của quận 12, Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè. Trong số 1.400 mẫu nước xét nghiệm chỉ có 45 mẫu đạt các tiêu chuẩn hóa lý và vi sinh, chiếm 3,21%; số còn lại không đạt chất lượng về màu sắc, mùi vị, độ đục, pH, hàm lượng amoni, hàm lượng sắt, chỉ số pecmanganat, asen, khuẩn E.coli.

Trên thực tế, dù đã phát hiện các đơn vị cung cấp nước vi phạm nhưng vẫn chưa thấy cơ quan chức năng đề cập đến việc xử lý như thế nào. Nếu đầu vào của nguồn nước ngầm không quản lý được, nhà máy cung cấp nước cũng không quản lý được nốt thì rất nguy hiểm, do đó cần giám sát chặt chất lượng nước và xử lý mạnh tay khi phát hiện sai phạm. Thiết nghĩ đây là biện pháp trước mắt để phần nào đảm bảo an toàn cho người dân trong việc sử dụng nước sạch. Về lâu dài, phải khắc phục được những yếu kém trong quản lý. Bộ Y tế cũng cho rằng, khó khăn và thách thức lớn nhất là do chưa xây dựng được cơ chế phối hợp liên ngành dẫn đến chồng chéo, trùng lặp trong việc kiểm tra chất lượng nước. Có những cơ sở cấp nước tập trung được thanh tra, kiểm tra nhiều lần, song lại có những cơ sở không được kiểm tra dẫn đến lãng phí nguồn nước và ngân sách. Bên cạnh đó, các ngành khi xét nghiệm đánh giá chất lượng nước lại sử dụng các labo và phương pháp xét nghiệm khác nhau dẫn đến nhận định kết quả khác nhau.

Quang Huy

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-bao-gio-moi-het-lo-8759.html)

Chủ đề liên quan:

bao giờ mới hết lo

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY