Tâm sự hôm nay

Bắt đầu từ đâu?

Liên quan đến vụ nữ sinh Nguyễn Thị Hồng Phượng, học sinh lớp 7, Trường THCS Lý Tự Trọng, tỉnh Trà Vinh bị nhóm bạn đánh hội đồng...

Liên quan đến vụ nữ sinh Nguyễn Thị Hồng Phượng, học sinh lớp 7, Trường THCS Lý Tự Trọng, tỉnh Trà Vinh bị nhóm bạn đánh hội đồng, UBND TP. Trà Vinh vừa có những quyết định xử lý kỷ luật tương đối thích đáng với những người liên quan. Điều đáng nói là sau vụ việc này, nhiều ý kiến lên án sự xuống cấp về đạo đức của một số học sinh, sự yếu kém trong việc quản lý và giáo dục học sinh của nhà trường, hay sự thờ ơ thiếu quan tâm trong việc chăm sóc, dạy dỗ con cái của nhiều bậc phụ huynh học sinh...

Xử lý nghiêm những người liên quan

UBND TP. Trà Vinh có quyết định tạm đình chỉ công tác 1 tháng đối với Hiệu trưởng Phan Thanh Nguyên và Hiệu phó phụ trách Võ Thanh Vũ; tạm đình chỉ giảng dạy, chủ nhiệm lớp, công tác 1 tháng đối với giáo viên chủ nhiệm Võ Thành Tất. 9 học sinh có liên quan đánh em Nguyễn Thị Hồng Phượng đã nhận hình thức bị kỷ luật như sau: Trần Kim Ánh, học lớp 7/5 bị khiển trách; Trần Ngọc Anh Thư, học lớp 7/5 bị cảnh cáo; Trần Hồng Gấm, học lớp 7/5 bị cảnh cáo; Kim Thảo Nhi, học lớp 7/5 bị cảnh cáo; Cam Kim Tuyến, học lớp 7/5 bị cảnh cáo; Lâm Chí Nhân, học lớp 7/13 bị cảnh cáo; Dương Thúy Vy (lớp trưởng lớp 7/5) bị buộc thôi học 1 tuần; Nguyễn Thùy Dương (quay clip) lớp 7/4, buộc thôi học 1 tuần; Lâm Trần Bình Trọng, học lớp 7/4 (ném chồng ghế về phía Phượng) bị buộc thôi học 1 tuần.

Ông Nguyễn Thành Nguyện, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh cho biết: “Hội đồng kỷ luật đã cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi đưa ra hình thức kỷ luật đối với những cá nhân liên quan. Hình thức kỷ luật các em học sinh vừa răn đe nhưng vẫn thể hiện tính nghiêm minh. Nếu bỏ các em ra ngoài xã hội trong lúc này thì sẽ gây hậu quả rất lớn. Thay mặt ngành giáo dục, tôi xin thành thật xin lỗi em Nguyễn Thị Hồng Phượng, gia đình, phụ huynh và toàn thể cộng đồng vì sự việc đáng tiếc xảy ra trong nhà trường. Trách nhiệm là ở gia đình, thầy cô đã chưa làm tròn trách nhiệm. Các cháu ở trong độ tuổi rất nhỏ, suy nghĩ nông cạn, mắc sai lầm nên làm cho cha mẹ, thầy cô đau lòng”.

Không còn là chuyện đơn lẻ

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, từ năm 2010 đến nay đã có gần 8.000 học sinh, sinh viên tham gia đánh nhau bị xử lý kỷ luật, cùng với đó là tỷ lệ phạm pháp của đối tượng này cũng ngày càng gia tăng.

Thực tế trên các trang mạng xã hội thì không chỉ riêng trường THCS Lý Tự Trọng mà tràn lan các clip, hình ảnh đánh nhau của các em học sinh phần lớn là học sinh nữ, tại một số các trường, chủ yếu là THCS làm cho các bậc phụ huynh thêm lo lắng về sự an toàn của con em mình khi gửi gắm vào sự quản lý, dạy dỗ của nhà trường.

Cũng liên quan đến vụ việc học sinh đánh nhau, mới đây, trong chương trình Chuyển động 24h ngày 13/3 đã đưa tin về trường hợp rất đau lòng của em Quyên Thị Phương Hà (học sinh trường THPT Tử Đà, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ), do bị 4 bạn cùng lớp đánh hội đồng từ hơn 5 tháng trước, nên em bị chấn thương tâm lý, em không thể nói được, phải giao tiếp bằng ám hiệu hoặc viết giấy.

Do hoàn cảnh gia đình nghèo khó, gia đình phải chạy vay tiền khắp nơi để có thể chữa trị cho con nhưng đến giờ Phương Hà vẫn chưa thể khỏi. Theo chẩn đoán ban đầu của các bác sĩ, em bị căng thẳng về mặt tâm lý dẫn đến không thể nói chuyện được. Em phải nghỉ học ở nhà để gia đình tiện chăm sóc, nhưng đến khi nào em mới ổn định tâm lý để quay lại trường lớp thì vẫn chưa thể xác định được. Đó là hậu quả của nạn bạo lực học đường vô cùng đau xót, mà nguyên nhân chỉ là do hiểu lầm nhau trên facebook.

Làm gì để ngăn chặn?

Đây là một câu hỏi mà trong thời gian vừa qua có rất nhiều ý kiến khác nhau để tìm ra câu trả lời. Theo TS. Trần Thị Minh Ngọc, Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thì tình trạng bạo lực học đường làm tổn thương về cả thể xác lẫn tinh thần, ảnh hưởng trực tiếp đến học tập và ảnh hưởng tới giáo dục của nhà trường, tạo tâm lý hoang mang, lo lắng đối với người thân, bạn bè và tạo nên tính bất ổn trong xã hội. Bên cạnh đó, bạo lực học đường là mầm mống của tội phạm, gây nguy hại cho xã hội. Với tình trạng bạo lực học đường đang ngày càng gia tăng hiện nay đã gây ra nhiều hậu quả không chỉ ảnh hưởng tới nạn nhân bạo lực học đường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự hình thành và phát triển nhân cách của người gây ra tình trạng bạo lực học đường.

Cũng theo TS. Trần Thị Minh Ngọc, cần phải tích cực đưa ra các giải pháp ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường. Để làm được điều này, không thể thiếu được sự phối hợp trong giáo dục giữa gia đình và nhà trường. Cần giáo dục nâng cao nhận thức cho các em ý thức về hành động và những hậu quả của hành động bạo lực đó. Tạo ra nhiều sân chơi cho các em đỡ nhàm chán tránh được sự phân biệt đối xử... Trong gia đình, cha mẹ hãy là những người bạn đồng hành trong cả chặng đường làm người của con cái, không nên tạo cho con cái tâm lý ỷ lại, dựa dẫm chơi bời và hưởng thụ. Cộng đồng cần phải có thái độ lên án những hành vi thô bạo và phải có những biện pháp xử lý có tính chất răn đe để làm gương cho người khác.

Trần Lâm - Hoàng Lê

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-bat-dau-tu-dau-6056.html)

Chủ đề liên quan:

bắt đầu từ đâu

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY