Kỳ nghỉ hè là thời điểm trẻ con được tự do và thoải mái nhất khi không phải đối mặt với những bài tập về nhà, có nhiều thời gian hơn để vui chơi, cùng gia đình đi du lịch khắp nơi. Tuy vậy, nhiều bậc phụ huynh vì bận rộn công việc, không đủ thời gian chơi cùng con, chỉ có thể quăng cho con một chiếc điện thoại hay máy tính bảng để giải trí.
Một số phụ huynh khác có thể gửi con về quê, giao cho ông bà chăm sóc nhưng vì người lớn tuổi cũng không đủ sức trông trẻ, họ để mặc cho trẻ tự do làm việc riêng, đắm chìm vào thế giới mạng và các thể loại trò chơi khác nhau.
Vấn đề nghiện sử dụng điện thoại ở trẻ em ngày càng trở nên phổ biến và là vấn đề rất đáng lo ngại. Bên cạnh việc ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ, việc nghiện điện thoại còn gây ra tác hại không ngờ đến, có khả năng khiến cho trẻ mất mạng. Câu chuyện về cậu bé Bằng Bằng dưới đây là một hồi chuông cảnh báo đến với tất cả các bậc phụ huynh.
Bé Bằng Bằng năm nay 9 tuổi, sống ở Thanh Đảo (Trung Quốc), đang là học sinh lớp 3 của một trường tiểu học ở địa phương. Hồi đầu tháng 9 năm nay, ngay ngày đầu tiên khai giảng năm học mới, Bằng Bằng bỗng nhiên cảm thấy cơ thể không được khỏe.
Đang ngồi trong lớp học, Bằng Bằng bất ngờ gục xuống nói rằng bé bị đau tức ngực, khó thở. Cô hiệu trưởng thấy tình trạng không ổn nên đã liên lạc với phụ huynh đón Bằng Bằng về nhà nghỉ ngơi.
Đến ngày 2/9, tình hình của Bằng Bằng chuyển biến tệ hơn. Cậu bé bắt đầu bị sốt nhẹ, nôn mửa và cơn đau ngực càng lúc càng dữ dội. Bố mẹ cậu bé vô cùng lo lắng nhưng vẫn nghĩ rằng con chỉ bị ốm vài hôm sẽ hết.
Sáng ngày 6/9, Bằng Bằng la hét nói rằng bị đau mông, lúc này bố mẹ cậu bé càng hoảng loạn khi nhận ra con trai có vẻ không bình thường, tình trạng nghiêm trọng hơn họ tưởng. Tối hôm đó, chân trái của Bằng Bằng bỗng chuyển thành màu tím bầm, sưng phù lên.
Bố mẹ cậu bé kinh hoàng vội vã chở con đến bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ cấp cứu cho rằng tình trạng bệnh của Bằng Bằng rất nghiêm trọng và ngay lập tức liên hệ với bác sĩ nhi khoa để hội chẩn.
Kết quả siêu âm màu cho thấy Bằng Bằng có huyết khối lớn ở tĩnh mạch chi dưới. Cộng thêm tình trạng khó thở, tức ngực và nôn ói, bác sĩ suy đoán có khả năng cậu bé đã bị thuyên tắc phổi. Tình hình nguy kịch buộc bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật khẩn cấp, nếu không Bằng Bằng sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ giải thích rằng huyết khối tĩnh mạch chi dưới của bằng bằng có phạm vi rộng tại tất cả các tĩnh mạch sâu của chi dưới. một phần huyết khối này đã rơi ra, theo đường máu đi qua tim và vào động mạch phổi gây tắc mạch máu.
Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là nguyên nhân phổ biến nhất của thuyên tắc phổi. thuyên tắc phổi không hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, có thể gây tàn phế ở người nhẹ và tu vong ở người nặng. khi phát hiện tình trạng này, bệnh nhân cần được thông các tĩnh mạch sâu chi dưới và huyết khối phổi ngay lập tức, không được chậm trễ.
Rất may mắn sau một ca phẫu thuật loại bỏ huyết khối, thông tĩnh mạch, Bằng Bằng đã vượt qua nguy hiểm, được đưa về phòng hồi sức đặc biệt tiếp tục theo dõi.
Việc một đứa trẻ chỉ mới 9 tuổi đã gặp phải tình trạng huyết khối tĩnh mạch gây thuyên tắc phổi khiến nhiều y bác sĩ kinh ngạc. sau khi tìm hiểu về cách sinh hoạt, họ mới giật mình phát hiện rằng, hóa ra chính vì thói quen chơi điện thoại thường xuyên và liên tục trong nhiều tháng trời của đứa trẻ đã gây ra tình trạng này.
Được biết trong kỳ nghỉ hè vừa qua, bố mẹ Bằng Bằng bận công việc nên đã giao con cho ông bà nội chăm sóc. Ngoài giờ học thêm buổi sáng, mỗi lần Bằng Bằng về nhà là lại nằm dài ra chơi điện thoại suốt vài tiếng đồng hồ.
Bằng Bằng rất ít khi vận động, cũng không ra ngoài chơi mà chỉ ngồi hoặc nằm một chỗ xem điện thoại. Tình trạng này kéo dài suốt 3 tháng hè trước khi Bằng Bằng xuất hiện triệu chứng bất thường.
Bác sĩ cho biết chính vì thói quen chơi điện thoại không ngừng nghỉ dẫn đến việc nằm hoặc ngồi một chỗ trong thời gian dài, ít vận động là nguyên nhân dẫn đến huyết khối tĩnh mạch. Bác sĩ cũng nhắc nhở các bậc phụ huynh nên quan tâm hơn đến lịch sinh hoạt của con cái, tránh để trẻ chơi điện thoại quá lâu, khuyến khích trẻ vận động và tập thể dục thường xuyên, duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh.
(Nguồn: Sina)
Chủ đề liên quan:
bé trai 9 tuổi bị huyết khối tĩnh mạch huyết khối tĩnh mạch nghiện điện thoại di động thói quen sinh hoạt gây hại sức khỏe thuyên tắc phổi