Bé L. trú tại xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc là ca nhiễm virus corona thứ 15 của Việt Nam, là bệnh nhi duy nhất mắc căn bệnh này đến thời điểm này.
Trước đó ngày 11/2, bệnh nhi có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng không có biểu hiện đặc biệt. Bé chỉ có biểu hiện ho và chảy nước mũi, không sốt.
Tuy nhiên, vì tiếp xúc gần với bà ngoại là người có liên quan đến bệnh nhân N. T. D - 1 trong 8 người đi từ Vũ Hán về đã được báo cáo trước đây – và được khẳng định dương tính nên bé và mẹ cũng được lấy mẫu xét nghiệm.
Sau 4 ngày ở nhà bà ngoại (từ ngày 28/01/2020), bệnh nhi được khẳng định dương tính với virus corona, trong khi mẹ có kết quả âm tính.
Sau khi được theo dõi tại Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên trong tình trạng ổn định, nhưng là ca bệnh nhỏ tuổi nhất nhiễm bệnh, bé đã được chuyển lên BV Nhi Trung ương theo dõi chiều ngày 11/2 để kịp thời xử lý nếu có diễn biến bất thường.
"Xét nghiệm bạch cầu hơi tăng, chụp phim tổn thương phổi mức độ nhẹ, sốt nhẹ 37,5 độ, ăn kém đi một chút", GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết.
Theo GS Hải trong suốt quá trình điều trị, không có phác đồ đặc biệt nào được áp dụng vì biểu hiện bệnh của em bé rất nhẹ.
“Chúng tôi chỉ chăm sóc dinh dưỡng, nâng đỡ thể trạng, long đờm. Trong quá trình điều trị, người mẹ được bảo hộ bằng khẩu trang, quần áo, vẫn tiếp xúc, trẻ bú sữa mẹ và người mẹ hoàn toàn không có dấu hiệu nhiễm bệnh, kết quả xét nghiệm cũng âm tính”, GS Hải thông tin.
Hai lần xét nghiệm gần đây nhất bệnh nhi âm tính, cả bà mẹ xét nghiệm cũng âm tính. "Em bé và mẹ được ra viện và sẽ được theo dõi một thời gian ngắn nữa tại Trung tâm y tế của huyện", GS Hải cho biết.
“Đây là điều đặc biệt, không phải ca nào tiếp xúc gần người bệnh cũng lây bệnh. Cả hai mẹ con đều tiếp xúc với người dương tính (là dì, bà ngoại, ông ngoại) nhưng chỉ con nhiễm bệnh. Hay như trường hợp 3 người Trung Quốc tại TP Hồ Chí Minh, người vợ đi với chồng từ Vũ Hán sang không nhiễm bệnh, trong khi người con tiếp xúc với cha vài ngày đã lây bệnh”, GS Hải thông tin thêm.
Theo GS Hải, có thể lý giải, sự lây nhiễm bệnh liên quan nhiều đến đề kháng miễn dịch của cơ thể, một cơ thể khoẻ mạnh, miễn dịch cao nguy cơ mắc bệnh sẽ giảm đi. Hơn nữa người mẹ được đảm bảo phương tiện phòng hộ rất tốt khi tiếp xúc với con.
Chia sẻ từ phòng bệnh qua điện thoại với TS Nguyễn Văn Lâm- Giám đốc Trung tâm y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, mẹ bệnh nhân cho biết cháu ngoan, khỏe, bú tốt, ngủ tốt, hoàn toàn bình thường. “Gia đình em xin chân thành cảm ơn tất cả các y bác sĩ của BV Nhi TW đã dành nhiều sự quan tâm đến hai mẹ con em. Trong quá trình ở tại Trung tâm, mẹ con em luôn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình, tận tâm, chu đáo của các y bác sĩ. Em xin cảm ơn tất cả. Con em và em hiện nay đều khỏe. Em và gia đình mong muốn sau này khi con gái lớn lên sẽ làm bác sĩ để con có thể giúp đỡ các bệnh nhi khác", mẹ bệnh nhi chia sẻ.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết đây là một thành tựu, công sức rất lớn của tập thể, cán bộ y bác sĩ trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhi.
Thành công này cũng cho thấy chiến lược điều trị rất quan trọng. "Thời gian đầu, chúng tôi xác định BV Nhi Trung ương là trung tâm tiếp nhận bệnh nhân. Nhưng sau đó điều chỉnh “4 tại chỗ” những ca nặng mới chuyển lên bệnh viện Nhi Trung ương. Đây là ca bệnh nhi đầu tiên nên đã được chuyển lên BV Nhi Trung ương theo dõi.
Bởi tại BV Nhi Trung ương có rất nhiều bệnh nhân, mỗi ngày 2600 trẻ đến khám, một trẻ đi kèm 2 – 3 người; trong viện với 1500 bệnh nhân nội trú và người nhà đi kèm. Trung bình tại BV Nhi Trung ương có khoảng hơn 10 nghìn người nhà và thầy Thu*c, vì thế cần có chiến lược cẩn thận, rõ ràng để phân tuyến, nếu không xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo rất nguy hiểm.
Ông Khuê thông tin thêm, sau ca bệnh này, tuần tới Tiểu ban điều trị và tiểu ban chuyên môn của các bệnh viện sẽ họp, rút kinh nghiệm qua những ca bệnh này để thời gian tới chúng ta có thêm kinh nghiệm điều trị bệnh, trong diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp trên thế giới.
PGS Khuê đề nghị BV Nhi Trung ương tổ chức rút kinh nghiệm điều trị, tổ chức tiếp đón, cách ly, tổ chức điều trị cho các bệnh nhân đến viện một cách an toàn, không để lây nhiễm chéo cho người bệnh, người nhà người bệnh, các thầy Thu*c trong cộng đồng.
Chủ đề liên quan:
bệnh nhi bệnh nhi nhiễm corona ca nhiễm F3 corona corona xuất viện dịch viêm phổi Vũ Hán khoẻ mạnh nhiễm virus nhiễm virus corona việt nam virus corona virus Corona Vũ Hán xuất viện