Cha anh, cũng tên Mike Lewis, đang điều trị Covid-19 tại bệnh viện St.Petersburg. Bác sĩ gọi tới để thông báo ông bị ngưng tim vào ngày trước đó, song được máy thở cứu sống.
Cuộc gọi chưa kết thúc, trái tim ông một lần nữa ngừng đập. Lewis Jr chỉ kịp nghe thấy những âm thanh hỗn loạn trước khi bác sĩ vội vã cúp máy.
"Tôi bắt đầu hoảng sợ và không thể ngăn nổi nước mắt", Lewis Jr kể về khoảnh khắc kinh hoảng.
Nửa tiếng sau, bác sĩ gọi lại để thông báo tin dữ. Ông Mike Lewis qua đời ở tuổi 58, chỉ 4 ngày sau khi được chẩn đoán mắc Covid-19.
Lewis Jr., 37 tuổi, trở thành một trong số hàng nghìn người Mỹ ôm nỗi đau mất người thân vì quyết định không tiêm phòng, khi vaccine còn rất nhiều và hoàn toàn miễn phí.
Lúc sinh thời, ông Lewis có lối sống lành mạnh, tập thể dục và uống protein mỗi ngày. Giống với những người Mỹ bận rộn và khỏe khoắn khác, ông không coi vaccine là ưu tiên hàng đầu.
Lewis Jr. cũng không tiêm chủng vì chưa tin tưởng vaccine. Song cái ch*t của cha đã làm anh bừng tỉnh. "Chúng tôi cần làm điều đúng đắn để vượt qua tình cảnh này. Cha tôi đã mất vì Covid-19", anh nói.
Mike Lewis Jr đã mất đi người bố vì Covid-19, anh từng không tin tưởng vào vaccine. Ảnh: CNN
Mỹ mở rộng chương trình vaccine cho cả thanh thiếu niên và người cao tuổi, song nhu cầu chậm lại đáng kể từ giữa tháng 4. Thời gian cao điểm, nước này tiêm trung bình 3,4 triệu liều vaccine mỗi ngày. Con số gần đây là khoảng 600.000, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).
Chính quyền địa phương tặng tiền, tổ chức quay xổ số để khuyến khích người dân tiêm chủng. Chiến lược này hiệu quả ở một số khu vực. Những nơi khác, tình trạng hoài nghi vẫn vậy. Một số doanh nghiệp đã hỗ trợ tài chính cho nhân viên vaccine, song không mấy ai tham gia.
Người Mỹ không tiêm vaccine vì nhiều lý do khác nhau. Tại thành phố Pasadena, bang Maryland, ông Darryl, chồng bà Michele Preissler, từng hạ quyết tâm tiêm chủng. Song ông lo lắng về tác dụng phụ bởi đang sử dụng Thu*c ức chế miễn dịch điều trị viêm khớp.
Tháng 4, Darryl dự đám cưới và mắc Covid-19 một tuần sau đó. Ông phải điều trị gần một tháng trong viện nhưng không qua khỏi. Darryl ra đi ngày 22/5. Bà Michele Preissler gọi khoảng thời gian đó là "chuyến tàu siêu tốc từ địa ngục".
Có những lúc, tình trạng của Darryl tưởng như được cải thiện, nhưng lại xấu đi nhanh chóng. Cuối cùng, ông đột quỵ không thể cứu chữa và được tháo máy thở. Bác sĩ tưởng rằng ông chỉ sống khoảng 3-5 phút sau đó, song trái tim ông thoi thóp đập thêm 24 giờ rồi ngừng hoàn toàn.
"Tôi không muốn hồi tưởng lại khoảnh khắc đó, không muốn nó xảy ra với bất cứ ai", bà Preissler nói.
Là nhân viên y tế, bà đã tiêm vaccine từ tháng 3. Song ông Darryl quá bận rộn và không sắp xếp được thời gian. Bà Preissler giờ đây hối hận vì đã không giúp chồng mình đặt lịch tiêm chủng. "Đáng lẽ tôi nên làm vậy. Tôi phát điên vì mình đã không làm, nhưng tôi chẳng thay đổi được gì", bà nói.
Cặp vợ chồng sẽ kỷ niệm 30 năm ngày cưới vào cuối năm nay. Cả hai từng mong được đi du lịch và cắm trại trong thời gian nghỉ hưu. Michele ứa nước mắt khi đọc những dòng chữ viết tay trong cuốn sổ tang của chồng.
"Giờ thì tôi không còn (sống) bình thường được nữa. Bình thường của tôi đã mất rồi", bà nghẹn ngào.
Josh Garza, 43 tuổi, thuộc nhóm người Mỹ đầu tiên đủ điều kiện tiêm vaccine Covid-19. Anh bị tiểu đường và cao huyết áp, rất dễ nhiễm nCoV. Song Garza tin rằng mình sẽ an toàn nếu tuân thủ các quy định phòng dịch. Anh gạt đi ý tưởng tiêm phòng ngay tức khắc và bỏ lỡ lượt của mình.
"Tôi không muốn trở thành chuột bạch. Tôi phản đối", anh nói.
Đầu năm nay, Garza được chẩn đoán mắc Covid-19. Anh điều trị 4 tháng ở Bệnh viện Giám lý Houston, chiến đấu với virus để giành giật sinh mạng. Anh bị viêm phổi, tổn thương mô không thể phục hồi. Tình trạng của Garza nghiêm trọng đến nỗi không loại máy thở hay máy oxy cao áp nào giúp được anh.
Josh Garza, 43 tuổi, từng nhiễm nCoV đầu năm 2021 do không tiêm vaccine. Ảnh: CNN
Trên film chụp X-quang, phổi anh trắng mờ do virus. Garza cách cửa tử chỉ vài ngày, cho đến khi được ghép phổi vào tháng 4.
Garza liên tục dằn vặt bản thân vì không tiêm phòng khi đến lượt. Song anh cũng biết ơn rằng mình còn sống sót để kể lại trải nghiệm này. Ký ức về những tử thi ch*t vì Covid-19 cứ xoay vần trong tâm trí Garza.
"Nếu được làm lại, tôi sẽ tiêm chủng, chẳng có nghi ngờ gì cả. Những gì tôi trải qua là điều kinh khủng nhất cuộc đời", anh nói.
Garza đang hồi phục sau ca phẫu thuật cấy ghép, hiện đã cảm thấy ổn hơn nhiều. Anh đoàn tụ với gia đình, hy vọng câu chuyện sẽ thay đổi suy nghĩ của những người còn ngần ngại hoặc phản đối vaccine.
"Hãy nghĩ cho gia đình bạn. Tôi mong mọi người cân nhắc lại, hoặc chí ít hãy lắng nghe những bệnh nhân như tôi, hy vọng các bạn không bao giờ có trải nghiệm như tôi", anh nói.