Sáng đi chợ sớm thấy một cụ già ngồi co ro trước đống bình tinh. Sà vào mua, vui chuyện hỏi thăm mới biết cụ quê tỉnh Phú Yên, nhà có sào đất trồng bình tinh, ở quê khó bán nên nhổ hết một lượt đem vào Sài Gòn. “Mua về luộc ăn đi con, bình tinh năm nay ngọt lắm”.
Sài Gòn mấy hôm nay trở lạnh, cầm những củ bình tinh căng tròn, nuột nà như những ngón tay, tôi bất giác thẩn thờ tưởng như mình đang sờ vào mớ cát trắng xốp của quê nhà, sờ vào tuổi thơ của những mùa gió bấc.
Miền Nam không có mùa đông mà chỉ có mùa gió bấc. Đó là khi những cơn mưa đã ngớt, không khí lạnh từ phương Bắc tràn vào kèm theo những cơn gió lồng lộng làm cái nắng dịu lại, bầu trời ngả màu bàng bạc và cánh đồng bỗng chốc khô trắng.
Quanh năm nắng nóng, tôi ao ước mùa gió bấc còn hơn cả Tết. Má tôi thì không như vậy. Gió làm khô những ruộng nước, bờ ao nên cá, cua cũng biến mất; gió làm những ngọn rau trong vườn nhà sững lại không chịu lớn. Vì vậy, vì mùa gió bấc là mùa mà bữa cơm nghèo đạm bạc càng đạm bạc hơn.
Má lo vì quên mất sau hè, mớ bình tinh đã úa lá cùng gió bấc báo hiệu bên dưới lớp đất xốp kia, mớ củ đã đủ đầy, căng mọng. Trưa, gió bấc thổi ào ào trên những tán lá dừa, má nằm vắt tay lên trán với câu hỏi “tối nay ăn gì” và bất chợt nhớ tới đám bình tinh và lật đật dậy vác cuốc ra sau hè.
Lấy dao tỉa bớt mớ lá, má đưa cuốc lên phụp hai nhát quanh bụi bình tinh rồi quơ tay nhấc lên. Đất xốp lại được tác động bởi hai nhát cuốc, bụi bình tinh nặng trịch được nhấc lên lúc lỉu những củ. Tôi đứng cầm rổ chờ sẵn, chỉ việc sà xuống lặt.
Sau khi rửa sạch, lột vỏ, má cắt củ bình tinh thành từng khúc nhỏ bằng lóng tay rồi đem chày cối ra giã. Má không quên sai tôi ra vườn moi một nhánh nghệ nhỏ rửa sạch để má giã chung cho món ăn có màu đẹp mắt.
Sau cũng phải gần 1 giờ đồng hồ mớ bình tinh mới được giã nát, má nêm vào chút nước mắm, đường, tiêu, bột ngọt, hành lá rồi trộn đều để đó.
Sau khi chuẩn bị xong cơm, canh, má mới bắt chảo dầu lên để chế biến món bình tinh chiên vì món này ăn nóng mới ngon. Khử dầu bằng tép tỏi đập giập xong, má trút mớ bình tinh đã giã nát vào chảo, trộn đều cho tất cả thấm dầu rồi dùng muỗng cán vẹt ra sao cho kín chảo.
Chiên bình tinh phải để lửa riu riu để nó chín từ từ, không bị khét. Sau khi một mặt đã vàng, má dùng sạn lật mặt còn lại.
Trời chập choạng tối, gió lạnh thổi từng cơn, tôi ngồi co ro bên bếp lửa bập bùng chờ món bình tinh chín tới mà mũi cứ phập phồng liên tục vì cái mùi tươi rói, ngọt ngào của bình tinh lẫn với cái thơm nồng của nghệ, dịu dàng của nước mắm và chút cay cay của tiêu.
Khi hai mặt của bánh bình tinh vàng đều, má dùng sạn xúc ra dĩa rồi hối cả nhà tụ lại ăn ngay cho nóng.
Dùng đũa xé một miếng bình tinh chiên cho vào miệng, đầu tiên là cảm giác nóng hổi nơi đầu lưỡi, sau là cái giòn rụm của mớ da và cuối cùng là cái mềm mịn dai dai rất ngọt ngào bên trong.
Má biết cả nhà ai cũng thích món này nên nêm hơi lạt một chút để ăn kèm với cơm cũng ngon mà ăn chơi cũng không quá mặn.
Mà hình như bình tinh chiên với canh củ từ là trời sinh một cặp. Mỗi lần làm món bình tinh má không quên nấu kèm nồi canh củ từ. Tôi thích chan canh củ từ lên cơm nóng rồi cứ một muỗng cơm-canh là kèm một miếng bình tinh, cứ thế mà ăn quên trời quên đất.
Gió bấc, hai từ dịu dàng mà suốt thời niên thiếu tôi mong ngóng từng ngày. Sài Gòn mùa này lạnh thì có lạnh nhưng gió bấc thì không cảm nhận được, có lẽ vì nhà cao tầng quá nhiều mà cây cối chẳng thấy đâu.
Cánh đồng vi vút gió, những bụi bình tinh sau nhà và má tôi giờ đã xa lắm rồi. Tối Sài Gòn, trong cái lạnh dịu dàng của mùa đông, tôi nhìn dĩa bình tinh chiên vàng ươm mà thèm cái hơi ấm sực của bếp lửa hồng, thèm nghe tiếng gió xào xạo trên mái nhà, thèm nghe tiếng đũa chén va nhau chộn rộn và ao ước làm sao tiếng của má giục: “Lên nhà kêu ba xuống ăn cơm cho nóng đi con!”.