Khảo sát bệnh viện chiều 1/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết nơi này sẽ có quy 2.300 giường, trong đó trước mắt thiết lập ít nhất 500 giường hồi sức tích cực cho bệnh nhân nặng.
Với mục tiêu lớn nhất là giảm số Tu vong ở người mắc covid-19, bộ quyết định thành lập 4 trung tâm hồi sức bệnh nhân covid-19 nặng và nguy kịch tại thành phố.
Một trung tâm khác, do Bệnh viện Việt Đức triển khai, đang chuẩn bị 500 gường để tiếp nhận bệnh nhân trong 5 ngày tới. Bộ Y tế cũng giao Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM tiếp nhận bệnh nhân từ sáng 2/8 với khoảng 70 giường tại Bệnh viện Quốc tế City. Trung tâm thứ tư do Bệnh viện Trung ương Huế đang được triển khai với ít nhất 500 giường.
Ông Long cho biết đang huy động tổng lực trang thiết bị của ngành y tế, bao gồm máy thở và các máy móc khác.
"Cơ bản hiện nay, chúng tôi đáp ứng đủ cho những trung tâm này", ông Long nói. Nguồn oxy cũng đã chuẩn bị đủ theo các kịch bản điều trị. Bộ Y tế đang tăng tốc tìm kiếm, mua sắm trang thiết bị, đảm bảo đủ nhu cầu điều trị nếu số bệnh nhân tăng.
Đoàn Bộ Y tế khảo sát tại Bệnh viện dã chiến số 16, chiều 1/8. Ảnh: Mỹ Lê.
Bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết thực trạng tại đây rất tốt khi triển khai một bệnh viện dã chiến, nhưng còn rất nhiều việc phải làm trước khi thành lập được đơn vị ICU.
"Nhiệm vụ rất nặng nề", bác sĩ Sơn nói.
Đoàn Bệnh viện Bạch Mai sáng nay đã làm việc với lãnh đạo UBND TP HCM, thống nhất các hạng mục cần cải tạo để thiết lập 500 giường bệnh trong 48 đến 72 giờ tới. Nhân sự để vận hành hệ thống hồi sức cần rất nhiều, với khoảng 400 bác sĩ, 1.000 điều dưỡng, 500 nhân viên khác. Bệnh viện dã chiến số 16 mới có khoảng 300 người.
Từng hỗ trợ chống dịch ở Đà Nẵng, Bắc Giang, Hải Dương, bác sĩ Sơn nhận định TP HCM là điểm nóng nhất từ trước đến nay, lượng bệnh nhân lớn, số bệnh nhân nặng rất đông. "Chúng tôi sẵn sàng sẵn sàng tâm thế chiến đấu và chiến đấu với tinh thần cao nhất, phục vụ nhân dân TP HCM đến khi cuộc sống bình thường trở lại", bác sĩ cho biết.
6h sáng nay, chuyến tàu chở 10 tấn thiết bị y tế đã xuất phát từ Hà Nội vào TP HCM để lắp đặt tại Bệnh viện Dã chiến 16.
TP HCM đang áp dụng mô hình điều trị tháp 5 tầng thay vì 3, 4 tầng như trước. Số F0 không triệu chứng điều trị tại các khu cách ly quận, huyện và TP Thủ Đức, thuộc tầng một. Tầng hai điều trị F0 có triệu chứng và bệnh lý nền kèm theo, tại các bệnh viện dã chiến. Tầng ba điều trị các ca có triệu chứng. Tầng 4 gồm các bệnh viện điều trị người có bệnh lý đi kèm nặng cần can thiệp điều trị chuyên khoa. Tầng 5 là bệnh viện hồi sức Covid-19, tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch.
TP HCM hiện có 3 nơi hồi sức lớn là Bệnh viện Hồi sức Covid-19, Chợ Rẫy và Bệnh Nhiệt đới.
Bệnh viện dã chiến số 16 trong giai đoạn thi công hồi giữa tháng 7, được xây dựng trên khu đất và nhà xưởng rộng khoảng 3 ha của một công ty. Ảnh: Quỳnh Trần.
Các bệnh viện đang lâm vào cảnh thiếu trang thiết bị y tế và phòng hộ khi ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, các cá nhân và doanh nghiệp có thể đồng hành cùng chương trình "Tiếp sức cho tâm dịch". Xem chi tiết tại đây.