Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Cách ly để sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng!

Đó là chia sẻ của chuyên gia tâm lý học trước hành vi của một bộ phận người dân chống đối, không hợp tác việc phải cách ly vì dịch bệnh.

Giữa lúc cả hệ thống chính trị, mọi người dân đang làm hết trách nhiệm phòng, chống sự lây lan của đại dịch Covid-19 nguy hiểm, thì đâu đó vẫn xuất hiện một số trường hợp chống đối, trốn tránh việc cách ly khiến những nỗ lực trước đó của bao nhiêu con người ngày đêm trằn mình chống dịch có nguy cơ “đổ xuống sông xuống bể”.

Dẫn chứng, chỉ vì 600.000 đồng/ hành khách, một tài xế xe kéo ở Huế bằng các thủ đoạn tinh vi đã bất chấp đưa 6 người từ vùng dịch Đà Nẵng vượt qua các chốt kiểm soát dịch bệnh ở Huế về địa phương trót lọt nhằm trốn cách ly tập trung. Sự việc nhanh chóng được cơ quan công an tỉnh Thừa Thiên-Huế phanh phui và chắc chắn án phạt sẽ không hề nhẹ đối với gã tài xế cùng 6 người coi nhẹ sức khoẻ cộng đồng, sức khoẻ của chính người thân của mình.

Hay mới đây, ở Quảng Trị, một người phụ nữ ở xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong dù nằm trong diện đối tượng phải tiến hành cách ly 14 ngày vì liên quan đến ca nhiễm Covid-19 nhưng vẫn không hợp tác và còn có hành vi chống đối.

Cụ thể, sau khi có quyết định cách ly, bà này đã đến trụ sở UBND xã Triệu Thuận gây rối, cản trở cán bộ xã làm việc. Tại đây, người phụ nữ này còn thách thức sẽ không cách ly tại nhà mà vẫn đi buôn bán bình thường.

Liên quan đến những hành vi trốn cách ly này, dưới góc nhìn tâm lý, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý-Giáo dục, trường đại học Sư phạm – đại học Huế đã có một số chia sẻ với tạp chí Người đưa tin pháp luật.

Theo Tiến sỹ Hùng, có thể nói khi buộc phải đưa đi cách ly vì dịch bệnh, về mặt tâm lý không ai muốn mình rơi vào trường hợp này. Tuy nhiên, vì sức khoẻ của bản thân, vì sức khoẻ của cộng đồng, mỗi người hãy hy sinh những quyền lợi, hy sinh sự tự do của cá nhân để tuân thủ các quy định của địa phương, chính quyền.

Mặc dù khi cách ly mọi người sẽ phải đối mặt với các ràng buộc, sẽ cảm thấy bất tiện và không thoải mái nhưng lúc này là thời điểm “vàng” để mỗi người cùng chung tay, góp sức đẩy lùi dịch bệnh với địa phương.

Trưởng khoa Tâm lý -Giáo dục chia sẻ, nhìn theo hướng tích cực thì việc được sống trong môi trường cách ly là điều kiện để tạo ra thói quen, rèn luyện lối sống có nề nếp, lành mạnh và khoa học. Chính khoảng thời gian này sẽ giúp mọi người rèn luyện đức tính kiên nhẫn, có cơ hội để ngồi lại suy nghĩ một cách chín chắn hơn khi đứng trước các vấn đề của xã hội.

Tiến sĩ Hùng nói, hãy nhìn hình ảnh của các anh bộ đội, công an, biên phòng, các y bác sĩ tuyến đầu ăn vội, ngủ vội và trực chiến để lo cho mọi người; nghĩ về hình ảnh chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch chỉ biết qua nhà thăm con qua cánh cửa cổng, những tình nguyện viên không ngại sự lây lan của bệnh dịch phục vụ cho mình tại các khu cách ly… để hình thành nên lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đùm bọc nhau trong cơn hoạn nạn.

“Chính sống trong môi trường cách ly mỗi người nếu biết trân trọng sự hy sinh của người khác thì sẽ có sức mạnh để yêu thương, để sẻ chia, để xây dựng cho mình một lối sống tích cực, nhân văn và có trách nhiệm hơn với cộng đồng…”, Trưởng khoa Tâm lý -Giáo dục, trường đại học Sư phạm - đại học Huế nhấn mạnh.

Mạng Y Tế
Nguồn: Người đưa tin (https://www.nguoiduatin.vn/cach-ly-de-song-co-trach-nhiem-hon-voi-cong-dong-a486469.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY