Dạo quanh thị trường “fake”
Mỹ phẩm vẫn được xem là thị trường khó phân biệt thật giả, “vàng thau lẫn lộn” vì không thể thống kê được có bao nhiêu chủng loại, bao nhiêu nhãn hiệu đang được bán ra. Phải công nhận một điều, nếu không tỉnh táo, đứng trước “mê hồn trận” mỹ phẩm khổng lồ bất cứ ai cũng rất dễ bị hoa mắt.
Lượn một vòng trên phố mỹ phẩm Lương Văn Can, Hà Nội không thiếu những cửa hàng gắn thông báo giảm giá 30%, 50%... với các nhãn hiệu nổi tiếng như Chanel, Dior, Mac, L’oreal… nhưng hầu hết là hàng nhái có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng. Độ tinh xảo của các sản phẩm nhái đã đạt đến mức đáng nể, nếu không rành thì bị lừa là chuyện không phải bàn cãi.
Giảm giá, lại dán mác hàng cao cấp, số lượng người đổ xô đi mua hàng safe off mỗi ngày một tăng. Còn nói đến “thiên đường” của mỹ phẩm nhái phải nhắc đến chợ Đồng Xuân (Hà Nội), “đất” của mỹ phẩm xuất xứ Trung Quốc “đã được dán nhãn”. Có người nghĩ rằng mua được hàng rẻ vì đây là chợ đầu mối, nhưng thực tế tất cả tem mác đều được dập trong “nội địa”.
Có người méo mặt vì mua phải hàng giả vì tiếc tiền, có người thì lãnh hậu quả nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và thẩm mỹ. Nhưng với một số chị em, dùng hàng “fake” lại được coi là chuyện bình thường. Chính vì thế, người bán cũng công khai quảng bá trên mạng “hàng fake loại 1”, “đảm bảo giống hàng thật hơn 90%”, “xuất xứ Singapore, Đài Loan có uy tín”, “được nhập từ nguồn hàng lớn chuyên phân phối cho nhiều cửa hàng mỹ phẩm nên chất lượng tương đối ổn định”, “đảm bảo mùi hương và kiểu dáng không khác hàng thật”…
Trước cái “lợi đôi đằng” cả người bán lẫn người mua đang “cùng nhau” lờ đi những tai hại lâu dài, miễn là người mua phải bỏ ít tiền mà vẫn dùng “hàng hiệu”, còn người bán thì tha hồ thu lợi nhuận. Sức khỏe chỉ là cái “để sau hãy tính”.
Tác hại khôn lường
Không giống như mặc một bộ đồ nhái, khoác một chiếc túi giả, dù nó không phải hàng thật thì cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều đến bạn. Còn mỹ phẩm thì lại khác. Bôi lên da, tô lên mắt, vẽ lên môi… tất cả đều là những con đường trực tiếp tác động lên cơ thể. Khi tiếp xúc với những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không rõ thành phần, nạn nhân đầu tiên sẽ là làn da mong manh của bạn, tiếp đến sẽ là muôn vàn những tác hại mà bạn không hề ngờ tới.
Theo các bác sĩ da liễu, tác hại của mỹ phẩm không chỉ không đáp ứng được nhu cầu làm đẹp, mà nguy hiểm hơn có thể trực tiếp gây ra hậu quả tai hại cho sức khỏe và thẩm mỹ. Trong những sản phẩm làm giả thường có các loại hoạt chất, hóa chất gây ra dị ứng và làm tổn thương da, khiến nổi mẩn đỏ, ngứa, thậm chí mưng mủ.
Khi phân tích các sản phẩm chăm sóc da “dởm”, thành phần thường được tìm thấy là chất corticod – một chất giống nội tiết tố trong cơ thể, tuy nhiên tác dụng phụ của nó là gây teo mỏng da, dãn mạch máu dưới da, làm mất sắc tố da. Nó cũng là nguyên nhân chính gây dị ứng da, nổi mụn, sần ngứa hay nghiêm trọng hơn là nám, chàm, viêm nang lông, nhiễm trùng…
Một điều dễ nhận thấy khi sử dụng các sản phẩm này đó là da trắng lên rất nhanh, nhưng khô, bong tróc vảy nhỏ, nhiều mụn cám li ti, sạm đi nhanh chóng. Làn da sẽ bị lão hóa sớm, trở nên nhăn nheo, nổi tàn nhang, đồi mồi… do sử dụng mỹ phẩm giả một thời gian dài.
BS. Phạm Hồng Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Tp.HCM cảnh báo: “Nếu sử dụng mỹ phẩm giả lâu dài, hậu quả nặng nề hơn khiến da bị ngộ độc do mỹ phẩm có chứa kim loại nặng hoặc thủy ngân. Có nhiều trường hợp người dùng phải nhập viện, để lại di chứng về sau hoặc điều trị không hết”.
Cũng đã có những trường hợp ảnh hưởng nặng tới mức biến đổi các tế bào dẫn đến u bướu hay ung thư như: ung thư vú, ung thư phổi, ung thư tử cung. Các chất độc hại có trong mỹ phẩm fake này cũng là nguyên nhân gây ra những căn bệnh về nội tiết tố gan, các bệnh về tim mạch, các bệnh về thần kinh và não.
Một thực tế hiển nhiên là có không ít bài viết, cảnh báo, khuyến cáo về tác hại của mỹ phẩm “fake”, thậm chí còn chỉ rõ tác hại của từng loại chất trong mỗi sản phẩm. Với những sản phẩm mỹ phẩm chính hãng đã được trải qua quá trình thử nghiệm, kiểm tra chất lượng và uy tín của hãng nên các chất có trong từng sản phẩm đều đảm bảo độ an toàn. Còn những loại mỹ phẩm nhái, đáp ứng mơ ước “hàng xịn giá bèo” của người tiêu dùng thì hoàn toàn không thể kiểm soát. Người ta có câu “đắt xắt ra miếng”, nên giá sản phẩm càng rẻ, chất độc trong nó càng nhiều.
Một vài dấu hiệu nhận biết mỹ phẩm fake
Theo các chuyên gia mỹ phẩm, để nhận biết được mỹ phẩm nhái bạn phải dựa vào cả hình thức và cảm quan.
*Về hình thức: Sản phẩm thật có nhãn phụ bằng tiếng Việt với những thông tin cơ bản để người tiêu dùng có thể phân biệt được thành phần.
Bên ngoài bao bì có in trực tiếp mã code (có tác dụng truy nguồn gốc từ nước sản xuất, hồ sơ nhập hàng qua hải quan, nước đến). Một số sản phẩm bằng tuýp, ở phần đuôi có đóng nổi hạn sử dụng và mã code. Còn mã code của sản phẩm giả được in trên giấy rồi dán lên bao bì.
Việc in ấn trên bao bì sản phẩm được sử dụng chất liệu tốt nên chi tiết, màu sắc đằm thắm hơn, không quá rực rỡ và lem nhem. Bên ngoài sản phẩm được bọc bởi giấy bóng kính trong suốt, với công nghệ bao chân không kín sản phẩm được bảo vệ để đảm bảo chất lượng. Khác với việc gói bằng giấy kính, dễ bóc và có thể nhìn rõ
*Về cảm quan: Son, phấn mắt và phấn má hồng khi trang điểm trên da có cảm giác nhẹ, mùi thơm nhẹ và dễ chịu, độ phủ mịn, đều. Thoa thử lên tay sẽ thấy độ bóng, mịn. Còn sản phẩm giả gây cảm giác bì và nặng da, mùi thơm nồng.
Dầu thơm thật có mùi thoảng nhẹ nhưng thời gian giữ mùi lâu đến 12 giờ. Còn dầu thơm giả do có độ cồn nhiều nên ngay khi xịt, mùi khuếch tán mạnh có thể gây nhức đầu và chỉ giữ mùi trong 1 giờ.
Nên đọc kỹ nhãn, mác, chọn mua những sản phẩm có nguồn gốc, tìm có nguồn gốc, tìm hiểu kỹ loại sản phẩm mình định mua, chọn những mỹ phẩm có uy tín.
Ngọc Minh
Chủ đề liên quan: