Nghiên cứu khoa học cho thấy ý nghĩ của con người là một thứ năng lượng. Năng lượng phát ra từ tâm / ý và có tác dụng ảnh hưởng đến hoàn cảnh xung quanh, mà trước hết là cơ thể của người đó. Người xưa nói rằng “tâm sinh tướng”, xét ra là rất có cơ sở.
Ở đoạn cuối truyện Cửa tùng đôi cánh gài của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, ta thấy vị sư huynh khi soi vào gương đã không thấy gương mặt của mình mà là mặt của “một con yêu to lớn với đôi mắt tối sâu như hai miệng giếng không đáy, hai chiếc răng dài quặp sâu vào chiếc cằm vuông, trên một khuôn mặt xám ngoét như gà cắt tiết”.
Có thể hiểu, đó không phải là gương mặt quỷ hiện ra trong gương mà là cái tâm quỷ hiện ra trước ánh sáng trí huệ. Nghĩa là con người đôi khi bị tâm mình đánh lừa, làm việc xấu mà lại tin mình đang làm việc tốt, hoặc làm việc tốt nhưng với tâm sân hận, kiêu căng. Chỉ có người nào có cái tâm thật trong sáng như gương thì mới nhìn thấu được nguồn tâm.
Trong tướng thuật, “tướng” thông thường là chỉ tướng mặt, cũng đại thể là chỉ toàn bộ tướng mạo. “Tướng do tâm sinh” là có ý nói rằng, một người có tâm tính như thế nào thì sẽ có tướng mạo như thế ấy. Tâm tư (ý nghĩ) và hành vi của một người có thể thông qua các đặc điểm trên khuôn mặt mà được hiển hiện ra.
Trong “Tứ khố toàn thư” viết: “Vị tương nhân chi tương, tiên thính nhân chi thanh; vị thính nhân chi thanh, tiên sát nhân chi hành; vị sát nhân chi hành, tiên quan nhân chi tâm.” Ý nói rằng, đừng nhìn tướng mạo người mà trước tiên hãy nghe thanh âm của người ta, đừng nghe thanh âm người mà trước tiên hãy quan sát hành vi của người ta, đừng quan sát hành vi người mà trước tiên hãy xét cái tâm của người ta. Âu cũng là nhấn mạnh rằng cái “tâm” quyết định cái “tướng” của con người, rằng biến hoá của tướng mặt cũng là biểu hiện ra bên ngoài của sự biến hóa của tâm mang lại.
Thời xưa có câu ngạn ngữ: “Hữu tâm vô tương, tương do tâm sinh; hữu tương vô tâm, tương tùy tâm diệt”, ý nói có tâm thì dẫu vô tướng, tướng cũng sẽ do tâm mà sinh. Có tướng mà không tâm, thì tướng ấy cũng tuỳ tâm mà tiêu mất. Những lời này cũng là để nói rằng, tướng mạo của một cá nhân là tuỳ theo tâm niệm thiện-ác của cá nhân ấy mà biến hoá theo.
Có một vị nữ thí chủ, gia đình rất giàu có và vẻ đẹp bên ngoài, đều không người nào có thể vượt hơn cô, nhưng tính hơi kiêu căng ngạo mạn nên cô hay buồn khổ ít được vui và không có bạn.
Một hôm, cô đi đến chỗ Thiền Sư Vô Đức xin lời chỉ dạy, làm sao để có thể hấp dẫn, giành được sự yêu mến của người khác.
- Cô có thể tùy lúc tùy nơi hợp tác với mọi người, đồng thời trong lòng có đủ tâm từ bi hỷ xả giống như Phật, tập nói một ít lời thiền, nghe một vài âm thanh thiền, ứng dụng một chút tâm thiền, cô sẽ có thể trở thành người có sức hấp dẫn.
- Lời thiền, chính là nói lời hoan hỷ, nói lời chân thật, nói lời khiêm nhường, lời nói có ích cho mọi người.
- Âm thanh thiền chính là chuyển hóa tất cả âm thanh biến thành âm thanh vi diệu, ngay tiếng mắng chửi nguyền rũa chuyển thành âm thanh yêu thương, ngay lời nói hủy báng chuyển thành âm thanh giúp đỡ; tiếng khóc, tiếng ồn, tiếng thô tục, tiếng ác khẩu, cô đều không lưu tâm, đó là âm thanh thiền.
- Việc thiền chính là thực hành bố thí cúng dường, từ thiện xã hội, phục vụ cứu vật phóng sanh, những việc làm hợp với Phật pháp.
- Tâm thiền chính là tâm nhất như của tôi và cô, tâm phàm thánh không phân chia, tâm bao dung rộng lớn, tâm làm lợi ích cho tất cả mọi loài.
Nữ thí chủ sau khi nghe xong, dốc lòng sửa đổi tập khí kiêu căng ngạo mạn thuở xưa, ở trước mọi người không còn khoe khoang cảnh giàu sang của mình, lại chẳng tự kiêu về nhan sắc của mình, đối với mọi người luôn giữ gìn thái độ khiêm cung nhã nhặn từ ái, đối với quyến thuộc rất quan tâm chăm sóc. Không bao lâu, cô liền được mọi người khen ngợi là "có sức hấp dẫn dịu kỳ nhất".
Từ câu chuyện trên cho chúng ta thấy được chỉ cần nội tâm tốt sẽ có sức hấp dẫn, dung mạo cũng trở nên xinh đẹp dễ coi hơn rất nhiều.