Tâm sự hôm nay

Cảm nhận từ một chuyến công tác vùng cao

Qua những con đường đèo quanh co, thị xã Cao Bằng dần hiện lên trước mắt chúng tôi. Thời gian này là giữa thu, trời se lạnh,
(SKDS) - Qua những con đường đèo quanh co, thị xã Cao Bằng dần hiện lên trước mắt chúng tôi. Thời gian này là giữa thu, trời se lạnh, thị xã vào sáng sớm với màu núi rừng xanh thẳm và những ngôi nhà ẩn hiện trong một làn sương trắng mỏng tang, trông như một tố nữ khoác chiếc khăn voan trắng, đẹp đằm thắm dịu dàng. Con sông Bằng uốn mình quanh co giữa thị xã, dòng nước chầm chậm trôi càng làm tăng thêm vẻ yên bình thơ mộng nơi đây. Theo một số người dân thì có lẽ tên Cao Bằng mang ý nghĩa chỉ: một vùng đất rộng ở trên cao, bằng phẳng và yên bình. Vào những ngày này, Cao Bằng đang chuẩn bị một sự kiện đặc biệt: thị xã sắp được công nhận là thành phố. Người Cao Bằng dường như bận rộn hơn. Những hoa, những băng rôn khẩu hiệu làm cho gương mặt thị xã xưa vốn đã đẹp nay lại càng đẹp hơn. Tôi đã có nhiều dịp lên thăm thị xã Cao Bằng và lần nào tôi cũng bị vẻ đẹp thanh bình, thơ mộng của nó làm cho mê hoặc. Lần này tôi trở lại Cao Bằng theo Đề án 47 để Hướng dẫn chẩn đoán các bệnh tâm thần thường gặp cho anh em tuyến dưới theo tinh thần của Bộ Y tế. Đây là lần đầu tiên tôi tham gia chương trình này nên trong lòng mang nhiều những cảm xúc lẫn lộn. Vui là được mang những hiểu biết của mình để trao đổi, truyền đạt với các đồng nghiệp. Lo là thời gian khá ngắn ngủi, chương trình khá nhiều, anh em tại tỉnh nhà phần lớn chưa học qua chuyên ngành tâm thần tiếp thu hẳn sẽ rất khó khăn.

Đón tiếp chúng tôi là bác sĩ Hưng - Giám đốc Trung tâm phòng chống bệnh xã hội và bác sĩ Hoan - phụ trách mảng sức khỏe tâm thần tỉnh. Các anh cho biết: ở đây, các tuyến đều rất thiếu người phụ trách mảng sức khỏe tâm thần. Lớp tập huấn lần này có 23 học viên thuộc hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn, đa số tuổi đời đã khá cao, người cao tuổi nhất đã 58 tuổi, phần lớn là người dân tộc Tày, trước lại làm nhiều ở các chuyên ngành khác, chỉ có một số rất ít đã được học sơ qua chuyên ngành tâm thần. Ngành y tế của hai tỉnh đã phải động viên mọi người rất nhiều để họ chuyển sang chuyên ngành khó khăn này.

Tâm sự với tôi, y sĩ Hoàng Văn Bình (người Tày) công tác tại Trung tâm y tế Văn Quan - Lạng Sơn cho biết: anh đã làm ngoại khoa nhiều năm tại bệnh viện tuyến huyện, sau do yêu cầu công tác, anh về công tác tại Trung tâm phòng chống bệnh xã hội, nay do thiếu người nên cấp trên trực tiếp giao nhiệm vụ cho anh sang phụ trách mảng tâm thần, một mảng hoàn toàn mới mẻ đối với anh. Anh nói: “Cái tâm thần với mình khó lắm vớ, chẳng biết có học được gì không?”. Y sĩ Nông Văn Chiến công tác tại Trạm y tế Hoà An - Cao Bằng, quê hương của Anh hùng thiếu niên Kim Đồng, năm nay đã 58 tuổi nói vui: “Mình nhiều tuổi rồi, học xong rồi, chưa hiểu được nhiều cái tâm thần là gì có khi đã về hưu”. Còn y sĩ La Thị Niềm công tác tại Trạm y tế Phục Hoà - Cao Bằng, năm nay mới 25 tuổi, người trẻ nhất lớp tập huấn thì mang nỗi băn khoăn khác, chị nói: “Em vừa ra trường, chưa có kinh nghiệm trong ngành y, nay lại chuyển sang học chuyên ngành tâm thần ngay, thời gian học ngắn quá không biết có nắm được gì không?”. Thế nhưng trái với nỗi lo của tôi, khi bước vào chương trình tập huấn, nhìn những đồng nghiệp hai thứ tóc với những đôi mắt chăm chú ngồi nghe giảng, những cái nhíu mày suy nghĩ - một không khí trật tự hiếm thấy ở một số lớp học kiểu phong trào “đánh trống ghi tên, lấy chứng chỉ” mà tôi đã có nhiều dịp được chứng kiến. Sau đó là những câu hỏi, những vướng mắc chuyên môn chuyên ngành của anh em học viên liên tục được gửi lên trao đổi. Không khí của lớp tập huấn thật sôi nổi mà vẫn nghiêm túc. Điều này làm tôi thật sự ngạc nhiên và xúc động.

Thế rồi thấm thoắt những ngày tập huấn nhanh chóng qua đi. Nhìn những mái đầu bạc hì hụi viết bài thu hoạch và rồi những khuôn mặt hồi hộp một thủa học trò đang đợi chờ công bố điểm kiểm tra của mình, khung cảnh đó làm cho tôi cảm thấy nao nao trong lòng.

Chia tay với chén rượu nồng ấm môi, những cái bắt tay thật chặt, những cuộc trao đổi số điện thoại ngắn gọn giữa các đồng nghiệp, thầy và trò, tôi đã cảm nhận được tình người ấm áp nơi đây và tôi hiểu: mình cũng chưa mang được nhiều kiến thức cho các đồng nghiệp, nhưng ít ra chúng tôi đã làm cho họ vững tin hơn trong công việc chuyên môn của mình. Mong được một dịp nào đó chúng tôi lại được mang những hiểu biết nhỏ bé của mình để giúp ích cho các anh các chị, những người đang trực tiếp làm việc để bảo vệ sức khỏe tâm thần cho người dân vùng cao nơi đây.

Cao Bằng, 24/9/2012

BSCKII Nguyễn Hoàng Ðiệp (Bệnh viện Tâm thần Trung ương I)

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-cam-nhan-tu-mot-chuyen-cong-tac-vung-cao-6133.html)

Chủ đề liên quan:

công tác vùng cao

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY