Trên thực địa, “chợ” An Lạc nằm chạy dài trên một phần của 2 tuyến đường Điện Biên Phủ và Ngô Đức Kế, chủ yếu kinh doanh các mặt hàng kim khí điện máy, ốc vít, kìm búa... Mỗi tuyến đường đều có chiều rộng hơn 5,5 mét, chưa tính hai bên vỉa hè. Đi một vòng chợ trở ra rồi mới thấy đường phố đã bị chợ “nuốt” mất, vỉa hè đều bị chiếm dụng để xây dựng các ki ốt, hàng hóa bày bán tràn cả ra lòng đường, chỉ có xe máy và người đi bộ len lỏi vào được.
Theo phản ánh của người dân địa phương, từ năm 2012 đến nay, các chủ kinh doanh (phần lớn sống ở nơi khác) liên tục xây ki ốt sàn bê tông lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, thậm chí nhiều trường hợp còn lấn chiếm cả cổng ra vào nhà của người dân. Hố ga, miệng cống, lỗ thoát nước hai bên đường đều bị lấp kín; dây điện giăng mắc chằng chịt, không theo quy chuẩn nào.
Ông Lâm Tấn Hùng (nhà trên đường Điện Biên Phủ) cho biết: “Nhà tôi có chiều ngang 4 mét nhưng các lô, sạp phía trước chiếm hết 3 mét, họ chỉ chừa lại 1 mét làm lối đi vào. Bà con ở đây đều nơm nớp lo sợ nếu hỏa hoạn xảy ra sẽ không có đường chạy thoát, trong nhà có người bệnh thì xe cứu thương không vào được, mỗi khi trời mưa hay triều cường coi như sống chung với ngập úng. Mình có mà không kinh doanh gì được vì vỉa hè trước cửa bị chiếm dụng hết”.
Còn ông Châu Thiện Hiệp (chủ hộ số 19-21 Điện Biên Phủ) kể, hồi tháng 10.2019, ông muốn cải tạo lại ngôi nhà của mình, mở rộng cổng rào và khôi phục lại lối ra đường nên làm đơn đề nghị UBND P.An Lạc có biện pháp di dời 4 ki ốt kinh doanh phía trước nhưng không được giải quyết tới nơi tới chốn.
“Gia đình tôi sống ở đây từ năm 1940 tới nay, nằm ngay mặt đường vậy mà ngay cả việc ra vào ngôi nhà của mình cũng bất tiện. Không có kế sinh nhai, muốn kinh doanh nhỏ lẻ sống qua ngày cũng bị cản trở. Chúng tôi luôn mong muốn được bảo vệ lợi ích chính đáng là được tự do đi lại, kinh doanh, mua bán hợp pháp”, ông Hiệp bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Phúc Lâm, Phó chủ tịch UBND P.An Lạc, hiện nay khu vực chợ An Lạc có 91 lô, sạp kinh doanh, mua bán; trong đó có 27 lô của người dân tại chỗ (nhà trên 2 tuyến đường Điện Biên Phủ, Ngô Đức Kế), còn lại sống ở nơi khác. “Chợ An Lạc được hình thành tự phát từ những năm 1980 và đây không phải là chợ truyền thống, hiện nay cũng không có ban quản lý chợ. Việc lấy vỉa hè làm nơi kinh doanh rõ ràng là chưa phù hợp với quy định nhưng tất cả các lô, sạp kinh doanh đều đã được cấp giấy phép”, ông Lâm nói.
Ông Mã Khánh Hậu, Phó chủ tịch UBND Q.Ninh Kiều xác nhận tất các các lô, sạp ở chợ An Lạc đều đã được cơ quan chức năng của quận cấp giấy phép kinh doanh. Ông Hậu cũng thừa nhận, các ki ốt được xây dựng trên vỉa hè làm nơi kinh doanh, mua bán là hoàn toàn sai nhưng đây là do... lịch sử để lại.
Căn nhà nơi góc đường Châu Văn Liêm - Điện Biên Phủ bị 11 lô, sạp quây kín, che chắn hết lối đi - Ảnh: Thiện Nguyễn
Tìm hiểu thực tế tại chợ An Lạc, chúng tôi được biết, có trường hợp hộ dân sống trên đường Điện Biên Phủ không hiểu tại sao địa chỉ nhà mình lại có trong giấy phép kinh doanh do cơ quan chức năng Q.Ninh Kiều cấp cho các lô, sạp kinh doanh phía trước. Ông Trịnh Vĩnh Khương có nhà nằm tại góc đường Châu Văn Liêm - Điện Biên Phủ kêu trời: “Vỉa hè nhà tôi phía đường Điện Biên Phủ, ngay cổng chợ có tới 11 lô, sạp quây kín. Ai cũng nghĩ tôi cho thuê lấy tiền nhưng vỉa hè của nhà nước quản lý, tôi lấy tư cách gì mà cho thuê?”.
Qua trình bày của người dân, chúng tôi còn được biết khu vực chợ An Lạc không phải chỉ có 91 lô, sạp kinh doanh, mua bán như thông tin của lãnh đạo phường. Người dân khẳng định, thực tế khu vực chợ này có hơn 150 lô, sạp đang tồn tại trên vỉa hè. Mặc dù được cơ quan thẩm quyền cấp phép kinh doanh, tức được cho thuê hợp pháp nhưng hiện nay tình trạng “sang tay” lại các lô, sạp giữa các tiểu thương diễn ra khá phổ biến.
“Tùy vào vị trí, quy mô mà các lô, sạp đều có giá sang nhượng tương ứng. Thời điểm này, giá sang nhượng mỗi sạp kinh doanh ở vị trí đắc địa không dưới 250 triệu đồng”, một tiểu thương ở chợ An Lạc tiết lộ.
Ông Nguyễn Phúc Lâm, Phó chủ tịch UBND P.An Lạc cho rằng khu vực chợ An Lạc hiện đang tồn tại nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông, không đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ. Không chỉ vậy, mâu thuẫn giữa người có nhà trên các tuyến đường với các chủ lô, sạp kinh doanh trên vỉa hè phía trước cũng đang có dấu hiệu phát sinh, tiềm ẩn nhiều hệ lụy gây mất trật tự xã hội.
“Đối với vấn đề yêu cầu di dời chợ, làm thông thoáng vỉa hè, trong khả năng và phạm vi của mình, phường chỉ có kiến nghị lên trên xem xét, giải quyết. Trước mắt, phường sẽ triển khai các biện pháp để người kinh doanh không cơi nới, lấn chiếm lòng đường và chấp hành nghiêm quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ”, ông Lâm nói.
Ông Mã Khánh Hậu, Phó chủ tịch UBND Q.Ninh Kiều cho biết quận đã có chủ trương di dời chợ An Lạc (và một số chợ tự phát trên địa bàn) nhưng cái khó là hiện nay vẫn chưa tìm được vị trí thích hợp. “Chợ An Lạc tồn tại đã lâu nên không phải nói di dời là di dời ngay được vì sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người. Quận đã có nhiều phương án như thực hiện giãn chợ, bố trí lại các vị trí kinh doanh cho phù hợp. Về lâu dài, chắc chắn chợ tự phát An Lạc sẽ phải di dời để đảm bảo trật tự mỹ quan đôi thị”, ông Hậu giải thích.
Khu vực chợ tự phát An Lạc không chỉ có các tiểu tương lấy vỉa hè làm nơi kinh doanh, mua bán, mà một doanh nghiệp thuộc tổ chức đảng cũng công khai bao chiếm vỉa hè mà không hề bị xử lý. Đó là khách sạn Tây Đô (61 Châu Văn Liêm, P.An Lạc, Q.Ninh Kiều). Đoạn vỉa hè dài khoảng 30 mét trên đường Điện Biên Phủ, nằm ngay cạnh đã được khách sạn này bao chiếm kiên cố.
Sáng 19.3, ông Lương Thái Thành, Giám đốc khách sạn Tây Đô cho biết: “Năm 2018, tôi về nhận nhiệm vụ tại khách sạn nên không nắm rõ bức tường xây bao vỉa vè có từ lúc nào”. Khách sạn Tây Đô trược thuộc Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu Cần Thơ, đơn vị chủ quản là Văn phòng Thành ủy Cần Thơ.
Chủ đề liên quan:
An Lạc cần thơ cấp phép chính quyền Chợ tự phát giấy phép kinh doanh kim khí điện máy lấn chiếm vỉa hè lịch sử nhà mặt tiền