Sau 1 tháng hôn mê sâu, phải thở máy tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, có những lúc tưởng chừng không qua khỏi, song nhờ kỹ thuật cao và sự tận tụy của các y - bác sĩ mà một thầy giáo trẻ quê ở Phú Yên đã qua được cơn nguy kịch, trong sự vui mừng khôn xiết của gia đình.
Thầy giáo trẻ này là T.T.T (39 tuổi) được chuyển cấp cứu từ miền Trung vào TP HCM trong tình trạng suy hô hấp, toàn thân tím tái, co giật liên tục. Trước đó, anh T. có vết thương vùng bàn chân phải do giẫm phải gai nhọn (chỉ là vết xước nhỏ).
Do chủ quan, nghĩ vết thương không có gì nghiêm trọng nên anh T. chỉ rửa sơ vết thương và để cho tự lành. Tuy nhiên, 5 ngày sau, anh T. bị sốt, sưng nề, mưng mủ vùng vết thương, cứng hàm tăng dần. Một tuần sau thì không há được miệng, gồng cứng toàn thân, co giật từng cơn, suy hô hấp, phải nhập viện cấp cứu.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, cho biết uốn ván (còn gọi là phong đòn gánh) là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn uốn ván, có tên khoa học là Clostridium tetani. Nha bào uốn ván ngoài môi trường sẽ xâm nhập cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm bẩn, các vết rách, vết bỏng, một số trường hợp do tiêm chích không an toàn.
Trẻ sơ sinh có thể bị uốn ván sơ sinh do nha bào uốn ván xâm nhập qua dây rốn trong khi sinh đẻ vì cắt rốn bằng dụng cụ bẩn hoặc không được chăm sóc rốn đúng cách. Bệnh thường xảy ra ở trẻ bị đẻ rơi, đẻ tại nhà do "bà đỡ vườn" theo phong tục tập quán còn lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Sau khi nha bào vi khuẩn xâm nhập cơ thể, vi khuẩn sẽ phóng thích các độc tố uốn ván, các độc tố này xâm nhập các sợi trục thần kinh rồi di chuyển ngược dòng từ hệ thần kinh ngoại vi vào trung ương, gây tình trạng tăng trương lực cơ hay co cứng cơ gây đau, thường khởi đầu với cứng cơ nhai, sau đó cứng cơ cổ, lưng, bụng và toàn thân.
Uốn ván có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi nếu chưa được tiêm ngừa uốn ván đầy đủ và không biết cách chăm sóc, xử trí đúng khi có vết thương.
Thời gian gần đây, số ca uốn ván người lớn nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đang có xu hướng gia tăng. Nếu năm 2005 tổng số ca mắc là 176 ca thì đến năm 2015 là 278 ca. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2020, nơi đây đã tiếp nhận 186 ca uốn ván, tăng 21 ca so với cùng kỳ năm 2019 (165 ca).
"Uốn ván là một bệnh có thể phòng ngừa bằng việc tiêm ngừa vắc-xin đầy đủ, trong đó quan trọng nhất là tiêm ngừa chủ động, trước khi bị vết thương. Người dân cần chủ động phòng tránh, vì nếu để mắc bệnh uốn ván thì chi phí điều trị rất cao" - BS Vĩnh Châu khuyến cáo.
Tiêm vắc-xin là giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa những dịch bệnh nguy hiểm
Trong khi ở Tây Nguyên dịch bạch hầu hoành hành thì ở TP HCM cũng đang vào mùa nhiều dịch bệnh nguy hiểm.
ThS-BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2020, số trường hợp bệnh sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng (TCM) hằng tuần luôn thấp hơn khoảng 2/3 so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, trong tuần đầu tháng 7, số người đến khám và nhập viện vì 2 bệnh này đều tăng. Dự đoán mùa cao điểm của SXH và TCM đã quay lại.
Theo BS Lê Hồng Nga, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, trong tuần cuối tháng 6, số phường - xã có trường hợp bệnh SXH là 114 thì sang tuần đầu của tháng 7 con số này là 144, tăng thêm 30 phường xã.
Còn với bệnh TCM, trong tuần cuối tháng 6, số phường - xã có ca TCM là 72 thì sang tuần đầu của tháng 7 con số này là 97, tăng 25 phường - xã. Dự báo 2 bệnh SXH và TCM sẽ tiếp tục tăng trong những tuần sắp tới và đạt đỉnh dịch vào khoảng tháng 10, 11.
Trước nguy cơ bệnh SXH và TCM đang gia tăng, cùng bệnh bạch hầu đang bùng phát ở Tây Nguyên và cả Covid-19, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM đã xây dựng nhiều giải pháp phù hợp trong toàn cảnh dịch bệnh hiện nay và khả thi đối với hệ thống phòng chống dịch bệnh. Cụ thể, giám sát dịch bệnh bằng phần mềm GIS, tổ chức tập huấn cho các đội phản ứng nhanh của TP và quận - huyện nhằm nâng cao khả năng xử lý, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được kích hoạt.
BS Huỳnh Ngọc Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, cho biết bệnh uốn ván tại TP đang có xu hướng gia tăng, hiện tỉ lệ tiêm ngừa uốn ván tại TP chậm 15% so với tiến độ cần đạt (hằng năm trên 95%). Để khắc phục tình trạng này, trung tâm đã và đang tổ chức tiêm bù cho đối tượng chưa được tiêm ngừa đầy đủ vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Bệnh bạch hầu lây truyền trực tiếp từ người này sang người khác qua giọt bắn từ các dịch tiết đường hô hấp hoặc gián tiếp qua đồ chơi, vật dụng có dính dịch tiết của người bệnh. Bệnh có thể để lại các biến chứng nặng nề và lây lan thành dịch. Tiêm ngừa vắc-xin là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh bạch hầu.