Theo Bộ Y tế, đến ngày 7.7 khu vực Tây nguyên ghi nhận 63 ca bạch hầu, tăng thêm 10 ca so với 1 ngày trước đó, tập trung tại 4 tỉnh Đắk Nông (25 ca), Kon Tum (22 ca), Gia Lai (15 ca) và Đắk Lắk (1 ca). Tại các nơi có ổ dịch, tỷ lệ người lành mang bệnh chiếm 47%, là nguồn lây bệnh cho người khác. Hầu hết người mắc trên 7 tuổi, không được tiêm phòng đầy đủ.
GS-TS Nguyễn Thanh Long cho biết, bệnh bạch hầu lây qua đường hô hấp, là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể gây viêm cơ tim, suy tim, ngừng tim, suy thận, suy gan… do độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bộ Y tế đã giao Cục Quản lý khám chữa bệnh thành lập 4 tổ công tác đến 4 tỉnh đang có dịch để hỗ trợ chuyên môn cho y tế cơ sở, phòng chống dịch kịp thời, đồng thời rà soát lại phác đồ điều trị. Bộ Y tế sẽ triển khai diện rộng chiến dịch tiêm chủng tại khu vực Tây nguyên và 2 tỉnh nguy cơ cao là Quảng Ngãi, Quảng Nam để ngăn bệnh lan rộng. Cục Y tế dự phòng phối hợp với chương trình Tiêm chủng mở rộng và các đơn vị liên quan sẽ triển khai ngay chiến dịch tiêm dự phòng bạch hầu trên diện rộng cho tất cả các đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên.
Theo chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Bộ Y tế), trẻ từ 2 đến 4 tháng tuổi vẫn duy trì tiêm vắc xin SSI ''5 trong 1'', có thành phần bạch hầu. Vắc xin này hiện đang được tiêm rộng rãi tại các điểm tiêm chủng thường xuyên tại xã, phường trên cả nước; tiêm nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi, 22 tháng tuổi. Đối với người lớn, sẽ triển khai tiêm vắc xin Td giảm liều (liều chỉ bằng 1/5 liều của trẻ em).
Ngoài vắc xin tiêm chủng thường xuyên được cung ứng hằng năm, khoảng 1,2 triệu liều vắc xin cho trẻ lớn (7 tuổi) trong chiến dịch tiêm chủng được cung ứng đủ.