(HNMO) - Ngày 15-4, theo tin từ Bệnh viện Nhi trung ương, các bác sĩ Đơn vị Bỏng - Khoa Chỉnh hình của bệnh viện vừa tiếp nhận điều trị cho bé M.A (3 tháng tuổi) bị bỏng khoang miệng độ III do người nhà nhỏ nhầm lọ thuốc Acid trichloracetic 80% cho bé uống.
Mẹ bé A chia sẻ, do trong gia đình có người bị mụn cóc nên đã mua thuốc Acid trichloracetic 80% về điều trị. Lọ thuốc này được đặt cạnh các loại thuốc dùng cho bé. Buổi sáng xảy ra sự việc, khi người nhà lấy lọ vitamin D3 để nhỏ cho bé uống, do không để ý nên đã lấy nhầm lọ Acid trichloracetic 80% để ngay bên cạnh.
“Khi nhỏ thuốc vào miệng cho cháu, thấy xuất hiện chất màu trắng mỏng trong khoang miệng. Sau đó, cháu quấy khóc nhiều. Lúc này, gia đình mới phát hiện ra sự nhầm lẫn và đã sơ cứu tại nhà bằng cách lấy khăn thấm nước lau miệng cho con và đưa ngay đến Đơn vị Bỏng - Khoa Chỉnh hình (Bệnh viện Nhi trung ương)”, mẹ bé A kể lại.
Tại đây, bé M.A được chẩn đoán bỏng hóa chất khoang miệng độ III. Bác sĩ chuyên khoa II Phùng Công Sáng, Phó Trưởng khoa Chỉnh hình, phụ trách Đơn vị Bỏng (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, đối với trường hợp này, bỏng hóa chất thường rất nguy hiểm. Rất may, cháu bé uống nhầm lượng nhỏ (theo giọt) nên diện bỏng không lớn. Do đó, sau một thời gian điều trị tích cực, sức khỏe bé ổn định và đã được xuất viện.
“Đối với những trường hợp bỏng acid qua đường miệng, nếu nặng thì để lại những di chứng nặng nề do sẹo hẹp đường tiêu hóa, hô hấp trên. Chưa kể, những biến chứng nặng nề do loét đường tiêu hóa, loét thủng mạch máu thực quản có thể nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ”, bác sĩ Phùng Công Sáng lưu ý.
Thời gian qua, tại bệnh viện nhi trung ương đã tiếp nhận các trường hợp trẻ ngộ độc do uống nhầm hóa chất đựng vào các chai nước lọc, nước ngọt hoặc cha mẹ nhỏ nhầm acid, cồn 90 độ vào mũi, miệng trẻ…; trong đó, không ít ca rơi vào tình trạng cấp cứu nguy kịch tính mạng.
Theo bác sĩ Phùng Công Sáng, ngay khi phát hiện trẻ uống nhầm chất gây bỏng, cha mẹ cần bình tĩnh, có thể sơ cứu ban đầu bằng cách rửa vùng xung quanh miệng của trẻ bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý. Nếu trẻ đủ lớn, có thể cho súc miệng bằng nước mát rồi nhổ đi giúp hòa loãng hóa chất. Sau đó, nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để các bác sĩ kịp thời can thiệp. Trong quá trình đưa trẻ đến bệnh viện vẫn nên tiếp tục rửa nước hoặc súc miệng bằng nước.
Để phòng tránh hậu quả của việc uống nhầm hóa chất và hạn chế những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra, bác sĩ khuyến cáo, không để chung thuốc uống với những thuốc khử khuẩn, dùng ngoài. Các hóa chất sử dụng trong gia đình cần được để tại những nơi kín đáo, tránh xa tầm với của trẻ em. Không nên đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống như: Lavie, trà C2… nhằm tránh các nhầm lẫn có thể xảy ra.
Khi trông trẻ, người lớn cần có sự giám sát chặt chẽ, thường xuyên. Đối với những trẻ đã nhận thức được, cha mẹ cần trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ bản thân. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ cũng nên học kỹ thuật sơ cứu với một số tai nạn thương tích thường gặp để có thể sơ cứu ban đầu đúng cách.