Chuyện lạ hôm nay

Cầu lửa chói xanh đi kèm tiếng nổ siêu thanh thắp sáng trời Mỹ

Hàng trăm người Mỹ chứng kiến sao băng vọt qua bầu trời, tạo thành cầu lửa xanh lá cây rực sáng chói mắt, giải phóng năng lượng tương đương 10 tấn Thu*c nổ TNT và phát ra tiếng nổ siêu thanh.
Sao băng cháy sáng màu xanh lá cây lao nhanh qua bầu trời ở phía bắc bang Milwaukee rạng sáng hôm qua. Những mẩu vụn của nó nhiều khả năng rơi xuống hồ Michigan, theo Live Science.

Thiên thạch rơi bốc cháy trên bầu trời ở độ cao khoảng 16 - 32 km, cách Chicago 160 km về phía bắc, theo Hiệp hội Khí tượng học Mỹ (AMS). Hơn 220 người gửi báo cáo đến AMS xác nhận trông thấy quả cầu lửa vào khoảng 1h25 sáng, theo trang Facebook NASA Meteor Watch.

Phần lớn báo cáo đến từ người dân sinh sống ở Chicago và Milwaukee, nhưng báo cáo cũng đến từ các nhân chứng tại bang Michigan, Indiana, Iowa, New York, Kentucky, Minnesota và Ontario, AMS cho biết. Ít nhất hàng chục video về cầu lửa lao qua bầu trời được chia sẻ trên mạng hoặc gửi đến AMS, theo Mike Hankey, quản lý điều hành AMS.

Một video về cầu lửa được Jim Dexter ở Sở cảnh sát Lisle tại Lisle, Illinois, ghi lại. Dexter trông thấy luồng sáng chói lao vọt qua bầu trời và nhanh chóng bật camera trên bảng điều khiển xe ôtô lên để quay hình. Video khác quay lại cảnh tượng cầu lửa rơi ngang qua được ghi từ camera trên nóc tòa nhà của khoa Khí quyển, Đại dương và Khoa học vũ trụ thuộc Đại học Wisconsin-Madison. Nhiều video cho thấy sao băng này đặc biệt sáng.

"Camera ở khu vực chỉ ra sao băng xuất hiện ở độ cao 100 km bên trên West Bend, Wisconsin và di chuyển về hướng đông bắc với tốc độ khoảng 61.155 km/h. Nó vỡ vụn thành nhiều mảnh nhỏ ở 34 km phía trên hồ Michigan, cách thị trấn Newton 14 km về phía đông", NASA Meteor Watch cho biết.

Ngôi sao băng cũng tạo ra tiếng nổ siêu thanh, sinh ra khi một vật thể di chuyển nhanh hơn sóng âm trong khí quyển Trái Đất. Theo Hankey, những ngôi sao băng chỉ tạo ra tiếng nổ siêu thanh khi chúng còn nguyên vẹn đủ lâu để lao xuống độ cao tương đối thấp, nơi khí quyển Trái Đất đủ dày đặc. Phần lớn sao băng bốc cháy thành cầu lửa không sản sinh tiếng nổ siêu thanh. Chúng thường cháy rụi hoặc tan vỡ thành nhiều mảnh nhỏ trước khi đạt tới độ cao thấp.

tiếng nổ siêu thanh sinh ra bởi cầu lửa được một trạm hạ âm ở Manitoba, Canada thu lại từ khoảng cách 965 km. NASA Meteor Watch suy đoán vụ nổ của sao băng giải phóng năng lượng tương ứng với 10 tấn Thu*c nổ TNT.

Tất cả thông tin giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về hình dáng của thiên thạch trước khi nó tiếp xúc với bầu khí quyển. Đây chắc chắn là mảnh vụn của tiểu hành tinh nặng ít nhất 272 kg và có đường kính 0,6 mét. Hankey nhận xét ước tính này khá khiêm tốn so với kích thước thực sự của thiên thạch.

Dựa vào dữ liệu radar, các nhà khoa học xác định những mẩu vụn của sao băng đáp xuống mặt đất. Tuy nhiên, một số mẩu có thể rơi xuống hồ Michigan và không thể thu thập cho nghiên cứu. Thiên thạch đủ lớn để lưu lại mảnh vụn trên mặt đất chỉ bay qua Mỹ khoảng 3 - 4 lần mỗi năm.

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/cau-lua-choi-xanh-di-kem-tieng-no-sieu-thanh-thap-sang-troi-my-3537238.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY