Tâm sự hôm nay

Chị ong thợ say nghề

Không giấu nổi niềm xúc động khi kể về lúc được nhận giải thưởng “Tỏa sáng Blouse trắng”. Trong số ấy, có nữ hộ lý - chị ong thợ Nguyễn Thị Hồi
Không có những nghiên cứu khoa học, những phát minh, sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị lớn; không trực tiếp cứu chữa bệnh nhân... hộ lý có lẽ là người ít được biết đến nhất. Thế nhưng với đôi tay miệt mài và đôi chân không biết mỏi, hộ lý đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc làm xanh-sạch-đẹp bệnh viện và chăm sóc cho bệnh nhân. Với một công việc nhọc nhằn như thế này, chỉ những người thật sự yêu nghề mới có thể gắn bó và tận tâm với nghề được.

Tôi đến Trung tâm Y tế Liên Chiểu (Đà Nẵng) vào một đêm mưa. Hỏi thăm về một hộ lý “vừa nổi tiếng” ở đây, chị điều dưỡng tươi cười lắc đầu: “Thật là giờ này khó mà biết cô ấy đang ở khoa nào chị ơi. Cô chăm chỉ như con ong, lau với dọn miết”. Vị bác sĩ đứng bên chen vào: “Em thử xuống Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn xem sao. Có khi giờ này chị ấy sắp tái chế ra cái gì đó rồi cũng nên”. Quả đúng như lời của người bác sĩ, khi tôi xuống tới khoa, chị đang sửa lại cây chổi gãy cán và cười mãn nguyện khi nó hoàn thành như ý. Chưa kịp giới thiệu, đã thấy chị tất tả đi về hướng Khoa Nội. Ở buồng bệnh số 3, mấy bệnh nhân đang tỏ vẻ khó chịu phía bên ngoài. Bên trong, một cụ bà đang loay hoay không biết làm thế nào vì đã lỡ đi vệ sinh không đúng chỗ. Vừa làm vệ sinh, thay đồ cho cụ, chị vừa nhẹ nhàng dặn dò người bệnh mấy điều rồi vội vàng dọn dẹp để mọi người được vào nghỉ ngơi. Nhìn chị làm việc, tôi cứ nghĩ đến hình ảnh con ong thợ say nghề. Hộ lý Nguyễn Thị Hồi - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Trung tâm Y tế Liên Chiểu chính là nhân vật “vừa nổi tiếng” được nhiều người trong trung tâm nhắc đến và dành nhiều lời khen ngợi.

Suýt bỏ nghề vì “sợ”

Vừa chà mấy vết máu bẩn từ áo quần của một ca phẫu thuật, chị vừa tranh thủ kể chuyện. Trong câu chuyện với tôi, chị kể rằng, chị bén duyên với nghề hộ lý từ lúc lên 9 tuổi. Lúc ấy là thời chiến tranh loạn lạc, ba mất sớm, mẹ phải đi phụ thêm việc dọn dẹp cho người ta. Thương mẹ và các em, chị cũng theo mẹ đi phụ quét dọn. Tuy còn nhỏ nhưng chị làm rất khéo và chăm chỉ. Năm 14 tuổi, không may mẹ bị tâm thần, chị lại phải đi ở đợ cho nhà người ta, kiếm tiền nuôi mẹ và em. Cuối cùng, sau bao nhiêu công việc, chị chọn cho mình nghề hộ lý hết sức vất vả mà đồng lương lại chẳng đáng là bao.

Bước chân vào nghề, chị hầu như không gặp trở ngại nào bởi việc lau chùi, giặt giũ đến chăm sóc người khác vốn đã quen từ nhỏ. Ở vùng đất Liên Chiểu những năm trước, tình hình an ninh trật tự khá phức tạp, nhiều vụ đánh nhau gây thương tích nặng cũng thường xảy ra. Có khi người bị nạn được đưa vào bệnh viện cấp cứu mà nhóm côn đồ còn đuổi theo và đòi dọa đánh cả y, bác sĩ. Thế nhưng đó chưa đáng ngại bằng công việc lau dọn nhà xác, tiếp xúc với những ca mổ khám nghiệm tử thi. Lần đầu tiên chị thấy xác tử thi tại bệnh viện là vào một đêm khuya. Lần ấy, một em học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi đi học về muộn bị xe cán Tu vong, thân hình không còn nguyên vẹn. Chị đã run bắn lên khi tháo đồ trang sức của cô gái để giao lại cho gia đình. Sau khi việc khám nghiệm tử thi kết thúc, mọi người đã ra về hết, chị phải một mình lau dọn nhà xác. Trong bóng đêm tĩnh mịch, một chiếc lá rơi, một tiếng động nhẹ cũng khiến chị giật mình, tâm trạng hết sức bất an. Chị cười nhẹ: “Hồi đó mới vào nghề, sợ lắm. Bệnh nhân còn ít, các khoa phòng lại ở xa, cứ đêm đến ai ở phòng nấy, mình vừa làm vừa lo”. Thế rồi ý định nghỉ việc xuất hiện trong đầu chị những lúc bản thân không chiến thắng được nỗi sợ hãi. Nhưng rồi chị lại nghĩ, mình đang làm cái điều nên làm, mình không làm hại ai thì chẳng có ai lại đi làm hại mình. Riết rồi cũng thành quen. Việc thường xuyên tiếp xúc với những ca mổ tử thi thâu đêm suốt sáng, một mình lau dọn nhà xác chị đều làm không một chút nề hà, kêu than. Mới đây, một người đàn ông ở phường Hòa Minh, Liên Chiểu, trong lúc nằm ngủ đã Tu vong không rõ nguyên nhân cũng được đưa tới trung tâm để khám nghiệm pháp y. Giữa trưa, trời nắng như đổ lửa, sau khi hoàn tất nhiệm vụ, mọi người vội vã chạy đi chỗ khác tránh nóng và tránh cái mùi hôi tanh từ máu và tử thi. Trong căn phòng bừa bộn mũ áo và các vật dụng khác, chị một mình lau dọn sạch sẽ chờ người nhà đến nhận xác. Giờ đây đối với chị, thi thể của người quá cố đều như đang nằm ngủ và chị đã quên đi cảm giác sợ hãi của những ngày đầu. Những ngày mưa gió hay ngày rằm, chị đều ra nhà đại thể thắp nén nhang cho linh hồn người ch*t bớt lạnh lẽo. Phía ngoài, chị trồng hoa mười giờ, một loại hoa có sức sống mạnh mẽ, khiến cho nhà đại thể bớt đi cảm giác đau thương.

Ong thợ say nghề

13 năm công tác tại trung tâm là chừng ấy thời gian hộ lý Nguyễn Thị Hồi lặng thầm cống hiến, miệt mài làm việc quên cả thời gian. Với chị, làm thì phải làm cho hết việc chứ không chỉ làm cho hết giờ. Với công việc hộ lý, nhiều khi làm hoài không hết nên không ít lần chị ước ao thời gian kéo dài thêm.

Một ngày của chị Hồi thường bắt đầu từ lúc 4 giờ 30 sáng và kết thúc vào lúc 21 giờ đêm. Sau khi chuẩn bị bữa ăn sáng cho gia đình, chị lại tất bật thu xếp để đến cơ quan trước 6 giờ rưỡi. Công việc chính của chị là làm sạch đẹp khoa phòng, bệnh viện, cung cấp đồ vải sạch và phụ giúp việc chăm sóc bệnh nhân. Bệnh nhân thì đông, hộ lý lại ít nên công việc của các chị nhiều hơn bình thường. Là tổ trưởng tổ hộ lý, chị luôn dặn mình phải gương mẫu đi đầu, luôn nhận phần việc nhiều hơn mọi người. Người ta luôn thấy chị tất bật với việc lau chùi bệnh viện, giặt giũ phơi phóng, giúp đỡ bệnh nhân khi họ cần. Miệng nói tay làm, ít khi thấy chị đứng yên một chỗ. Có lẽ cuộc sống khó khăn đã rèn cho chị đức tính chịu thương chịu khó, hay lam hay làm và thương người. Nhiều bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân không có người nhà chăm sóc thường xuyên, chuyện vệ sinh bừa bãi xảy ra như cơm bữa. Những lúc như vậy, chị lại nhanh nhẹn lau dọn, nhẹ nhàng dặn dò, nhắc nhở bệnh nhân chứ không hề la mắng hay mặt nặng mày nhẹ. Theo chị, người ta ai cũng có lúc gặp phải hoạn nạn ốm đau, hoàn cảnh mỗi người lại mỗi khác, nếu không thấu hiểu và thông cảm thì sẽ khó mà chăm sóc được người bệnh chu đáo. Cũng bởi vì vậy mà đã có rất nhiều người sau khi ra viện đã quay lại chỉ để nói một lời cảm ơn với chị. Bà Lê Thị Bé, một bệnh nhân trong lúc ngồi chờ đến lượt khám của mình kể lại: “Hồi trước cô bị bệnh nặng, con cái lại bận bịu. Nhiều lúc ở một mình, cô Hồi cũng đến thăm, chuyện trò, có khi đút cháo hay làm vệ sinh cho cô, như người thân trong nhà”. Rồi bà Bé nói nhỏ: “Thấy cô ấy nhiệt tình và tốt với mình, bữa trước có việc cô cũng tới cảm ơn, đưa cho cô Hồi chút quà mà cô ấy nhất quyết không nhận”. Không chỉ bệnh nhân mà nhiều lời khen của người nhà bệnh nhân hay của chính anh chị em trung tâm cũng dành cho chị trong suốt quá trình làm việc. Đó cũng chính là động lực lớn để chị tiếp tục làm việc và cống hiến hết mình vì bệnh nhân và sự phát triển của bệnh viện.

Các đồng nghiệp hộ lý không ai không cảm phục sức làm việc của chị, cụ thể là ca trực ngày 30 Tết vừa rồi. Chồng chị sức khỏe yếu, không giúp được nhiều cho chị trong gánh nặng gia đình. Ấy vậy mà trong dịp Tết, chị còn nhận phần trực cả ngày cả đêm 30 thay cho chị em để chị em yên tâm lo cho gia đình. Hôm đó, chị dậy sớm hơn thường lệ nửa tiếng lo việc gia đình, sau đó lên bệnh viện lo phần việc thường ngày. Hoàn tất công việc, chị lại tranh thủ ra chợ lo mâm cơm cúng tất niên của bệnh viện. Tất bật cả ngày, chưa nghỉ ngơi được bao lâu thì đêm đó bệnh viện tiếp nhận 1 ca sinh, 3 ca phẫu thuật. Một mình chị phải làm việc cật lực, không một phút nghỉ ngơi, hết lau dọn lại giặt giũ cẩn thận, sạch sẽ đến từng viên gạch, bộ đồ. Khi mọi việc xong xuôi cũng là lúc đồng hồ điểm tới con số 8 của ngày hôm sau. Chị về nhà trong niềm phấn khởi vì đã hoàn thành phần việc của mình, người trực sau không phải làm hộ. Chị nhớ lại “có những hôm nhận trực đêm một mình, trên thì sinh, dưới phẫu thuật, ngoài cấp cứu, nhi đại tiện, thật là điện thoại reo không biết chạy nơi nào trước, nơi nào sau”.

Không chỉ thân thiện, nhiệt tình, chu đáo, hộ lý Nguyễn Thị Hồi còn là một người luôn có trách nhiệm trong công việc. Chị bảo, không chỉ y bác sĩ mới cần cẩn thận, trách nhiệm mà trong công việc của người hộ lý cũng phải hết sức cẩn thận, tỉ mỉ. Phòng ốc, quần áo mà không được khử khuẩn kỹ càng thì khó mà tránh khỏi lây bệnh từ người này sang người khác. Như thế là trái với lương tâm và trách nhiệm của người làm công tác y tế.

Đối với lãnh đạo và tập thể cán bộ nhân viên tại Trung tâm Y tế Liên Chiểu, hộ lý Hồi không chỉ là người thật thà, chất phác, siêng năng, là cá nhân tiêu biểu về tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân mà còn là tấm gương tiêu biểu về tinh thần tiết kiệm và giàu lòng nhân ái. Cũng có lẽ từ khó khăn, trong khó khăn mà chị hiểu hết được giá trị của công sức lao động và thương yêu người khác. Ít khi những vật dụng người ta bỏ đi hay bị hư hỏng mà chị chịu vứt đi. Tranh thủ thời gian rỗi, chị lại hì hụi với việc tái chế các vật dụng cũ, hỏng, từ sửa chữa cái chổi gãy cán, đôi dép đứt quai đến tận dụng bao bì cho công tác vệ sinh hay tiết kiệm những mảnh vải lau chùi hàng ngày. Tuy là những việc làm nhỏ nhưng đã giúp trung tâm tiết kiệm được một khoản chi phí trong mua sắm vật dụng hàng ngày. Chị cũng thường gom góp đồ cũ từ các anh chị em trong trung tâm đến hàng xóm láng giềng để giúp cho những bệnh nhân khó khăn khi họ cần và phần lớn là chị nhờ người em trai chuyển lên huyện miền núi Tây Giang, Quảng Nam để giúp bà con đồng bào dân tộc. Chị tâm sự, nhiều khi nhìn lên không bằng ai nhưng nhìn xuống có nhiều người còn vất vả hơn mình. Còn giúp đỡ được ai, còn tiết kiệm được khoản nào là chị còn cố gắng.

Sẽ còn làm việc hết mình

Một đồng nghiệp của chị Hồi cho biết: “Còn ít năm nữa là về hưu nhưng chị Hồi vẫn còn hăng hái lắm, ai cũng thương”. Không nhờ được nhiều từ chồng, một vai gánh cả gia đình, chị phải tranh thủ đi giúp việc nhà cho người ta để kiếm thêm tiền lo cho gia đình. Khi tôi hỏi có lúc nào chị nghĩ mình làm việc quá sức, chị khẳng định rằng do mình hoàn toàn tự nguyện chứ chẳng ai bắt ép: “Được làm việc, tôi thấy mình sống có ích hơn”. Điều ước giản đơn của chị lúc này chỉ là “mong trời thương, cho sức khỏe để được tiếp tục làm việc”.

Nói về chị, bác sĩ Lê Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Y tế Liên Chiểu chia sẻ: “Chị Hồi đã thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế. Là tấm gương tiêu biểu, là người hộ lý thật thà, chất phác, siêng năng”. Còn đối với chị Trần Thị Ánh Nguyệt, Trưởng phòng Điều dưỡng của trung tâm, thì chị Hồi là người có trách nhiệm, chu đáo, chăm sóc bệnh nhân nhiệt tình. Cần cù, chịu khó, không quản ngại ngày hay đêm. Sự quan tâm, ghi nhận của lãnh đạo trung tâm, của những người đồng nghiệp và của cả bệnh nhân và người nhà có lẽ đã tiếp thêm sức mạnh cho chị, giúp chị hoàn thành công việc của mình.

Trong câu chuyện giữa đêm khuya, đã có lúc chị giấu vội mấy giọt nước mắt khi nói về cuộc đời mình nhưng rồi lại không giấu nổi niềm xúc động khi kể về lúc được nhận giải thưởng “Tỏa sáng Blouse trắng” mà Ủy ban Nhân dân thành phố vừa trao tặng nhân dịp Kỷ niệm Ngày thầy Thu*c Việt Nam năm nay. 11 năm liền được lãnh đạo Sở Y tế trao tặng danh hiệu lao động tiên tiến nhưng chưa bao giờ chị nghĩ có một ngày mình được bước lên bục nhận giải thưởng với nhiều y, bác sĩ khác. Với chị, làm việc hết mình không phải để được khen mà là để thấy mình sống có ích. Thế nhưng, phần thưởng bất ngờ mà chị nhận được khiến không chỉ chị mà còn rất nhiều hộ lý khác tự hào khi họ biết những công việc lặng thầm của mình được ghi nhận. Hình ảnh của bệnh viện có được nâng lên, hoạt động khám chữa bệnh có được nâng lên cũng là có phần đóng góp rất lớn của đội ngũ hộ lý. Trong số ấy, có nữ hộ lý - chị ong thợ Nguyễn Thị Hồi.

Bài, ảnh: Phan Yên

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-chi-ong-tho-say-nghe-8501.html)

Chủ đề liên quan:

ong thợ say nghề

Tin cùng nội dung

  • (MangYTe) Nhà văn, nhà báo, nhà sưu tập Trần Thanh Phương - nguyên là phóng viên báo Nhân Dân, Phó tổng biên tập báo Đại Đoàn kết vừa trút hơi thở cuối cùng vào ngày 7/2. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, người có hơn nửa thế kỷ gắn bó với ông, đã kể lại nhiều kỉ niệm về cây bút tài hoa ấy.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY