Nội dung này được Bộ Y tế đề cập trong công điện ngày 19/9 gửi Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 các tỉnh thành. Như vậy, chỉ trong 4 ngày, Bộ Y tế phát đi hai công điện liên quan công tác xét nghiệm và phòng chống dịch khi thực hiện giãn cách xã hội. Về chiến lược xét nghiệm khi các địa phương thực hiện "bình thường mới", Bộ Y tế chưa hướng dẫn.
Trong công điện lần này, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh thành triển khai theo hướng dẫn hôm 15/9 về xét nghiệm và một số biện pháp phòng chống dịch khi giãn cách xã hội, đặc biệt tập trung làm tại những nơi nguy cơ cao và rất cao. Tại những địa bàn nguy cơ (vùng vàng) và bình thường mới (vùng xanh), thực hiện xét nghiệm với nhóm, địa điểm nguy cơ để kịp thời điều chỉnh phù hợp biện pháp phòng chống dịch.
Điểm khác là, Bộ Y tế cho rằng, các địa phương sẽ căn cứ vào kết quả thực hiện, để quyết định việc nới lỏng giãn cách xã hội theo nguyên tắc "thực hiện có lộ trình và hạ dần cấp độ nguy cơ từng bước, chắc chắn".
Lấy mẫu xét nghiệm covid-19 tại hà nội. ảnh: giang huy
Bốn ngày trước, công điện 1409 của Bộ Y tế nhấn mạnh "thần tốc xét nghiệm là then chốt", quan trọng nhằm sớm kiểm soát dịch. Do đó, Bộ đề nghị triển khai những hành động mạnh mẽ hơn, huy động các lực lượng y tế tại chỗ của địa phương hoặc điều phối nhân sự từ những vùng bình thường sang hỗ trợ vùng nguy cơ.
Theo đó, đối với các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (vùng đỏ, vùng cam), địa phương phải xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày, ưu tiên sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để phát hiện F0 nhằm cách ly nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời. Các đơn vị có thể kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm RT-PCR. Các địa bàn còn lại thực hiện xét nghiệm 5-7 ngày/lần, gộp mẫu theo điều kiện thực tiễn, theo hộ gia đình, phòng ở và các hộ liền kề.
Hiện, Hà Nội bắt đầu thu hẹp quy mô xét nghiệm, khi yêu cầu các quận huyện khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm những người có triệu chứng nhiễm Covid-19 như ho, sốt, rát họng, mệt mỏi... Như vậy, thành phố đã thay đổi chiến lược, từ xét nghiệm diện rộng chuyển sang xét nghiệm theo diện nguy cơ.
Ông Trương Quang Việt, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC), cho biết thời gian tới việc xét nghiệm trên địa bàn sẽ thay đổi theo hướng thu hẹp quy mô, lấy mẫu những người có yếu tố dịch tễ, khu phong tỏa, khu vực nguy cơ cao; không thực hiện xét nghiệm diện rộng như thời gian qua. Đến nay, thành phố đã cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh nên thay đổi quy mô xét nghiệm cho phù hợp với tình hình thực tế.
TP HCM cũng đưa ra kế hoạch xét nghiệm tới ngày 30/9. Theo đó, cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu theo nguyên tắc "trọng tâm, trọng điểm" nhằm sớm phát hiện ca Covid-19, thu hẹp "vùng đỏ" mở rộng "vùng xanh". Các "vùng đỏ, cam" sẽ lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân 3 lần trong 7 ngày theo hộ gia đình với phương pháp test nhanh mẫu gộp hoặc RT-PCR mẫu gộp.
Tại các vùng vàng (nguy cơ),vùng xanh và cận xanh (ít nguy cơ), làm xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp đại diện hộ gia đình, gộp 10 cho vùng xanh, vùng cận xanh và gộp 5 cho vùng vàng. Trong đó, mẫu đại diện đợt sau phải khác với mẫu đại diện ở đợt trước, ưu tiên chọn người chưa tiêm vaccine, người tiếp xúc nhiều người khác.
Tại cuộc gặp lãnh đạo TP HCM hôm 17/9, nhiều chuyên gia đề nghị thành phố không nên tiếp tục xét nghiệm diện rộng, truy vết vì rất tốn kém, mà phải chuyển sang lấy mẫu người nguy cơ cao, triệu chứng. Tuy nhiên, hiện thành phố vẫn bám sát theo các chỉ đạo của Bộ Y tế.