Liliana Silva đã không nghĩ rằng cả gia đình cô bị nhiễm Covid-19. Khi anh trai của cô từ Đức về thăm gia đình ở Chile, không ai lo lắng gì bởi vì anh ấy đã hoàn thành đợt cách ly bắt buộc 10 ngày ở Santiago và không có biểu hiện gì của Covid-19.
Tuy nhiên, chưa đầy một tuần sau, cha mẹ, ba cô con gái và một người cô của Liliana đã bị nhiễm biến thể Delta. Cô và chồng cô cũng không ngoại lệ. Ngay sau đó, họ cũng cảm thấy không được khỏe. Gần như tất cả mọi người đều có các triệu chứng nhẹ, kéo dài từ 2 đến 4 ngày - ngoại trừ bố và các em của cô.
"Cha tôi bị bệnh bạch cầu mãn tính; ông ấy bị viêm phổi, mất nước và phải nhập viện. Nếu ông ấy không tiêm phòng, thì ông ấy đã 'ra đi' rồi", Liliana nói.
Tuy nhiên, các con của cô còn quá nhỏ để được tiêm phòng và đã bị nhiễm bệnh nặng. "Các con gái của tôi bị sốt cao, ho, nôn nhiều và đau đầu dữ dội. Tôi ước gì chúng đã được tiêm phòng; tôi luôn lo sợ cho chúng", cô nói.
Kể từ khi Chile bắt đầu chiến dịch tiêm chủng phòng Covid-19, vào tháng 2 vừa qua, nước này đã được quốc tế ca ngợi vì chiến dịch đã thành công và suôn sẻ. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế, gần 87% người Chile đủ điều kiện đã được tiêm chủng đầy đủ.
Với số liệu đó, quốc gia Nam Mỹ này đã được xếp là một trong số các quốc gia có tỷ lệ người dân được tiêm chủng cao nhất. Theo tổ chức Y tế liên châu Mỹ, Chile cũng trở nên rất nổi bật so với các quốc gia của Châu Mỹ Latinh và Caribe, nơi mà 75% tổng dân số khu vực vẫn chưa được tiêm chủng đầy đủ tính đến ngày 1/9.
Tỷ lệ tiêm chủng cao đã làm giảm tỷ lệ lây nhiễm bệnh, nhưng Chile không hề có kế hoạch cắt giảm các biện pháp phòng ngừa, hoặc giảm bớt tỉ lệ tiêm chủng. Tuần trước, chính phủ thông báo Chile sẽ trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới chấp thuận việc tiêm vắc xin CoronaVac cho trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 11. Quá trình tiêm chủng sẽ được bắt đầu vào thứ Hai.
Tiến sĩ Lorena Tapia, bác sĩ nhi và nhà truyền nhiễm từ Đại học Chile và là thành viên của ủy ban cố vấn về vắc xin của Bộ Khoa học cho biết: "Như mọi người đã biết, ở các quốc gia khác nơi hầu hết dân số trưởng thành đã được tiêm chủng, virus corona đã bắt đầu "tấn công" vào những người dễ bị tổn thương hơn và trẻ em đã bị nhiễm bệnh nhiều hơn, và điều này đang xảy ra ở Hoa Kỳ. Do vậy, chúng ta phải tiến hành việc tiêm chủng cho những thế hệ nhỏ tuổi nhất".
Có nhiều yếu tố khác nhau để giải thích về tỷ lệ tiêm chủng thành công của Chile. Các nhà chức trách đã bắt đầu lập kế hoạch ứng phó với đại dịch từ rất sớm. Vào tháng 5 năm 2020, hai tháng sau khi quốc gia này báo cáo về các trường hợp Covid-19 đầu tiên, Bộ Khoa học đã bắt đầu đàm phán để ký hợp đồng với các phòng thí nghiệm khác nhau - Pfizer, AstraZeneca, Sinovac (công ty sản xuất Coronavac)... để đảm bảo việc mua các vắc xin cho tất cả người dân Chile.
Đồng thời, Bộ này cũng đã làm việc để cộng đồng khoa học địa phương tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn 3, điều này sẽ giúp quốc gia Nam Mỹ này nhận được sự ưu tiên trong việc cung cấp vắc xin. Và cuối cùng, các giao dịch thương mại đã được ký kết ngay lập tức.
Bộ trưởng Bộ Khoa học Andrés Couve cho biết: "Ngay từ đầu, chiến dịch của chúng tôi đã dựa trên những lợi thế của việc có được danh mục vắc xin đa dạng. Điều đó cho phép chúng tôi không phụ thuộc vào sự sẵn có của một nhà cung cấp duy nhất, trong khi nhu cầu sử dụng vắc-xin chống Covid-19 của toàn cầu đang rất cao".
Kết hợp với một hệ thống tiêm chủng mở rộng được tổ chức quy mô nhất trong lịch sử với 1400 địa điểm tiêm chủng mới và hệ thống lập lịch trình dễ dàng truy cập cho các nhóm đủ điều kiện, đã cho phép chiến dịch tiêm chủng của đất nước này tiến triển thuận lợi mà không bị gián đoạn.
Chile là quốc gia có dân số nhỏ. Cho đến nay Chile đã nhận được 36 triệu liều vắc-xin dành cho dân số 19 triệu người, đủ để bắt đầu tiến hành các mũi tiêm nhắc lại. Cứ mỗi tuần, một nhóm người mới đủ điều kiện sẽ được tiêm tăng cường – và trong tuần này, quốc gia này sẽ tiêm tăng cường cho những người từ 55 tuổi trở lên.
Eduardo Undurraga, cựu nhà nghiên cứu tại CDC Hoa Kỳ và hiện là giáo sư tại Đại học Católica de Chile, cho biết: "Việc tiêm chủng ở Chile diễn ra rất dễ dàng và mọi người đều rất có trách nhiệm".
Undurraga là thành viên của nhóm nghiên cứu đánh giá hiệu quả của vắc-xin SARS-CoV-2 bất hoạt CoronaVac, dựa trên số lượng khoảng 10 triệu người ở Chile. Nghiên cứu được ủy quyền bởi Bộ Y tế của nước này sau khi có sự nghi ngờ của cộng đồng quốc tế về hiệu quả của công thức sản xuất Sinovac, vốn là thành phần chính trong chiến dịch tiêm chủng của Chile.
Kết quả được công bố vào đầu tháng 7 đã làm yên lòng người dân: nghiên cứu cho thấy hiệu quả của nó là khoảng 66% đối với việc ngăn ngừa nhiễm Covid-19 và khoảng 90% đối với việc giảm tỉ lệ bệnh nhân nhập viện, phải điều trị tại ICU và Tu vong. Tuy nhiên, cuộc điều tra này đã được tiến hành trước khi xuất hiện trường hợp người Chile đầu tiên bị nhiễm biến thể Delta vào cuối tháng Sáu.
Trong khi số các ca nhiễm Covid-19 đang tăng trở lại ở Trung Mỹ và Caribe, thì trong tuần qua, Chile đã đạt tỷ lệ nhiễm và số ca nhiễm thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2020.
Tỷ lệ số ca test dương tính đã ổn định ở mức dưới 1%, điều này khiến chính phủ dần dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa... phần nào. Chẳng hạn, lệnh giới nghiêm 10 giờ tối đã được áp dụng kể từ năm ngoái, nay đã chuyển sang 12 giờ sáng - đủ để cho phép một số người Chile cảm thấy cuối cùng họ cũng được tự do trở lại.
Tuy nhiên, các nhà miễn dịch học và dịch tễ học nhấn mạnh vẫn rất cần phải cảnh giác. Họ đặc biệt quan tâm đến biến thể Delta đã "hoành hành" ở nhiều quốc gia trong vài tháng nay.
Từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 7, Chile trải qua một đợt Covid-19 khủng khiếp, với số ca nhiễm mới hàng ngày lên đến 9.000 ca. Vào thời điểm đó, việc tiêm chủng mới bắt đầu, và độ bao phủ quá thấp nên không có tác dụng. Tuy nhiên, người Chile đã cảm thấy an toàn hơn và ngừng tuân theo một số biện pháp tự bảo vệ bản thân. Các chuyên gia cũng cho rằng sự gia tăng đột biến của các ca nhiễm Covid-19 là do khách du lịch.
Kể từ đó, chiến dịch tiêm chủng rộng rãi đã đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn một đợt bùng phát mới, tuy nhiên, điều đó là chưa đủ.
Đó là lý do tại sao chính phủ chưa bao giờ dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng ngừa. Việc đeo khẩu trang vẫn được thực thi, cũng như áp dụng giãn cách xã hội ở những nơi công cộng và trường học. Biên giới chưa được mở hoàn toàn trở lại và khách du lịch vẫn phải tuân thủ những hạn chế đáng kể.
Những động thái đó đã cho phép người Chile vẫn đang kiểm soát được sự lây lan của biến thể Delta cho đến tận bây giờ. Nhưng với Covid-19, không có gì là chắc chắn cả.
Tiến sĩ Alexis Kalergis, Giám đốc Viện Miễn dịch và Liệu pháp Miễn dịch Thiên niên kỷ ở Santiago cho biết: "Chúng tôi không thể nói rằng nó đang trong tầm kiểm soát. Đại dịch vẫn chưa kết thúc và nếu chúng ta không cẩn thận, chúng ta có thể sẽ có một đợt bùng phát mới bất cứ lúc nào. Mặc dù việc giảm tỷ lệ nhiễm bệnh đơn thuần là do chiến dịch tiêm chủng, tuy nhiên việc mở rộng tiêm chủng hơn nữa vẫn là cách tốt nhất để tránh sự xuất hiện và lây lan của các chủng mới".
Trong bối cảnh hiện nay, tiêm phòng cho trẻ em dường như là bước đi tự nhiên tiếp theo để Chile duy trì những thành công của mình. Khi số ca nhập viện của trẻ em tăng đột biến ở một số quốc gia, bao gồm cả Mỹ, Chile đang "chạy đua" để thoát khỏi tình huống đó.
Tiến sĩ Catterina Ferreccio, một nhà dịch tễ học của Ủy ban Cố vấn Covid-19 thuộc Bộ Y tế Chile, giải thích: Ở giai đoạn này của đại dịch, trẻ em có khả năng mắc Covid-19, điều này rất nguy hiểm đối với chính những đứa trẻ và đối với cả cộng đồng. Có thể vào một lúc nào đó, một biến thể mới sẽ đánh bại khả năng miễn dịch tự nhiên của chúng.
Tiến sĩ nhi khoa Lorena Tapia cũng chia sẻ về mối quan tâm đó. Bà chỉ ra rằng ở quốc gia này có 52% trẻ em trong độ tuổi đi học bị thừa cân hoặc béo phì, điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh nặng và thậm chí Tu vong do Covid-19. Ngoài ra còn có một số lượng đáng kể trẻ em mắc các bệnh về đường hô hấp.
Thứ Hai tuần trước, Ferreccio đã tham gia một cuộc họp của Ủy ban cố vấn Covid-19 để đánh giá việc phê duyệt vắc xin CoronaVac cho trẻ em từ 6 đến 11 tuổi. Bà nói rằng quyết định được đưa ra dựa trên các dữ liệu đáng tin cậy và dựa trên kinh nghiệm lâu năm của Chile với loại vắc xin này.
Bà nói: "Đây là một nền tảng vắc xin nổi tiếng chứ chúng tôi không thử nghiệm. Nó rất an toàn và chúng tôi thấy rằng khi trẻ em được bảo vệ, tất cả chúng ta cũng đều được bảo vệ để chống lại các chủng mới. Bên cạnh đó, việc đưa trẻ em trở lại trường học là một biện pháp sức khỏe cộng đồng quan trọng".
Theo CNN