Chuyện lạ hôm nay

Chim cánh cụt cổ đại khổng lồ cao 1,5 mét

Tổ tiên của chim cánh cụt với chiều cao như con người từng sinh sống trên Trái Đất ít nhất 30 triệu năm.
Các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Senckenberg, Frankfurt, Đức, và cộng sự tại New Zealand tiến hành nghiên cứu hóa thạch chim cánh cụt lớn nhất và cổ nhất thế giới được phát hiện tại sông Waipara, New Zealand, theo Business Insider. Đây là một con chim cánh cụt khổng lồ cao 1,5 m, sống ở thế địa chất Paleocen cách đây 61 triệu năm.

Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science of Nature hôm 23/2, hóa thạch chim cánh cụt mới có sự khác biệt đáng kể so với các hóa thạch khác cùng độ tuổi. Điều này nghĩa là những con chim cánh cụt thời kỳ đầu khá đa dạng và tiến hóa từ rất sớm.

Một số phân dích di truyền học chỉ ra rằng, những con chim cánh cụt ngày nay thuộc họ Spheniscidae tiến hóa từ chim không biết bay, sống cách đây khoảng 40 đến 100 triệu năm. Tổ tiên sớm nhất của chúng có thể là những con chim có khả năng bay, sống trong kỷ Phấn trắng cách đây 60 đến 65 triệu năm.

"Dựa theo xương chân của hóa thạch, chúng tôi nhận thấy loài chim cánh cụt mới này lớn hơn đáng kể so với họ hàng của chúng sống trong cùng thời kỳ", Gerald Mayr, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Theo Mayr, chim cánh cụt đạt đến kích thước khổng lồ khá sớm trong quá trình tiến hóa. Quá trình gia tăng kích thước dường như bắt đầu ngay sau khi chúng trở nên mất khả năng bay. Trái Đất trở thành nơi sinh sống của nhiều loài chim cánh cụt khổng lồ trong khoảng 30 triệu năm, từ giữa thế Paleocen tới giai đoạn Oligocene muộn.

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/chim-canh-cut-co-dai-khong-lo-cao-1-5-met-3550342.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY