“Đây có phải vấn đề báo động không? Bộ Giáo dục và Đào tạo trách nhiệm ra làm sao cũng như các địa phương phải có biện pháp như thế nào, các đoàn thể, các cơ quan có chức năng trách nhiệm như thế nào trong vấn đề bạo lực học đường?”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng, lo tập trung phát triển kinh tế, tăng trưởng kinh tế, nhưng không thể bỏ quên những vấn đề xã hội bức bối. “Những vấn đề xã hội nổi cộm như vậy khiến chúng ta phải suy nghĩ chứ không chỉ kinh tế, mặc dù tăng trưởng kinh tế là vô cùng quan trọng”, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ cùng bàn, thống nhất quan điểm chỉ đạo, triển khai.
Vụ học sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị nhóm bạn đánh đập dã man không phải là hiếm. Thỉnh thoảng trên mạng xã hội lại có những clip học sinh đánh nhau chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ. Các vụ việc trên khiến xã hội bức xúc. Nhà trường là nơi truyền dạy kiến thức và rèn giũa đạo đức cho học sinh. Vậy mà những chuyện bạo lực giữa các học sinh vẫn xảy ra liên tiếp. Các vụ việc lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực học đường đang diễn ra ngày càng manh động.
TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, chuyên gia nghiên cứu về giới tính, T*nh d*c cho biết, bà cảm thấy sợ khi đọc được những thông tin như trường hợp bạo hành ở Hưng Yên. Đáng nói là vụ việc bạo hành này không chỉ xảy ra 1 lần. Khi cô giáo và các bạn cùng lớp biết, không lên tiếng và có những hành động ngăn chặn ngay sự việc dẫn tới hậu quả đau lòng như sự việc xảy ra hôm 22/3 vừa qua. Dư luận lo ngại là các vụ bắt nạt, bạo lực ở trường học xảy ra khá nhiều. Tuy nhiên, vấn đề này dường như chưa được quan tâm và xử lý. Những hiện tượng như thế này cần phải được ngăn chặn ngay từ đầu. Tuy nhiên, nhiều trường học không sẵn sàng và chưa chú ý đến tình trạng bạo lực ở học đường. Khi có bạo lực xảy ra mới phát hiện rồi tìm cách xử lý từng vụ việc với các biện pháp như kỷ luật hay phạt. Như trường hợp ở Hưng Yên vừa qua, mặc dù tỉnh Hưng Yên đã đề nghị xem xét vấn đề hạnh kiểm của các học sinh tham gia đánh bạn và hạnh kiểm các học sinh chứng kiến bạo hành nhưng không can ngăn, quay clip, nhưng dường như điều này chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề. Điều này cho thấy ngành giáo dục còn quá nhiều lỗ hổng. Bạo lực học đường đã xảy ra nhiều năm nhưng không có một động thái gì để giải quyết một cách có hệ thống.
Về vấn đề giải quyết bạo lực học đường, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, cần xử lý ở mức cao nhất có thể đối với giáo viên, những người làm việc trong nhà trường có hành vi xâm hại trẻ em. Người quản lý cơ sở giáo dục, kể cả mầm non, nếu để xảy ra vi phạm cũng phải chịu trách nhiệm.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đến nay, có nhiều văn bản được ban hành về vấn đề này như Nghị định 80/2017/NĐ-CP về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường, hay Thủ tướng có Quyết định 1299/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an và các bộ, ngành đã ban hành 11 thông tư liên quan về vấn đề này. Theo Bộ trưởng, việc tổ chức thực hiện các văn bản này chưa nghiêm. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng bạo lực học đường, trong đó có nguyên nhân về nhận thức, cần xử lý nghiêm để răn đe, lập lại kỷ cương. Gần đây, Bộ đã ban hành chỉ thị, theo đó, nếu giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo thì sẽ đưa ra khỏi ngành. Sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với một số bộ, ngành thành lập tổ công tác liên ngành để kiểm tra và xây dựng các chương trình về tâm lý học đường cho các em, có các hoạt động để hóa giải các bức xúc, những vấn đề về đạo đức nhà giáo...
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã có chương trình hành động cụ thể để thực hiện Nghị định 80 của Chính phủ, theo đó, chính quyền địa phương các cấp cũng cần cụ thể hóa thành các nhiệm vụ chi tiết. Tuy nhiên, một số địa phương chưa sâu sát vấn đề này. Điều này cho thấy, công tác giáo dục văn hóa, phòng chống bạo lực học đường cần sự phối hợp và hành động quyết liệt giữa gia đình, nhà trường và xã hội thì mới hiệu quả.