Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Chống giặc Covid-19: Cần những người lãnh đạo bản lĩnh, nhìn từ cách làm quyết liệt của TP. Hà Nội

Bài 3: Những chiến sỹ áo xanh trên mặt trận truyền thông phòng chống dịch COVID-19

Triển khai bài bản, đồng bộ các giải pháp 

Xác định rõ vai trò, vị thế Thủ đô của cả nước, Hà Nội là trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa -xã hội, lượng dân cư và du khách đông đúc, do đó nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao hơn nhiều so với những địa phương khác.

Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài tham gia phòng chống dịch Covid-19 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, trực tiếp là đồng chí Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố đã có nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. 

Theo đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố đã kí ban hành Chỉ thị 05/CT-UBND ngày 31/3/2020 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và hàng loạt văn bản chỉ đạo bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh.

Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã liên tục đưa ra những chỉ đạo quyết liệt, chủ động đi trước đón đầu nhằm kiểm soát chặt chẽ các ca nhiễm bệnh và các ổ dịch phát sinh đồng thời ngăn chặn, phòng ngừa, giữ vững "cửa an toàn" cho mọi gia đình, mọi công dân trên phạm vi toàn thành phố. 

Một bên là "chống", một bên là "phòng", chiến tuyến nào cũng cho thấy sự bao quát, sự tận tâm, sự nỗ lực cao nhất của hệ thống chính quyền thành phố và các lực lượng chức năng để bảo vệ nhân dân, đẩy lùi Covid-19.

Giao những thủ lĩnh chống "giặc" dám chịu trách nhiệm trước nhân dân

Nhìn vào lượng thông tin hàng ngày chúng ta có thể thấy rõ Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung được giao như là một thủ lĩnh mặt trận chống giặc Covid-19 của Thủ đô, với các cuộc họp hàng ngày triển khai các biện pháp chống dịch Covid-19, cùng các chỉ đạo quyết liệt cho thấy sự xông pha chống giặc Covid-19 của người tướng cầm quân.

Từng nhiều năm là cảnh sát hình sự rồi Giám đốc Công an thành phố Hà Nội,  với kinh nghiệm dày dạn của một vị Tướng Công an, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã sớm nhận định được tình hình để từ đó có các giải pháp theo sát từng dấu chân của "giặc" Covid-19: "Nếu không nghĩ đến thì sẽ không dự báo đúng, từ đó sẽ sai đường, sai phương pháp. Mà sai sẽ phải trả giá bằng sinh mạng của người dân". 

Lời tuyên bố của ông Nguyễn Đức Chung khi chỉ đạo chống dịch Covid-19 của thành phố Hà Nội đã truyền niềm tin tưởng sâu sắc đến nhân dân, tạo nên sức mạnh đoàn kết, chung sức, đồng lòng, tạo ra thứ "vacxin" quan trọng nhất trong thời điểm này trước kẻ thù vô hình mà có sức tàn phá khủng khiếp là virus SARS-CoV-2. Chỉ qua 2 tháng phòng chống dịch, người ta đã được nhìn thấy một vị tướng "hiểu được suy nghĩ, nhận định tình hình để đi trước một bước, bản lĩnh để đưa ra quyết định trong thời khắc quan trọng và dám làm, dám chịu trách nhiệm". 

Ngay từ thời điểm biết tin ca bệnh đầu tiên (BN17), dù đã chuẩn bị bước sang ngày mới nhưng trực tiếp Bí thư Thành ủy và Chủ tịch thành phố Hà Nội đã tiến hành họp khẩn trong đêm để đưa ra các phương án ứng phó kịp thời. Các biện pháp phong tỏa, ngăn ngừa dịch bệnh lập tức được triển khai tại khu vực nhà của bệnh nhân tại khu phố Trúc Bạch, quận Ba Đình. Việc truy xuất các đối tượng liên quan từng có tiếp xúc gần cũng được triển khai nhanh chóng và thông tin được công khai rộng rãi trên tới người dân, tin đồn thất thiệt được xử lí triệt để. Nhờ đó, chỉ sau vài giờ đồng hồ, tình hình Hà Nội đã nhanh chóng ổn định, thế chủ động được giữ vững và duy trì liên tục, bền vững.  

Hay như đối với "ổ dịch" Bệnh viện Bạch Mai, chúng ta có thể thấy được ông Nguyễn Đức Chung đã sáng suốt nhận định được tình hình từ rất sớm để đưa ra các biện pháp ngay sau khi phát hiện 2 ca mắc Covid-19 là nữ điều dưỡng tại đây. Người đứng đầu chính quyền Hà Nội đã sớm cảnh báo điều này đến lãnh đạo Bộ Y tế và Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và chủ động có các chỉ đạo để bảo vệ người dân thành phố, tuyệt đối không để dịch có cơ hội bùng phát.

Những biện pháp tức thời đối với ca bệnh đầu tiên (BN17) và cảnh báo sớm ổ dịch Bạch Mai cũng là mấu chốt để ngay hôm sau các địa phương truy lùng các bệnh nhân F1, F2 từ các ổ dịch này, đây là điều kiện tiên quyết để ngăn ngừa dịch lây lan.

Cùng với đó, sự quyết liệt cũng được ông Nguyễn Đức Chung thể hiện thông qua đề xuất được chủ động công bố ca bệnh nhằm giúp Hà Nội sớm triển khai được các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Sau này, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã phải thấy hợp lý và đề nghị Ban Chỉ đạo trung ương cho phép Hà Nội và các địa phương được công bố ca bệnh.   

Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận một khó khăn trong cuộc chiến chống Covid-19 chính là tâm lí chủ quan của một bộ phận người dân. Ngay tại thời điểm một số chỉ đạo của Chủ tịch Hà Nội được đưa ra như: "Đề nghị người dân không ra đường từ ngày 31/3 nếu không có việc cần thiết" trong cuộc họp Ban Chỉ đạo ngày 18/3; "Hà Nội sẽ xử phạt người dân ra đường nếu không có lý do cần thiết" trong cuộc họp Ban chỉ đạo ngày 3/4, còn có ý kiến băn khoăn, chưa hiểu.

Tuy vậy, cho đến tận thời điểm này, khi chứng kiến những diễn biến mới của dịch bệnh trên toàn cầu và trong nước, người dân thủ đô mới thấu hiểu những chỉ đạo của người đứng đầu chính quyền Hà Nội là hoàn toàn kịp thời, cần thiết, có tính dự báo, đi trước một bước để ngăn chặn những tình huống xấu không có cơ hội xảy ra, để không ai phải nói câu "giá mà", không ai phải nuối tiếc vì những việc đã có thể làm tốt hơn, toàn xã hội không phải gồng mình giải quyết những việc "đã rồi". 

Thay vì không khí hoảng loạn, thậm chí là tang thương đang phủ bóng đen lên nhiều nước trên thế giới, kể cả những quốc gia hùng mạnh nhất, chúng ta thật may mắn vì vẫn được bình an dưới mỗi mái nhà, được ở nhà trong trạng thái "An toàn và hạnh phúc". Thậm chí, chính trong những ngày này, nhờ có những con người tài giỏi, đầy nhiệt huyết và quyết tâm ở tuyến đầu chống dịch, mỗi người dân được có những khoảng thời gian trở về với nhiều giá trị căn bản, cốt lõi của cuộc sống. 

Bởi vậy, có thể nói, những chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của thành phố là những chỉ đạo đầy bản lĩnh và quý giá vì đã chớp được thời cơ vàng, khai thác hiệu quả những thời điểm nhạy cảm trong diễn biến dịch bệnh để hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực. Xứng đáng vị thế là Thành phố đi đầu của cả nước.

Ngày hôm qua (9/4), dịch Covid-19 tại Việt Nam được nhận định đã bước sang giai đoạn 3 và có sự lây lan ra cộng đồng. Thế nhưng, nhờ sự vào cuộc từ rất sớm, quyết liệt của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, người dân đã nhận được một tin rất vui: "ổ dịch" tại Bệnh viện Bạch Mai cơ bản được kiểm soát. 

Còn quá sớm để nói trước điều gì về cuộc chiến chống dịch Covid-19, tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một chiến thắng gần nhất khi liên tục trong những buổi sáng gần đây, Việt Nam không công bố ca mắc mới, số ca được chữa khỏi đã gần đuổi kịp số ca mắc./.

Theo Bảo Trân (To quoc.vn)

Mạng Y Tế
Nguồn: Công luận (https://congluan.vn/chong-giac-covid-19-can-nhung-nguoi-lanh-dao-ban-linh-nhin-tu-cach-lam-quyet-liet-cua-tp-ha-noi-post76436.html)

Tin cùng nội dung

  • Mangyte -Toàn bộ các hộ dân tổ 14 cụm 3 Tứ Liên - Tây Hồ Hà Nội lâm vào tình cảnh mất nước sạch hơn 1 tháng nay. Một số gia đình đã phải sơ tán đến nhà người thân, còn lại, những hộ dân tại đây san sẻ nhau nước giếng vàng khè của một hộ gia đình trong khu.
  • Tại các điểm quán giải khát vỉa hè, hàng loạt các loại nước giải khát tự chế, tự gắn mác đủ hương vị, màu sắc được bán tràn lan với giá cực... rẻ.
  • Cùng là những ngày nóng nực nhưng ở Hà Nội và Sài Gòn có rất nhiều điểm khác biệt thú vị.
  • Chủ tịch thành phố yêu cầu dừng việc chặt hạ thay thế cây xanh trên một số tuyến phố để rà soát, phân loại, đưa ra các tiêu chí cụ thể.
  • Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, việc thông tin không đầy đủ khiến người dân hiểu thành phố có một đề án, một chiến dịch chặt hạ hơn 6.700 cây xanh. Đây cũng hoàn toàn không phải là vụ đấu thầu, đấu đá, chặt hạ cây để kiếm chác hay có nhóm lợi ích nào trong đó.
  • Ngoài 4 tuyến phố hiến máu đã có, thành phố Hà Nội sắp có thêm một tuyến phố hiến máu nữa ở Thụy Khuê, quận Tây Hồ.
  • Chào Mangyte. Xin vui lòng có thể cho tôi một vài địa chỉ phòng khám và số điện thoại liên lạc của những bác sĩ trên địa bàn Hà Nội chuyên về Nhi khoa được không ạ? Xin cảm ơn Mangyte rất nhiều ạ. (Minh Hòa - Long Biên - Hà Nội),
  • Chào Mangyte, Mình ở Thanh Hóa, bố mình bị sỏi mật có chỉ định phải mổ, mình muốn hỏi bệnh viện nào ở khu vực miền Bắc là tốt nhất? chi phí bao nhiêu? Rất mong Mangyte trả lời giúp mình. Cảm ơn. (Cao Thi Tuyen - Thanh Hóa)
  • Thấy chiếc taxi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, một chiến sỹ công an phường đứng trước đầu xe đã bị chiếc xe này hất lên nắp capo, chạy một đoạn dài trên phố.
  • Đỗ 2 trường Đại học, một trường Thủ khoa, 1 trường Á khoa, nhưng Trần Văn Cường (THPT Trần Phú - Hà Tĩnh) buồn lo nhiều hơn vui sướng, em còn không dám chắc liệu mình có thể đi học hay không vì gia cảnh quá khốn khó, éo le.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY