Huế vẫn nổi tiếng với những cơn mưa dai dẳng vào những ngày đông và trở thành một thứ “đặc sản” riêng có. Thế nhưng, điều kỳ lạ mùa đông năm nay, Thừa Thiên - Huế đang rơi vào tình cảnh thiếu nước sản xuất nông nghiệp nghiêm trọng, khiến người nông dân ngày đêm mất ăn mất ngủ.
Sự dị thường của thời tiết năm nay thể hiện qua lượng mưa trung bình từ đầu năm đến nay ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế thấp kỷ lục so với nhiều năm qua khiến các hồ thủy lợi, thủy điện thiếu nước nghiêm trọng. Theo Đài Khí tượng thủy văn Thừa Thiên-Huế, lượng mưa ở địa phương rất thấp, chỉ đạt 60-70% trung bình cả năm.
Đến những ngày cuối tháng 12/2019, dù đang là thời điểm cuối Đông nhưng mực nước ở các hồ thủy lợi, thủy điện biến động không nhiều so với mùa hè vừa qua khi tổng dung tích hữu ích của các hồ thủy lợi, thủy điện chỉ đạt 49,63%.
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế, vụ Đông Xuân 2019-2020 tại các địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ bị thiếu hụt nước tưới vào cuối vụ và có khả năng kéo dài đến vụ Hè Thu 2020 khi dự báo lượng mưa trong 3 tháng đầu năm 2020 sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm 30% và nắng nóng xuất hiện cục bộ.
Ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, vụ Đông Xuân 2019-2020, toàn tỉnh đưa vào gieo cấy 28.667ha lúa và 3.591ha rau màu các loại. Với tình hình khô hạn diễn ra như hiện nay thì dự báo sẽ có 2.192ha bị thiếu nước, phải chuyển đổi 491ha cây trồng phù hợp.
Trước diễn biến bất thường của thời tiết, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp với các sở ban ngành, huyện thị để bàn và khẩn cấp triển khai các giải pháp chống hạn. Theo ông Thọ, năm 2020, lần đầu tiên địa phương phải vận hành liên hồ chứa trong mùa khô. Đầu tháng 11 vừa qua, ngay cao điểm mùa lũ mà UBND tỉnh đã phải ban hành chỉ thị tăng cường chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, yêu cầu thủy lợi phải tiết kiệm nước. Trước mắt, tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ tiền điện và dầu cũng như sửa chữa công trình thủy lợi để đảm bảo nguồn nước với kinh phí 76,3 tỷ đồng.