Kinh tế xã hội hôm nay

Chùm ảnh: Khi bãi tập kết rác ven sông Hồng trở thành 16 tác phẩm nghệ thuật đương đại

Bãi tập kết rác ven sông Hồng, thuộc phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, dần được hồi sinh nhờ 16 tác phẩm nghệ thuật đương đại đến từ 16 nghệ sĩ trong và ngoài nước.

Con đường ven sông Hồng thuộc phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vốn là nơi tập kết rác thải. Mùi xú uế bốc lên, từng xe rác nằm ngổn ngang, khiến mảnh đất xưa kia được biết đến là bãi bến thuyền lớn dưới chân cầu Long Biên, trông không khác gì một bãi rác. Nhận đề bài của UBND quận Hoàn Kiếm về việc "biến khu bãi rác thành điểm đến nghệ thuật" thuộc dự án "Cải tạo bờ bên lở sông Hồng", nhóm 16 nghệ sĩ cả trong và ngoài nước, đã thức tỉnh không gian sống thực sự của bà con. Trong ảnh là tác phẩm "Thuyền" của nghệ sĩ Vũ Xuân Đông làm từ 10.000 chai nhựa, tạo thành 4 chiếc thuyền buồm gợi nhớ hình ảnh trên bến dưới thuyền tấp nập ở bãi sông Hồng cách đây hơn 100 năm.

Tác phẩm "Thành phố ven sông" của nhà điêu khắc Nguyễn Ngọc Lâm được dựng lên từ những thùng phuy cũ.

Trong từng "căn nhà", người nghệ sĩ lắp đặt những bóng đèn nhiều màu sắc khác nhau. Tất cả sẽ sáng rực mỗi tối, tạo nên ảo ảnh về đời sống hiện đại.

Nhà thiết kế Tây Ban Nha Diego Cortiza đã thu gom những chiếc bu gà ở chợ Long Biên để sơn màu và biến chúng thành những chiếc lồng đèn soi chiếu hình ảnh con rồng đang uốn lượn.

Hình ảnh cầu Long Biên được ghép từ những mảnh gương vỡ trên tường.

Những bức tranh đương đại cũng được đưa vào tô vẽ cho bức tường dài 500 mét.

Tác phẩm "Bức tường danh vọng" của hoạ sĩ Trần Hậu Yên Thế - Giảng viên trường Mỹ Thuật Việt Nam.

Em Hà Thị Khánh Vân (9 tuổi, áo trắng) cùng bạn vui đùa dưới chân những tác phẩm. Vân nói, trước khi có những công trình nghệ thuật này, xung quanh xóm em sinh sống chỉ toàn là rác. Từ ngày có những bức tranh, con đường nhỏ trong ngõ trở nên sinh động và cuốn hút hơn. "Khi mọi người chuẩn bị vứt rác, em sẽ nhắc nhở đừng vứt rác vào đây nữa. Người ta đã mất công vẽ rồi". Vân chia sẻ.

Tác phẩm "Phù sa" của hoạ sĩ Nguyễn Đức Phương được dựng lên từ các mảnh sành thu lượm từ dưới đáy sông và màu tự nhiên từ đất phù sa sông Hồng kết hợp bụi đô thị để tái hiện lại nền móng của 1 ngôi chùa thế kỷ 16 đã bị biến mất.

Tác phẩm "Thánh gióng đương đại" của nghệ sĩ người Mỹ gốc Việt Nguyễn Ưu Đàm.

Tác phẩm lấy cảm hứng từ hình ảnh những "Thánh Gióng" nam, nữ của Việt Nam thời nay. Hai hiệp sĩ đi xe máy (ngựa sắt) dùng vũ khí tiêu diệt 2 con mãng xà tạo từ khí thải của chính 2 con ngựa sắt của họ (và chúng ta), nhắc nhở về lối sống xanh, hạn chế phát thải từ các phương tiện giao thông.

Phần dưới của tác phẩm là băng ghế được thiết kế như một phòng trưng bày luân phiên, đồng thời là chỗ nghỉ chân cho khách tham quan và người dân địa phương. Lấy cảm hứng từ băng ghế xi măng cũ của người dân ở đây, được thiết kế bằng inox và kính cường lực, là sự tiếp nối của quá khứ vào tương lai, một bảo tàng của các bộ phận "ngựa sắt" cũ đã và đang tạo ra những con mãng xà ô nhiễm ở trên.

Thông điệp sống xanh trong tác phẩm của một nghệ sĩ Goerge Burchett mang tên “Voi”, “Sống xanh”, được làm bằng thép không gỉ phun sơn, gửi gắm tới mọi người thông điệp “Làm cho Hà Nội sạch và xanh”, con người sống hoà mình cùng thiên nhiên.

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, từ sắt phế thải và inox gương, mang đến tác phẩm sắp đặt cho thấy hình ảnh của những gánh hàng rong, những người lao động ở bến sông Hồng, cùng với 2 bức phù điêu với tổng chiều dài 6 m phục dựng lại bức Ngư nghiệp và nông nghiệp. Tác phẩm sắp đặt của anh giống như cuộc đối thoại về ngữ cảnh cuộc sống, những di sản nghệ thuật từng tồn tại và bị biến đổi theo thời gian.

Em Minh (11 tuổi) cùng đám bạn vui đùa bên cạnh các tác phẩm.

Để góp phần bảo vệ môi trường, các băng rôn khẩu hiệu "Cùng giữ vệ sinh chung nhé" được dựng lên nhắc nhở người dân.

Tác phẩm chiếc thuyền chống lũ dài 7 mét, được ghép từ 5.000 mảnh gương, của nghệ sĩ Cấn Văn Ân phản chiếu cầu Long Biên.

Chia sẻ thêm với chúng tôi, hoạ sĩ Trần Hậu Yên Thế cho biết, dự án được bắt đầu từ tháng 6 - tháng 7 năm ngoái, khi giám tuyển - nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn bắt đầu khảo sát địa điểm. Quá trình làm việc chính thức được khởi động từ đầu tháng 1/ 2020, gặp nhiều khó khăn vì mưa kéo dài.

"Dự án này ghi nhận nỗ lực của quận Hoàn Kiếm, cũng như của thành phố, khi muốn đối xử, hay nói chính xác hơn là tìm lại nhận thức của người dân đối với Hà Nội. Tôi cảm giác như Hà Nội của chúng ta đang co mình lại, quay mình với những dòng sông. Bởi xưa kia, sông Hồng tạo ra 1 cảnh quan quá đẹp. Rõ ràng chúng ta đã quên nó quá lâu.

Trong suốt thời gian làm việc, chúng tôi được lắng nghe và hiểu hơn tâm tư, nguyện vọng của bà con, đặc biệt là ước ao của những đứa trẻ. Họ mong mỏi, nói chính xác hơn là khắc khoải để biến nơi đây thành điểm đến vô cùng thú vị và sạch sẽ.

Chúng tôi mong muốn thông qua dự án có thể tạo ra cảm hứng cho người dân, khích lệ họ cải thiện chất lượng cuộc sống: sống xanh - sạch - đẹp".

Theo Trí Thức Trẻ

Mạng Y Tế
Nguồn: Kenh14 (http://kenh14.vn/chum-anh-khi-bai-tap-ket-rac-ven-song-hong-tro-thanh-16-tac-pham-nghe-thuat-duong-dai-2020021722201023.chn#mingid_comments_content)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY