Chúng tôi là các bác sĩ, là nhân viên y tế luôn thấm nhuần đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, luôn mong muốn mang lại sức khỏe và niềm vui sống cho mọi người. Nhưng, chúng tôi không phải thiên thần để có thể làm những điều kỳ diệu bởi nhiều căn bệnh cho đến ngày nay y học vẫn chưa giải quyết được...
Trong những năm còn là sinh viên Trường Y, tôi được học một người thầy là một chuyên gia về nội khoa. Trong một buổi giảng lâm sàng cho sinh viên, người được phân công trình bày bệnh án đã không trình bày kỹ về lâm sàng mà lại tập trung vào các xét nghiệm.
Thầy nổi giận và nói: “Ông trời cho chúng ta đôi mắt, hai tai, hai bàn tay, tại sao chúng ta không sử dụng để khám người bệnh kỹ càng hơn, tại sao lại phụ thuộc vào các xét nghiệm nhiều đến thế?”. Ngày nay, lời dạy của thầy càng cần phải suy nghĩ nhiều hơn khi người bệnh đến khám đã không được khám kỹ càng, cẩn thận mà thường được cho rất nhiều loại xét nghiệm, có xét nghiệm cần thiết cho chẩn đoán nhưng cũng không ít xét nghiệm để tăng thu nhập cho cơ sở y tế.
Điều này không thể chấp nhận được, nhiều người bệnh rất nghèo, họ phải vay mượn tiền, bán thóc gạo để có chút tiền đi khám bệnh. Nếu chúng ta, các nhân viên ngành y mà hiểu được tình cảnh của người bệnh, chúng ta sẽ thận trọng hơn khi chỉ định các xét nghiệm. Tuy nhiên, cũng có một số người bệnh lại rất thích được xét nghiệm, cứ đến bệnh viện là muốn bác sĩ cho xét nghiệm, được giải thích mà họ vẫn không thấy yên tâm. Chắc có nhiều người không hài lòng, có thể họ lại đi khám nơi khác để được xét nghiệm.
Người bệnh bây giờ tự do hơn, có thể đi khám ở bất cứ nơi nào, kể cả đi nước ngoài (mà không cần thiết vì y tế Việt Nam có thể giải quyết được). Điều đó thật đáng tiếc, vì chúng ta đã chi một khoản tiền lớn trong khi chúng ta có thể tiết kiệm hơn mà vẫn đảm bảo được điều trị tốt. Tôi cũng có mấy bệnh nhân đã điều trị bệnh da ở một nước trong khu vực mà không khỏi, họ trở về nước và đến khám chữa ở chỗ tôi, điều trị không phức tạp, chi phí thì quá thấp so với điều trị ở nước ngoài mà bệnh lại khỏi. Hiện nay, tôi vẫn có liên lạc với những bệnh nhân này.
Đó cũng là nhờ y tế Việt Nam đã hội nhập quốc tế, các bác sĩ của chúng ta có kiến thức chuyên môn tốt, có kinh nghiệm lâm sàng và cập nhật được các kiến thức mới. Hằng năm, chúng tôi được đi dự các hội nghị, hội thảo chuyên ngành khu vực hoặc quốc tế. Những hội nghị đó đã giúp nhiều cho chúng tôi về chuyên môn. Mặc dù chúng tôi biết khả năng của mình còn hạn chế, nhưng chúng tôi có thể trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp nước ngoài mà không phải ngại ngùng như trước đây.
Đôi khi có đoàn chuyên gia nước ngoài sang trao đổi chuyên môn, họ rất ngạc nhiên khi chúng tôi hiểu biết về bệnh với những kiến thức mới. Chắc hẳn trong đầu họ vẫn nghĩ đến Việt Nam với những gì đã được nghe trên phương tiện thông tin của họ về một đất nước chiến tranh, bom đạn và nghèo đói, lạc hậu. Chúng ta có quyền tự hào về điều đó nhưng cũng phải hiểu được rằng chúng ta còn phải cố gắng thật nhiều để không bị lạc hậu về mọi phương diện.
Chúng tôi là các bác sĩ, là nhân viên y tế, chúng tôi luôn thấm nhuần đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, luôn mong muốn mang lại sức khỏe và niềm vui sống cho mọi người. Nhưng, chúng tôi không phải
thiên thần để có thể làm những điều kỳ diệu bởi nhiều căn bệnh cho đến ngày nay y học vẫn chưa giải quyết được. Đức Phật Tổ Như Lai đã nói: “Tài sản lớn nhất của đời người là sức khỏe”. Mỗi người hãy biết cách chăm lo sức khỏe cho mình, đừng để đến khi bị bệnh mới đến thầy Thu*c.
TS.BS.TTƯT. Nguyễn Duy Hưng
(BV Da liễu TW)