Đại dịch Covid-19 đã giáng đòn mạnh vào hoạt động kinh tế thế giới, đẩy nhu cầu năng lượng đi xuống. Giá dầu giảm là hệ quả từ việc nhu cầu năng lượng giảm mạnh và tình trạng dư cung trên thị trường toàn cầu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, giá dầu WTI hợp đồng tương lai tháng 5, đáo hạn vào ngày 21/4 trên sàn Nymex đã giảm 55,90 USD (tương đương 306%) còn -37,63 USD/thùng. Đây là phiên giảm mạnh kỷ lục kể từ khi bắt đầu ghi nhận số liệu vào năm 1983, và hợp đồng này cũng ghi nhận mức đóng cửa thấp kỷ lục.
Theo chuyên gia PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cần nhìn nhận vấn đề giá dầu thô xuống mức dưới 0 USD/thùng có cả hai mặt tích cực và tiêu cực, tuy nhiên tiêu cực nhiều hơn, đặc biệt là với quốc gia vừa nhập khẩu và xuất khẩu dầu thô như Việt Nam.
"Nếu không tiêu thụ được thì việc giá dầu lao dốc không có ý nghĩa. Trừ khi trong ít ngày tới, một phần hoặc nền kinh tế quay lại vận hành bình thường thì cơ hội mới rõ ràng hơn. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến dịch Covid-19", PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chịu ảnh hưởng không nhỏ khi giá dầu thô giảm, bởi trước đó, các đơn vị này nhập nguyên liệu với mức giá cao hơn rất nhiều. Chưa kể, khi cả thế giới tập trung chống dịch Covid-19, vận tải đình trệ, đặc biệt là hàng không đóng băng cũng khiến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm mạnh.
Ở khía cạnh khác, theo ông Ngô Trí Long, có thể có đơn vị coi giá dầu thô giảm là cơ hội để nhập khẩu dầu. Tuy nhiên, cần xem xét về tiềm lực tài chính, kho dự trữ và tính toán chính xác thời gian giảm giá dầu sẽ kéo dài trong bao lâu.
"Tuần trước, thế giới dự đoán giá xăng dầu đã chạm đáy nhưng sau đó giá dầu tiếp tục xuống dưới 0 USD/thùng. Bởi vậy, phải tính toán thật kỹ vì nếu nhập về giá vẫn tiếp tục giảm sâu, kéo dài thì rất nguy hiểm", nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả phân tích.
Tại Việt Nam, những tác động của giá dầu thế giới đã kéo giá xăng liên tiếp giảm mạnh chưa từng có, giá xăng RON95 hiện chỉ còn gần 12.000 đồng/lít. Cụ thể, giá xăng E5RON92 tối đa bán trên thị trường là 11.343 đồng/lít và xăng RON95-III bán trên thị trường không cao hơn 11.939 đồng/lít kể từ ngày 13/4.
Theo vị chuyên gia, giá xăng dầu trong nước khó có thể giảm sâu hơn nữa vì ngoài phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới còn có sự điều tiết của bộ Công Thương và Chính phủ về các khoản thuế, phí.
Trong đó, tỷ trọng thuế, phí trong giá xăng dầu hiện ở mức cao, chiếm khoảng 55% - 60% đối với mặt hàng xăng, 35% - 40% đối với mặt hàng dầu. Thuế bảo vệ môi trường chiếm khoảng 32% đối với mặt hàng xăng và từ 11% - 20% đối với mặt hàng dầu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, hiện tại, Bộ Công Thương có đề xuất về việc việc xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường để giảm gánh nặng cho người dân.
"Điều này có ý nghĩa tốt trong việc giúp doanh nghiệp giảm chi phí, cũng như giảm gánh nặng lên các mặt hàng để người dân đỡ chật vật hơn khi đang chống chọi với đại dịch, cùng đó là khả năng kiềm chế lạm phát dễ dàng hơn, tốt hơn", ông Long đánh giá.
Chủ đề liên quan:
bối cảnh chuyên chuyên gia cơ hội Covid 19 giá dầu giá dầu giảm kỷ lục giá xăng giá xăng dầu giảm đau kinh tế hiện tại Hoàng Linh không phải