Tâm sự hôm nay

Còn lắm băn khoăn

Trước tình hình T*i n*n giao thông (TNGT) gần đây vẫn có chiều hướng gia tăng bất chấp những nỗ lực của cơ quan chức năng...
Trước tình hình T*i n*n giao thông (TNGT) gần đây vẫn có chiều hướng gia tăng bất chấp những nỗ lực của cơ quan chức năng, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa có đề xuất Chính phủ cho phép tăng nặng hình thức xử phạt, đặc biệt là tịch thu phương tiện đối với một số hành vi uống rượu bia lái xe, đi xe hai bánh vào đường cao tốc… Giải pháp mạnh là đúng nhưng biện pháp thực hiện, cụ thể là “tịch thu xe” lại đang là đề tài gây tranh cãi và e ngại tạo ra nhiều vướng mắc, hệ luỵ…

“Say nặng” là… thu xe

Cụ thể, trong văn bản gửi Chính phủ mới đây về việc cho phép thực hiện một số quy định xử phạt vi phạm hành chính nhằm kéo giảm T*i n*n và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã đề xuất cho phép các bộ, ngành, địa phương thực hiện thí điểm một số quy định xử phạt, áp dụng từ ngày 15/3.

Theo đó, người lái ôtô sẽ bị phạt tiền 8-15 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 6 tháng với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đến 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/l khí thở.

Phạt tiền 15-20 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 1 năm nếu nồng độ cồn trong máu là 50-80mg/100ml máu hoặc 0,25mg-0,4mg/l khí thở, đồng thời phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép lái xe.

Đặc biệt là nếu có nồng độ cồn trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở, lái xe sẽ bị tước giấy phép 2 năm và tịch thu phương tiện, đồng thời phải thi lại Luật Giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép. Hình thức xử phạt này áp dụng cho cả người vi phạm điều khiển môtô, xe gắn máy (xe máy điện) và các loại xe tương tự môtô, xe gắn máy.

Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đề xuất tịch thu xe thô sơ, xe máy, xe đạp điện nếu đi vào đường cao tốc có biển cấm... Ngoài xử phạt người lái xe, chủ phương tiện để người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện vi phạm những lỗi trên cũng bị phạt tiền từ 40 - 80 triệu đồng hoặc bị tịch thu phương tiện nếu không nộp phạt.

Trao đổi với báo chí về kiến nghị tịch thu phương tiện, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia - cho biết tình hình trật tự ATGT tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt số người Tu vong do TNGT trong dịp Tết vừa qua tăng so với cùng kỳ, nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn; xuất hiện tình trạng người điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ tham gia giao thông trên đường cao tốc uy hiếp nghiêm trọng ATGT. Nếu chỉ phạt tiền với người vi phạm nồng độ cồn như hiện nay thì sẽ không tạo răn đe mạnh. Việc tước bằng lái xe và tịch thu phương tiện sẽ là lời cảnh báo tác động đến tâm lý của nhiều người tham gia giao thông.

Ngắm “nhầm” đối tượng?

Trước thông tin này, dư luận đang có hai hướng là ủng hộ và bất đồng. Phía ủng hộ dĩ nhiên tán thành với quan điểm “triệt tiêu” các “hung thần say xỉn”. Tuy nhiên, những lý lẽ mà phía bất đồng đưa ra lại rất đáng chú ý.

Trước tiên, nhiều người cho rằng, cơ quan chức năng đang “ngắm nhầm” đối tượng xử phạt. Khi một phương tiện phạm luật thì phương tiện vô tội mà người điều khiển mới có lỗi. Như vậy, tịch thu xe chỉ là xử lý gián tiếp, “không đúng người đúng tội”.

Nhiều chuyên gia pháp lý ủng hộ đề xuất phạt nặng người vi phạm, nhưng băn khoăn với quy định tịch thu phương tiện. Luật sư Nguyễn Quang Phong – Văn phòng Luật Đại Phong (Hà Nội) cho rằng thực ra quy định về tịch thu phương tiện đã có nhưng việc thực hiện trên thực tế đang gặp khó khăn bởi phương tiện nhiều khi không thuộc sở hữu của người vi phạm. “Như quy định tịch thu phương tiện của những người đua xe nhưng rồi không tịch thu được vì xe là của bố mẹ người vi phạm nên sẽ xảy ra trường hợp xe thuê, mượn, xe công ty… Riêng về kiến nghị tịch thu phương tiện cần phải phù hợp với các nguyên tắc theo luật”.

Đề cập dưới góc độ đời sống xã hội, bạn đọc Trần Mạnh Hùng (Hà Nội) phân tích: “Tịch thu xe liệu đã có tính chất giáo dục không hay đơn thuần chỉ mang tính cưỡng chế? Tất nhiên an toàn phải là trên hết, nhưng pháp luật cũng phải nhìn nhận ở góc độ đạo đức. Bởi lẽ với ôtô đáng giá cả một gia tài, nhiều người điều khiển xe vi phạm lại đang lái xe trả góp, tiền của gia đình, xe công ty, xe đi thuê, là “cần câu cơm” nuôi sống vài miệng ăn. Chưa kể nếu đứng trước “nguy cơ” bị tịch thu xe, nhiều tài xế sẽ hoảng loạn hoặc liều lĩnh, có thể bỏ chạy, tông vào CSGT… Nhiều gia đình có thể vì chuyện mất một chiếc xe mà lục đục cha mẹ, vợ chồng, tan nát… Như vậy, đối tượng bị xử phạt ở đây đang bị “nhầm”, mà người “bị phạt” có khi lại là thân nhân họ”.

Dưới góc nhìn khác, bạn đọc Nguyễn Mạnh Cường (Hà Nội) phân tích: “Nghị định 171/CP cũng đã có mức xử phạt khá nặng. Tuy nhiên, mặt trái của Nghị định là tạo ra “cơ hội” cho tiêu cực của CSGT biến chất (vấn đề này được hiểu là việc giảm thiểu tiền phạt bằng cách hối lộ CSGT, lách luật). Vì vậy, sẽ rất đáng lo ngại nếu kiến nghị tịch thu phương tiện này làm “màu mỡ” thêm cho “mảnh đất” tham nhũng. Nếu việc tịch thu xe được áp dụng, lúc này sẽ có 2 lựa chọn: 1 là mua xe mới; 2 là “có thể” mất ít tiền hơn so với việc đi mua xe mới. Ví như giá trị xe là 20 triệu đồng thì rất nhiều người sẽ lựa chọn phương án “mất ít hơn” bằng cách “dấm dúi” với người xử phạt. Đây là tình huống thực tế đã và đang diễn ra và vấn đề về cơ bản thì vẫn thế”.

Nhiều chuyên gia luật và bạn đọc ủng hộ phương án tăng mức phạt tiền hiện nay để đảm bảo tính răn đe của pháp luật, phù hợp với thực tiễn, đồng thời áp dụng các biện pháp phạt tù hoặc lao động công ích. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy phạt nặng các hành vi nhẹ sẽ giảm các hành vi nặng, đồng thời hình thức phạt giam luôn tỏ ra hữu hiệu bởi “đúng người, đúng tội”.

Thiết nghĩ, tinh thần đề xuất là tốt nhằm giảm TNGT, nhưng phải hợp lý, tránh tùy tiện, lạm quyền, đảm bảo được quyền lợi của người dân đi đôi với mục đích của nhà quản lý, phù hợp với hiến pháp và pháp luật.

Nguyên Lê

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-con-lam-ban-khoan-6029.html)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY