Sáng 6.2, tiếng khóc ré của bé C.M.K (4 tháng tuổi) như xé toạc không khí tĩnh mịch tại khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). Trên giường bệnh, hình ảnh K. nhỏ xíu, 2 chân treo ngược lên khung inox khiến ai nấy đều xót lòng.
Trước đó, 12 giờ đêm 3.2, K. được cha ruột là Châu Minh T. (23 tuổi, ngụ Q.9) bế vào viện trong tình trạng hai má bầm tím, gãy xương đùi trái, nhiều vết bầm khác ở ngực, bụng và hai tay, dưới nhện (xuất huyết não).
Chị Nguyễn Hồng Tím (21 tuổi, mẹ bé K.) cho biết K. là con thứ hai của chị cùng chồng là T. (23 tuổi). Hai người kết hôn và có con khá sớm. Từ năm 19 tuổi, T. đã thường "chơi đá" bị đưa đi cai nghiện 2 năm và sau đó đi thêm một lần khác 15 ngày, nhưng vẫn chứng nào tật đó.
Hôm nay, bé K. vẫn còn nhiều vết bầm trên mặt và bụng, ngực chưa tan hếtẢnh: Vũ Phượng |
“Em cãi nhau với ổng hỏi sao đánh con dữ vậy. Ổng nói tháng rưỡi là dạy được rồi, phải dạy từ giờ chứ lớn lên không dạy được. Đánh dữ quá em không chịu được nên đã ôm con bỏ trốn qua nhà hàng xóm, rồi trốn về nhà mình”, chị Tím đau lòng kể lại.
Để có tiền mua sữa cho con, chị Tím gửi cả hai đứa nhỏ cho mẹ để đi làm phục vụ quán nhậu. Tối 3.2, bé K. được bà ngoại bế qua gửi ở nhà nội thì xảy ra chuyện.
Bé K. phải treo ngược chân trên giường bệnhẢnh: Vũ Phượng |
Nằm trên giường bệnh, bé K. liên tục khóc thét lên vì đau đớn. Vừa loay hoay pha sữa cho con, chị Tím vừa nói: “Giờ là mặt bé bớt sưng nhiều rồi, chứ lúc mới vào viện hai má bầm tím đen, bé đau đến mức khóc không ra tiếng. Chính những người giường bên thấy thương nên xúm lại chăm, cho bé uống sữa chứ cha nó cho lên viện rồi nằm đó ngủ. Chân phải treo lên nên đêm bé ngủ hay giật mình khóc tội nghiệp lắm. Mong cha nó đừng về nữa, con mà đánh cỡ này thì chịu gì nổi”.
Từ lúc bé K. nhập viện, bà Bùi Hồng Mực (bà ngoại bé K.) cùng chị Tím đều phải nghỉ làm để thay phiên chăm cháu. Trưa 6.2, trao đổi với phóng viên, bà Mực mếu máo cho biết đang đi nhờ hàng xóm viết đơn gửi đi các nơi cầu cứu.
Bé K. thường khóc thét vì đau và sợẢnh: Vũ Phượng |
“Nhìn thằng cháu chỉ 6kg bị đánh đến bầm dập, như vậy tôi không chịu nổi. Chữ nghĩa thì tôi không rành nên phải chạy đi nhờ hàng xóm”, bà Mực đau lòng chia sẻ.
Bà Mực kể, không chỉ đánh con, T. còn thường xuyên đánh vợ. Có lần chị Tím vừa sinh ở Bệnh viện Q.9 được mấy ngày, T. đã đến kiếm chuyện. Gia đình kiện lên công an rồi được hòa giải tới lui bao nhiêu lần xong đâu cũng vào đó.
“Nó cứ thấy thằng bé khóc nó đánh, bảo đánh để dạy dỗ, nhỏ xíu mà dạy dỗ cái gì không biết. Vợ nó thì nó đánh bầm mặt bầm mày. May lớn của nó ở với tôi nên không sao”, bà Mực cho hay.
Hiện Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đã cử luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cùng luật sư Đỗ Ngọc Thanh vào cuộc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bé.
Sau khi K. nhập viện, cả mẹ và bà ngoại của bé đều nghỉ việc để chăm sócẢnh: Vũ Phượng |
Trao đổi với Thanh Niên, bác sĩ Lê Phước Tân, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho hay, tại thời điểm nhập viện, ba bé K. cho biết bé đang nằm trên võng thì bị té xuống đất. Nhưng với kinh nghiệm chuyên môn, bác sĩ cho biết trường hợp bé K. có dấu vết của bạo hành khá rõ. Tình trạng của bé K. lúc nhập viện rất nặng. Vì ngoài các chấn thương phần mềm, bầm tím nhiều vùng tay, ngực, bụng, mặt, bé K. còn bị gãy 1/3 xương đùi phải nhưng do bị dưới nhện nên không phẫu thuật được. BS cho biết, bé K. sẽ phải treo chân như vậy ít nhất là 2 tuần lễ để theo dõi. |
Chủ đề liên quan:
bạo hành bé trai bị đánh bệnh viện nhi đồng cha đánh con cha ruột chơi đá con trai đánh con đánh con nhập viện gãy chân tháng tuổi tp.hcm xuất huyết