Tâm sự hôm nay

Công phu chọn nơi học chữ cho con

Trường Thực nghiệm phố Liễu Giai (Hà Nội) thông báo trong hai ngày 12 13 tháng 5, trường bán mẫu hồ sơ xin vào lớp 1 cho niên khóa 2012 - 2013.

(SKDS) - Trường Thực nghiệm phố Liễu Giai (Hà Nội) thông báo trong hai ngày 12 & 13 tháng 5, trường bán mẫu hồ sơ xin vào lớp 1 cho niên khóa 2012 - 2013. Từ 22g đêm 11, trên hè phố trước cổng trường, các phụ huynh học sinh đã đến xếp hàng. Gọi là xếp hàng chứ thật ra là đứng ngồi quây quanh chiếc cổng sắt của trường. Trông nhau mà ngồi chứ không ai có quyền sắp xếp ở đây. Không chen lấn dữ dội, không cãi lộn om sòm. Những tâm sự, những lo âu được trao đổi.

Có người mang theo cả ghế ngồi, nước uống, áo che mưa, chống muỗi. Có gia đình chia kíp, đến thay ca nhau ngồi giữ chỗ. Nửa đêm, mưa nặng hạt. Áo mưa, ô dù căng lên... Không ai bỏ “trận địa”. Quyết tâm vì con em chúng ta. Chúng ta khổ một đêm còn hơn chúng nó khổ một đời. Nghe trang nghiêm mà buồn cười. Cảm động thật, những người cha người mẹ khá giả lẫn bần hàn đội mưa suốt đêm vì một lá đơn xin cho con vào học lớp đầu đời. Người ta mang máy ra quay phim, lưu lại cảnh này mai sau cho bọn trẻ nó xem, nó biết công phu bố mẹ mà học cho nên người.

Tình cảnh ấy trước hết là một điều mừng.

Mừng vì tinh thần hiếu học của dân ta. Trong lúc tình hình kinh tế tài chính khó khăn ảnh hưởng đến bữa ăn từng gia đình, trong lúc xã hội cộm lên những vấn đề về công bằng, về sở hữu, về đạo lý, về thực thi pháp luật.. thì người dân vẫn kiên tâm lo kiến thức cho con ngay từ những bước đầu tiên. Chấp nhận mọi thách thức để con cái có cuộc sống sáng sủa hơn. Đó là một phẩm chất đáng quý của dân trí một đất nước, cũng là một căn cứ cho mọi hy vọng của chúng ta.

Mừng vì trường thực nghiệm vốn là sáng kiến của một nhà giáo dục cấp tiến, có cơ hội khẳng định và hoàn thiện. Nhà giáo dục ấy là tiến sĩ khoa học Hồ Ngọc Đại. Ông Đại đã từ chối cương vị quan chức vào loại hàng đầu của ngành để tình nguyện làm thầy dạy tiểu học nhằm thực thi một quan niệm giáo dục mới mà hồi ấy cho đến bây giờ, sau ba mươi năm, vẫn gọi là thực nghiệm. Quan niệm giáo dục của ông Đại là dạy học không chỉ là cấp kiến thức cho học trò mà là cấp cho chúng cái cách tạo ra kiến thức. Không chỉ dạy các môn khoa học mà còn dạy kỹ năng sống, kỹ năng làm việc... Học trò được đánh thức tính chủ động và năng lực phản biện trong tiếp thu... Quả là mới mẻ và tích cực, chính vì vậy mà lúc đó được Thủ tướng Phạm Văn Đồng chấp nhận, cho phép thực thi. Nhưng trong giới giáo dục cũng nhiều ý kiến lo tới những hệ lụy do tính rộng mở của phương pháp và chương trình, nên ý đồ giáo dục của Hồ Ngọc Đại vẫn cứ dừng ở phạm vi thực nghiệm. Ngôi trường mà bà con đang xếp hàng xin học cho con kia vẫn mang tên là Trường Thực nghiệm. Trường Thực nghiệm còn dừng ở bậc trung học. Trừ khi tiếp tục được đào tạo theo một hệ thống riêng ở đại học như trường hợp Ngô Bảo Châu và các em có thành tích thi cử xuất sắc, còn phần lớn học sinh vào đây học đều phải chấp nhận những khó khăn khi hòa nhập trở lại với đại trà lúc thi vào đại học. Lỗi không phải do phương pháp mới mà do cái cách thực thi nửa vời quá kéo dài. Nhưng năm nay, qua hiện tượng chọn trường khai tâm cho con này đã thấy rõ nguyện vọng của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, ông Vụ trưởng Vụ Tiểu học Lê Tiến Thành cho rằng việc phụ huynh học sinh đổ xô đến Trường Thực nghiệm không đơn thuần là ủng hộ phương pháp giáo dục mới mà “có thể là do ngôi trường này đã tạo ra nhiều nhân tài, trong đó có GS. Ngô Bảo Châu”. Đó là một nhận định thận trọng và chính xác. Nhưng dù thế cũng đã là một phiếu thuận quan trọng cho phương thức giáo dục mới. Ngành chủ quản cần xem xét hiện tượng tự phát này mà định hướng cho giáo dục. Việc có thêm các trường như Trường Thực nghiệm này vừa là đáp ứng cung cầu xã hội vừa tạo ra bước nhảy chất lượng của ngành. Nếu cần một cơ hội thuận lợi để cách tân giáo dục thì đây chính là một cơ hội.

Mừng vì tinh thần lo việc học hành cho con cái, vì sự tin trường tin thầy, nhưng có điều cũng phải thưa lại với các vị phụ huynh đang tận tụy vì con, sự thành công của Ngô Bảo Châu và những em khác từ Trường Thực nghiệm này quả có ghi nhận thành tựu của phương pháp giáo dục, nhưng thành công đó yếu tố chủ yếu lại là ở bản thân con người đó: phương pháp tư duy, sự chuyên cần và cả yếu tố của thể chất, của tinh thần... Số học sinh lớp 1 mà Trường Thực nghiệm định tuyển năm nay chỉ 140. Nhìn đội ngũ phụ huynh học sinh đang chầu chực mua đơn có thể tới số ngàn. Như vậy nhiều em, rất nhiều em không được vào đây học. Không có gì phải thất vọng cả. Năm nay đội tuyển học sinh thi Lý ở Ấn Độ, cả đội 7 em đều có huân chương, không em nào được học ở đây. Nên có cái nhìn biện chứng và thực tiễn cho tương lai của các em. Rất nên tránh phản xạ theo số đông, có thể làm chệch hướng phát triển tốt đẹp của các em.

Vũ Quần Phương

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-cong-phu-chon-noi-hoc-chu-cho-con-6106.html)

Chủ đề liên quan:

nơi học chữ cho con

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY