Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Cũng một kiếp người...

(MangYTe) Người ta nói ai sinh ra cũng có số, số hưởng thì được hưởng, số xui thì chịu xui. Đời ai nấy sống. Điều này không hề sai.

Trở về sau chuyến đi Hà Giang vừa qua trong lòng tôi còn nguyên những cảm xúc, giọt nước mắt nuốt vào trong trước những mảnh đời mỏng manh, bất hạnh nơi núi rừng biên cương ấy...

Năm anh em họ Hầu

Tôi không thể quên ánh mắt của những đứa trẻ trong một gia đình nhỏ, nếu có thể gọi đó là một gia đình - gia đình năm anh em nhà họ Hầu. Nghe kể, ngôi nhà tranh xiêu vẹo của năm anh em người H’Mong nằm đơn độc trên đỉnh núi cao, tứ bề là mây núi, cách Trường phổ thông dân tộc bán trú - Trung học cơ sở Minh Tân (Minh Tân, Vị Xuyên) hơn hai tiếng đường rừng. Các em không sõi tiếng Kinh, đã quá quen với cái khổ mang trong mình những ánh mắt vô hồn cứ ám ảnh mãi người đối diện.

Gia đình họ Hầu sinh sống ở thôn Tân Sơn (Minh Tân, Vị Xuyên) ấy cũng từng đầy đủ mẹ cha và sáu anh em đủ cả trai lẫn gái. Năm 2015, người cha - trụ cột gia đình không may bị mất. Chỉ vài tháng sau, người mẹ bỏ sang Trung Quốc lấy chồng mới, để lại sáu đứa con đìu ríu nuôi nhau, đứa con gái nhỏ nhất khi ấy mới hơn một tuổi. Theo tập quán, người phụ nữ H’Mong sau khi đi lấy chồng thì ch*t làm ma nhà chồng. Các con vì hận mẹ đi lấy chồng khác hay vì phong tục nên có ai hỏi thì luôn nói cha mẹ đã ch*t hết cả. Sau đó, người con trai cả dù chưa đến tuổi thành niên nhưng cũng lấy vợ để có thêm người làm và cùng nuôi năm em nhỏ. Trớ trêu, người anh cả vì không chịu được cực khổ và sức ép hàng ngày nên đã uống Thu*c diệt cỏ Tu tu khi mới qua tuổi mười bảy. Chị dâu bỏ đi, mọi gánh nặng nuôi đàn em thơ bấy giờ dồn hết lên vai Hầu Sảo Thành khi đó mới 16 tuổi.

Nữ nhà văn nổi tiếng ở Đức có mẹ người Việt, cha người Pháp -Isabelle Müller, người sáng lập Quỹ LOAN và đang thực hiện những dự án nhân đạo tại Hà Giang cho biết, một lần khi đến điểm trường ở Minh Tân, chị hỏi các cháu đi học có xa không và cháu nào ở xa nhất. Các cô giáo chỉ ba anh chị em Hầu Sảo Chủ (sinh 2007), Hầu Thị Súa (2008) và Hầu Thị Mua (2011) đang học tại Trường dân tộc bán trú Minh Tân. Ngoài ba anh chị em đang học ở đây, còn có cô em út Hầu Thị Vừ (2014) là học sinh mầm non. Các cán bộ dự án của Quỹ không ai là không ngạc nhiên và hỏi sao còn bé thế này mà các em có thể tự đến trường khi mỗi ngày phải mất bốn tiếng đồng hồ vừa đi và về. Càng hỏi sâu hơn, chị Müller và mọi người càng ngỡ ngàng và cảm phục những đứa trẻ này. Vì thế các chị quyết tâm đến tận nhà xem gia cảnh ra sao và xem đường đến trường tìm con chữ của trẻ em vùng cao Hà Giang gian khổ đến nhường nào.

Căn nhà giữa đỉnh núi

Sau hơn hai tiếng leo dốc, băng rừng, có lúc trượt chân ngã xuống lại bật đứng lên, mặc cho trời mưa giăng khắp núi rừng, đoàn đã đến tận nhà của năm anh em họ Hầu. Chị Corinna Buchholz, cán bộ Quỹ đi cùng nói, chị bị sốc nặng đến mức không cầm được nước mắt khi chứng kiến cái gọi là “nhà” của năm đứa trẻ mồ côi. Đấy có lẽ không thể được gọi là nhà và vượt ra ngoài mọi tưởng tượng của chị. Căn “nhà” ấy trống huơ trống hoác, nằm trên đỉnh núi cao, ngó nghiêng xung quanh cũng chẳng thấy ngôi nhà hàng xóm nào.

Điều đáng khâm phục nhất là Hầu Sảo Thành (2002), cậu anh thứ hai giờ trở thành trụ cột gia đình. Ngày ngày, dù nắng hay mưa, mùa đông cũng như mùa hè, Thành đưa lũ em lóc nhóc xuống núi đi học, sau đó lại quay về bản làm thuê kiếm tiền và đến chiều tối lại xuống trường đón các em về nhà. Hàng ngày, ai thuê gì em làm nấy, miễn là có chút tiền mua thức ăn cho các em. Mà thức ăn có nhiều nhặn và cao sang gì, quanh năm chỉ toàn sắn và mèn mén (làm từ bột ngô). Cũng vì phải lo cho các em nên Thành nghỉ học từ năm lớp 5 và dù đã gần 18 tuổi nhưng cậu cũng chỉ nhỏ thó như đứa trẻ 13 dưới xuôi. Chẳng ai có thể hình dung nổi, cậu bé này có thể nuôi một đàn em ăn học như vậy, nhất là khi đứa em út Hầu Thị Vừng lúc bố mất mẹ bỏ đi mới hơn 1 tuổi. Nhờ trời thương nên lũ em lít nhít cứ ăn, cứ lớn và không bệnh tật ốm đau gì. Ở cái tuổi ăn, tuổi lớn như Thành, nhiều thanh niên trong bản đã rượu chè, rong chơi, nhưng với Thành tuyệt đối không. Thành chăm chỉ làm lụng, đưa đón các em đi học ngày hai buổi và nấu nướng cho các em. Chị Bùi Hương, Sở Ngoại vụ Hà Giang luôn đi cùng đoàn của Quỹ LOAN trên mọi nẻo đường cho biết, điều đặc biệt ngôi nhà của các em luôn gọn gàng, hiếm khi nhìn thấy sự bừa bộn.

Tấm lòng yêu thương

Gặp và trò truyện với Hầu Sảo Thành trong buổi lễ bàn giao công trình nhà bán trú Trường phổ thông dân tộc nội trú Minh Tân, nhìn cậu trai H’Mong nhỏ con, ánh mắt đượm buồn nhưng khôi ngô đứng cùng một đàn em nheo nhóc, tôi cứ tự hỏi tại sao lại có những mảnh đời cơ cực như thế và lại có thể có một người anh biết nghĩ, biết thương yêu các em đến mức hy sinh cả sự học hành và tuổi trẻ của mình, để các em được đến trường. Ôm vai cậu bé, tôi hỏi Thành ở nhà thường làm gì để có tiền nuôi các em? Bằng chút tiếng Kinh còn bập bõm, Thành nói: “Ai thuê làm gì cũng làm”. Tôi hỏi, thế mua thức ăn ở đâu, Thành nói ở trên núi, còn thiếu gì thì về xã. Suy nghĩ của Thành cực kỳ đơn giản nhưng nghe đến thắt lòng. Em kể, em bỏ học đi làm nuôi các em ăn học, có con chữ sau này có việc làm các em lại nuôi anh.

Khi biết gia cảnh anh em nhà họ Hầu, Quỹ LOAN quyết định đỡ đầu các em bằng số tiền ít ỏi gửi ở Trường để nuôi bốn em nhỏ đang theo học tại đó. Nếu cần tiền mua xăng xe máy đưa các em đi học hay mua thức ăn, Thành có thể xuống Trường rút. Quỹ cũng mua cho các em quần áo mới cho mùa hè và áo ấm cho mùa đông. Và nếu tiếp tục học cao hơn, Quỹ cũng sẽ luôn đồng hành với các em. Sự giúp đỡ đó, dù ít dù nhiều cũng sẽ làm ấm lòng những đứa trẻ vùng cao đang cô đơn, giúp chúng có thêm động lực để mỗi ngày để băng rừng lội suối đến trường tìm con chữ. Những mảnh đời như anh em nhà họ Hầu ở Hà Giang chắc vẫn còn nhiều, rất cần sự chung tay giúp đỡ của cả cộng đồng.

Hôm xuống Trường Minh Tân dự buổi lễ khánh thành nhà bán trú do Quỹ LOAN tài trợ, cậu bé Hầu Sảo Thành cũng “tranh thủ” đề đạt nguyện vọng với thầy Hiệu trưởng và đại diện Huyện, Xã đang có mặt ở đó, là giờ có nhà bán trú rồi xin cho các em được nghỉ trưa tại Trường, cháu không phải đưa đón nhiều lần để có thời gian đi làm kiếm tiền.

Tôi lại nhớ đến câu nói của các chị Quỹ LOAN, chính các thầy cô giáo và đặc biệt là học sinh nơi đây mới thực sự là những người hùng, sự giúp đỡ, hy sinh của tất cả chúng ta phỏng có đáng kể gì...

Báo Thế giới và Việt Nam

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo quốc tế (https://baoquocte.vn/cung-mot-kiep-nguoi-107938.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY