Đài NHK ngày 29.8 đưa tin các lãnh đạo đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP) của Nhật Bản sẽ nhóm họp vào ngày 1.9 để bàn cách bầu chọn lãnh đạo mới.
Thông thường, toàn bộ đảng viên đang giữ ghế nghị sĩ quốc hội sẽ bỏ phiếu cùng số lượng đảng viên tương đương không phải là nghị sĩ. Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp, toàn bộ đảng viên là nghị sĩ sẽ bỏ phiếu cùng với đại diện của các chi bộ ở các tỉnh. Cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 15.9 và người được chọn sẽ giữ chức cho đến cuối nhiệm kỳ hiện tại là tháng 9.2021.
Thủ tướng Abe không hé lộ cái tên tiềm năng nào, nhưng nhiều quan chức đã công khai ý định tranh cử, trong đó có cựu Tổng bí thư LDP Ishiba Shigeru (63 tuổi). Ông Ishiba là cựu Bộ trưởng Quốc phòng với quan điểm “diều hâu” khi muốn gia tăng vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và thậm chí cho rằng Nhật Bản nên cân nhắc lại chính sách cấm vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ. Ông Ishiba được cử tri ủng hộ với chính sách khôi phục kinh tế các vùng nhưng lại không được lòng giới nghị sĩ LDP vì từng rời khỏi đảng, theo AFP. Ông thường dẫn đầu trong các cuộc khảo sát nhưng thiếu sự ủng hộ từ các đảng viên là nghị sĩ.
Theo tờ Nikkei Asian Review, phái của ông Ishida chỉ có 19 người là nghị sĩ, thiếu 1 phiếu để đề cử ông làm ứng viên lãnh đạo LDP. Việc này bị coi là bất lợi đáng kể trong cuộc bầu cử coi trọng lá phiếu của các đảng viên nghị sĩ hơn là đảng viên thông thường. Ông Ishiba từng 3 lần tranh cử chức chủ tịch LDP nhưng đều thất bại, trong đó 2 lần chịu thua ông Abe vào các năm 2012 và 2018.
Tương tự, cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida (63 tuổi), hiện là lãnh đạo Hội đồng nghiên cứu chính sách của LDP, cũng đã thông báo ý định tranh cử. Thủ tướng Abe từng nhắc đến ông Kishida như là người kế nhiệm tiềm năng và ca ngợi nỗ lực của ông trong việc hiện thực hóa chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Hiroshima hồi năm 2016. Ông cũng được ghi nhận về đóng góp trong việc đạt thỏa thuận với Hàn Quốc hồi năm 2015 nhằm chấm dứt mâu thuẫn về nô lệ T*nh d*c thời chiến.
Tuy vậy, ông Kishida bị nhận xét là người thiếu thu hút và cũng không được ủng hộ rộng rãi trong nội bộ LDP, đặc biệt là các nghị sĩ trẻ tuổi hơn, theo Nikkei Asian Review. Nếu quyết định nhập cuộc, đây sẽ là lần tranh cử chức lãnh đạo đầu tiên của ông Kishida nhưng các cuộc khảo sát cho thấy ông thường đứng ở nhóm cuối. Tổng bí thư LDP Toshihiro Nikai, nhân vật có sức ảnh hưởng lớn trong đảng, gọi ông Ishiba là “chính trị gia nhiều kinh nghiệm nhất” trong khi đánh giá ông Kishida “có tương lai tươi sáng”.
Một ứng cử viên nặng ký khác là Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga (72 tuổi), người được coi là “cánh tay phải” của Thủ tướng Abe. Ông Suga là người trung thành với ông Abe từ giai đoạn cầm quyền ngắn ngủi 2006 - 2007 và đã khuyến khích ông Abe tái tranh cử năm 2012. Ông được bổ nhiệm làm chánh văn phòng nội các từ đó đến nay và được đánh giá cao nhờ kỹ năng điều phối đằng sau hậu trường.
Theo Hãng tin Jiji Press, ông Suga không thuộc phái nào trong LDP, nhưng có quan hệ chặt chẽ với nhiều lãnh đạo đảng. Những đồn đoán về việc ông Suga trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Abe nổi lên từ tháng 4.2019 khi ông Suga đại diện chính phủ công bố niên hiệu mới cho triều đại tân Nhật hoàng Naruhito.
Ai có thể kế nhiệm Thủ tướng Nhật Shinzo Abe? |
Tổng bí thư Nikai gần đây nói với Đài TBS rằng ông Suga là ứng cử viên sáng giá vì có năng lực tuyệt vời. Một nghị sĩ thuộc phái của ông Nikai tiết lộ vị tổng bí thư sẽ ủng hộ nếu ông Suga tranh cử.
Nhiều nghị sĩ trẻ hơn của LDP đã ngỏ ý tham gia cuộc tranh cử lần này như Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono (57 tuổi), Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi (39 tuổi) và cựu Bộ trưởng Nội vụ và truyền thông Seiko Noda (60 tuổi). Tuy nhiên, chướng ngại lớn đối với các vị này được cho là không chiếm được đủ 20 phiếu tín nhiệm từ các nghị sĩ trong đảng, theo tờ Asahi. Là con trai của Thủ tướng Junichiro Koizumi, ông Shinjiro Koizumi giành vị trí cao trong các cuộc khảo sát nhưng bị coi là còn quá trẻ.
Nổi bật trong nhóm này là Bộ trưởng Quốc phòng Kono, người khởi xướng quyết định của chính phủ hồi tháng 6 về việc hủy triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore vì tốn kém chi phí và thời gian. Ông Kono có tài giao tiếp, từng giữ chức ngoại trưởng hơn 2 năm và là gương mặt nổi bật trong công chúng về khả năng ra quyết định nhanh và phát ngôn công bằng.
Theo Jiji Press, ông Kono là người duy lý, nhưng thiếu kỹ năng xây dựng đồng thuận, như việc không báo trước cho các lãnh đạo LDP về vụ hủy triển khai hệ thống Aegis trên bộ, khiến Tổng bí thư Nikai nổi giận. Ông Kono từng tuyên bố muốn trở thành thủ tướng từ khi đắc cử vào Hạ viện năm 1996 nhưng không nhận được sự ủng hộ từ lãnh đạo phái của ông trong LDP là Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso.
Ông Aso là người lâu nay ủng hộ ông Kishida, nhưng được cho là đang chuyển hướng sang Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi (65 tuổi). Theo Nikkei Asian Review, ông Motegi đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc đối thoại thương mại thời gian còn làm Bộ trưởng kinh tế, thương mại và công nghiệp. Nhưng giống như ông Kono, ông Motegi không có nhiều cơ hội thành công.
Trên chính trường Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe có vai trò tương tự cố Tổng thống Mỹ Richard Nixon. Thủ tướng Abe đã cố xây dựng chính sách theo quan điểm cánh hữu để thu hút sự ủng hộ, đồng thời chủ yếu tập trung vào chính sách đối ngoại thực dụng. Sự cân bằng này thể hiện rất rõ trong chính sách của Nhật đối với Trung Quốc. GS Yoichiro Sato (Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản) |
Khi Thủ tướng Abe từ chức lần đầu hồi năm 2007, các nghị sĩ LDP và đảng viên đại diện các vùng đã bầu ông Yasuo Fukuda làm người thay thế. Tuy nhiên, ông Fukuda từ chức chỉ sau một năm và ông Taro Aso được chọn để kế nhiệm trong cuộc bầu cử tương tự vào năm 2008. Đảng LDP dưới sự lãnh đạo của ông Aso thất bại trong cuộc bầu cử năm 2009 và trở thành đảng đối lập cho đến khi giành lại quyền kiểm soát vào năm 2012 dưới thời ông Abe. Ông Aso (80 tuổi) cũng được coi là gương mặt có ảnh hưởng trong chính trường Nhật. Ông là cháu ngoại của Thủ tướng Shigeru Yoshida và là con rể của cựu Thủ tướng Zenko Suzuki. Mặt dù được coi là ứng viên tiềm năng kế nhiệm ông Abe nhưng ông Aso ngày 28.8 thông báo với các nghị sĩ thuộc phái của ông là sẽ không tranh cử lần này, theo Kyodo News. |