Thông thường để bào chế được một vaccine mới phải mất nhiều năm trời, với quá trình thử nghiệm trên động vật, thử nghiệm lâm sàng và chờ đợi sự cho phép của các cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên trước tốc độ lây lan của nCoV, các chuyên gia quyết tâm sớm có được giải pháp nhờ vào một liên minh quốc tế, mục tiêu chiến đấu với các bệnh mới xuất hiện. Các nhà khoa học Australia hy vọng có vaccine trong 6 tháng tới.
"Đây là tình huống sức ép cao, và gánh nặng trên vai chúng tôi rất lớn", nhà nghiên cứu cao cấp Keith Chappell, thuộc Đại học Queensland của Australia, nói. Ông cũng bày tỏ hy vọng các đồng nghiệp thế giới thành công trong việc này. "Mong rằng một trong số chúng ta sẽ thành công và có thể ngăn chặn được dịch".
Tuy nhiên thời gian 6 tháng vẫn là quá lâu so với tốc độ lây lan của virus. Căn bệnh xuất hiện khoảng hai tháng nay và lan nhanh chóng đến gần 30 quốc gia và lãnh thổ, giết ch*t hơn 800 người và lây nhiễm cho hơn 37.000 người.
Nỗ lực tìm vaccine được dẫn dắt bởi Sáng kiến Liên minh Đối phó Dịch bệnh (CEPI), một tổ chức ra đời năm 2017 nhằm tài trợ cho các nghiên cứu y sinh tốn kém, sau khi dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi giết ch*t hơn 11.000 người. Với sứ mệnh đẩy nhanh tốc độ điều chế vaccine, CEPI đang rót nhiều triệu USD vào 4 dự án tầm cỡ thế giới và kêu gọi có thêm các sáng kiến liên quan.
Các nhà khoa học trên thế giới đang "chạy đua" để điều chế vaccine chống lại bệnh viêm phổi do virus corona chủng mới. Ảnh: AFP |
Các dự án nhắm tới việc dùng công nghệ mới để phát triển các loại vaccine thử nghiệm nhanh. CEO của CEPI Richard Hatchett cho biết mục tiêu là thời gian thử nghiệm rút xuống chỉ còn 16 tuần.
Công ty sinh phẩm Đức CureVac và công ty Moderna Therapeutics trụ sở tại Mỹ đang phát triển các vaccine dựa trên RNA thông tin, trong khi Inovio, một công ty khác của Mỹ, sử dụng công nghệ dựa trên DNA.
Vaccine dựa trên DNA và RNA dùng mã gene của virus để khiến tế bào cơ thể sinh ra protein giống hệt như protein trên bề mặt của tác nhân gây bệnh, Ooi Eng Eong, Phó giám đốc Chương trình các bệnh truyền nhiễm mới tại Trường Y Duke, Đại học Quốc gia Singapore, giải thích. Hệ miễn dịch của người học cách nhận ra các protein đó, và sẽ sẵn sàng tấn công khi virus xâm nhập cơ thể.
Các nhà nghiên cứu Australia sử dụng công nghệ "kẹp phân tử" để phát triển vaccine, chỉ dựa trên trình tự gene của virus. Tại Viện Pasteur, các nhà khoa học Pháp điều chỉnh vaccine sởi để chống virus corona, nhưng dự kiến cần tới 20 tháng. Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc thông báo đã bắt đầu phát triển vaccine chống nCoV.
Giới chức y tế sẽ phải cân nhắc lợi ích và nguy cơ của việc nhanh chóng cho phép môt loại vaccine nào đó lưu hành. Khi dịch bệnh lan nhanh, quá trình xem xét sẽ được rút ngắn, và ngược lại.
"Nếu có rất nhiều ca bệnh do virus corona, ta sẽ chấp nhận rủi ro, bởi khi đó lợi ích lớn hơn nhiều. Còn nếu số ca bệnh không nhiều, mỗi nguy cơ đều được đem ra cân nhắc rất kỹ lưỡng", bà Ooi của Đại học Quốc gia Singapore nói.
Bởi chưa có vaccine cho nCoV, một số bác sĩ đang tìm cách điều trị bằng phối hợp Thu*c kháng virus với Thu*c cúm, tuy nhiên kết quả về mặt khoa học là chưa rõ ràng. Cuối cùng, tình huống cũng có thể giống như thời dịch SARS năm 2003, dịch được dập tắt trước khi có bất kỳ loại vaccine nào.
Ong Siew Hwa, Giám đốc Phòng thí nghiệm Acumen, một công ty công nghệ sinh học Singapore, cho rằng các nỗ lực phát triển vaccine chống virus mới là rất cần thiết. "Phát triển vaccine là rất quan trọng", bà nói. "Nếu không phải cho lần này, thì cho lần sau".
Chủ đề liên quan:
chống virus corona triệu usd vaccine viêm phổi viêm phổi corona viêm phổi Trung Quốc viêm phổi vũ hán virus corona