Trên thực tế, bác sĩ sản khoa làm công việc điều trị hiếm muộn (IVF) thường nhận được nguyện vọng giữ thai đôi, thậm chí nhiều hơn thế. Một bà mẹ cũng có thể nghe lời thắc mắc, trách cứ của người thân, người quen “sao không để hai đứa, đẻ luôn một thể?”...
Một đứa trẻ ra đời đủ để làm thay đổi cuộc sống của bạn. Thật khó mà hình dung, khi hai đứa trẻ hoặc nhiều hơn chào đời cùng lúc, cuộc sống của bạn sẽ thế nào.Về phía bác sĩ, khi một phụ nữ mang song thai đến khám, bác sĩ sẽ đưa ra một chẩn đoán rất dễ gây stress: “thai kỳ nguy cơ cao”. Đúng thế! Càng nhiều thai, bạn càng đối diện với nhiều vấn đề sản khoa và tai biến.
So với người mang đơn thai, thai kỳ đa thai tăng các nguy cơ sau đây:
Sinh non: Sinh non là sinh trước 37 tuần. Nếu bé sinh quá non có thể không nuôi sống được, hoặc bé dễ mắc bệnh, nhiễm trùng...
Em bé nhẹ cân: Nhẹ cân được xác định khi cân nặng lúc sinh dưới 2.500g. Càng nhẹ cân, càng non tháng thì dự hậu càng xấu.
Thai chậm tăng trưởng: Là em bé quá nhỏ và có thể gặp nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự sống còn.
Tiền sản giật: Đây là một bệnh lý nguy hiểm trong giai đoạn mang thai, chuyển dạ và cả sau sinh.
Đái tháo đường thai kỳ
Nhau bong non
Băng huyết sau sinh
Thai ch*t lưu trong tử cung
Mổ lấy thai và kéo theo một số các nguy cơ khác liên quan đến cuộc mổ.
Hình ảnh siêu âm một ca song thai.
3 tháng đầu thai kỳ có thể theo dõi tương tự như nhau, nhưng sang 6 tháng sau của thai kỳ, bạn có thể phải khám thai thường xuyên hơn. Mục tiêu thăm khám là để bác sĩ đánh giá tăng trưởng của thai, sức khỏe của thai và chẩn đoán, xử lý các biến chứng.
Khi một mẹ bầu có ý thức tìm hiểu thông tin, quan tâm đến chăm sóc trong thai kỳ, chắc chắn sẽ lo lắng nhiều hơn. Việc trầm cảm xuất hiện trong thai kỳ hoàn toàn có khả năng xảy ra, vì trăm ngàn mối lo ập đến. Con có phát triển bình thường không? Con có khỏe mạnh không? Mình có đang làm gì không đúng và gây hại cho con không? Mình có thể lo cho con đầy đủ không? Chẳng may mình “có gì” tội con lắm!... Nếu liệt kê ra hết những lo lắng của một bà mẹ dành cho đứa trẻ sắp chào đời, mình dám chắc không ai có thể kể hết. Và vì thế, một bà mẹ mang trong mình “nhiều hơn một đứa con”, tự nhiên sẽ vô cùng áp lực. Đó là chưa kể biến cố có thể ập đến bất kỳ lúc nào và rồi, có thể sẽ mất đi những ngày lẽ ra mẹ con được tận hưởng một thai kỳ an vui.
Nói như vậy, không có nghĩa là hù dọa, vẫn có những bà mẹ mang thai đôi, thai 3, thậm chí 4,5,6 vẫn sinh ra những đứa con khỏe mạnh an lành. Nhưng thực tế không như mong muốn, những trường hợp bất hạnh do nỗi buồn đa thai không được nghe kể hay lên báo thôi. Là một bác sĩ sản khoa, mình đã gặp nhiều nỗi buồn như vậy. Y học còn nhiều hạn chế, đơn cử, đến giờ giới sản khoa còn đang loay hoay đủ cách “làm thế nào để hạn chế sinh non đối với song thai”... Vì thế bác sĩ có một lời khuyên đơn giản với những bậc cha mẹ đang trong hành trình tìm con, điều trị hiếm muộn: “Một em bé khỏe mạnh là tốt nhất”.
Và đây là tâm sự của các bà mẹ
“Trước e làm IVF cũng ham song thai. Kiểu nghĩ có 2 đứa bằng tuổi trông hay hay rồi nghĩ đẻ luôn một thể. Đến lúc bầu e mới thấy thực ra tử cung người mẹ tốt nhất là chứa 1 thai. Sinh đủ tháng ngày khỏe mạnh mới là tốt nhất”.
“Mình cũng song thai 2 bé gái. Nhưng số phận bất hạnh. Mình đã sinh non vào tuần thứ 27. Mỗi bé nặng 700g. Và do nhiễm trùng và yếu quá, 1 bé đã rời mẹ đi khi sinh ra được 2 ngày. Mang thai đôi thực sự rất vất vả. Để rồi con mình phải nuôi lồng kính”.
“Đi làm IVF về người ta cứ bảo sao không làm lúc 2 bé luôn, sao không làm 1 trai 1 gái khỏi đi nhiều lần... (mặc dù họ đã thấy em 1 lần thai đôi năm 2013, 6 tháng đã không giữ được rồi )...”.
Chủ đề liên quan:
đa thai