Tin tức hôm nay

Tin tức

Đại dịch Covid-19 và chính sách đối với nhân viên y tế

Hướng tới kỷ niệm ngày Ngày Thầy Thu*c Việt Nam 27/2 sắp tới, sáng 21/2, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm Đại dịch Covid-19 và chính sách đối với nhân viên y tế.

Dự tọa đàm có các khách mời: thứ trưởng y tế đỗ xuân tuyên; pgs, ts nguyễn lân hiếu, giám đốc bệnh viện đại học y hà nội; ông bùi sỹ lợi, nguyên phó chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội của quốc hội; ths, bs đỗ doãn bách, viện tim mạch, bệnh viện bạch mai. tọa đàm nhằm để phân tích, bình luận, làm rõ hơn các thông tin, nhóm giải pháp cụ thể liên quan đến việc bảo đảm nguồn nhân lực y tế cũng như năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe người dân.

Luôn quan tâm đội ngũ cán bộ y tế

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, nhân dân luôn dành sự tôn vinh trân trọng nhất tới những lương y như từ mẫu nơi tuyến đầu chống dịch. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, có những chính sách hỗ trợ, động viên cả về vật chất lẫn tinh thần tới lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến lực lượng y tế tuyến đầu. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhắc nhở phải quan tâm đặc biệt các chế độ, chính sách đối với những đối tượng này.

Chế độ đãi ngộ, sự quan tâm về vật chất và tinh thần chưa đến được kịp thời tới nhiều người trong số này. Từ thực tế đó, chúng ta phải cùng nhau bàn và có các bước cụ thể để triển khai các chính sách hỗ trợ cán bộ y tế trong thời gian chống dịch bệnh Covid-19. Đây là yêu cầu cấp thiết giúp bảo đảm và củng cố đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là nhân lực y tế cơ sở. Đã đến lúc chúng ta cần xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng bộ, đặc thù cho lực lượng y tế ở tất cả các tuyến, các lĩnh vực, như bước chuẩn bị căn cơ để có thể ứng phó hiệu quả, kịp thời với các đại dịch có thể xuất hiện trong tương lai.

Tại buổi toạ đàm, PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu, với tư cách là đại biểu Quốc hội và cũng là Giám đốc bệnh viện, đề xuất các ý kiến sau: Thứ nhất, như chúng ta đã biết Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành đã có hiệu lực. Đây là Nghị quyết có tính chất quyết định trong việc thay đổi hoạt động của hệ thống y tế trong phòng, chống dịch giai đoạn mới. Tuy nhiên, chúng ta chưa ban hành nghị định để hướng dẫn thực hiện Nghị quyết này. Do đó, tôi rất mong muốn phải có nghị định của Chính phủ càng sớm càng tốt để Nghị quyết đi vào cuộc sống. Có như thế thì chúng tôi mới làm được việc. Nếu chỉ có Nghị quyết thì không thể hướng dẫn làm được. Hiện nay chúng ta rất khó khăn trong việc dự toán, thanh quyết toán kinh phí điều trị Covid-19 và chi phí phòng, chống dịch do chưa có nghị định hướng dẫn.

Thứ hai là quy định cụ thể trong Nghị quyết có nhưng chưa có nghị định hướng dẫn. Nghị quyết có nội dung các bệnh viện phải có trách nhiệm ứng dụng công nghệ thông tin phần thu, chi trong khám, chữa bệnh để tránh quá tải bệnh viện tuyến trên, đồng thời điều trị, hỗ trợ kịp thời các bệnh viện tuyến dưới. Như vừa qua chúng ta biết, với hệ thống khám chữa bệnh từ xa, chúng ta đã phát huy rất nhiều. Hiện nay, chúng tôi đều khám bệnh một cách miễn phí, gần 10.000 ca đang theo dõi trên hệ thống cổng của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đường dây nóng hotline… Hiện chưa có cách nào để chi trả, cũng chưa có hướng dẫn, trách nhiệm không rõ vì chưa có Nghị định.

Thứ ba là phải có chính sách chi trả cho con người, cho nhân viên y tế sau chi lương hợp đồng và phụ cấp để bảo đảm điều trị Covid-19 lâu dài. Bác sĩ phải có thu nhập tăng thêm phần đã được thanh toán. Hiện nay, 1 điều dưỡng viên tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cơ sở Hoàng Mai tổng thu nhập 1 tháng được 9 triệu. Bệnh viện đã vận dụng mọi cách, mọi nguồn nhưng chỉ chi được đến thế. Có thể phần thu nhập này duy trì được cuộc sống của bản thân bạn ấy nhưng còn gia đình, còn vợ con, còn những cống hiến tiếp theo nữa. Do đó chúng ta cần có chính sách rõ ràng.

Thứ tư là có cơ sở pháp lý để đơn vị tiếp nhận nguồn nhân lực điều trị bệnh nhân Covid-19 như: Tuyển dụng, huy động nguồn nhân lực cơ sở y tế công, y tế tư, tham gia thực hiện tiêm chủng, thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19. Hiện nay, chúng tôi không có biên chế mà nhận thêm gần 500 người vào viện chăm sóc bệnh nhân Covid-19 thì làm sao thanh toán, chi trả cho họ được. Phải có hướng dẫn cụ thể về vấn đề con người.

Một vấn đề nữa, Nhà nước cần có chính sách miễn thuế đối với những đơn vị huy động các nguồn lực tiền, tài sản… phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Trước đây, chúng ta đã biết những nhà hảo tâm đã cho rất nhiều tiền để giúp chúng ta chống dịch, thậm chí đến hàng trăm tỷ nhưng cuối cùng lại không được miễn thuế, không được giảm trừ, nên nguồn lực bị hạn chế. Rất mong Chính phủ có chính sách rõ ràng để giảm thuế cho những đơn vị có lòng hảo tâm, tham gia đóng góp chống dịch.

Cuối cùng, bằng mọi cách chúng ta phải có lộ trình rõ ràng để biến Covid-19 thành bệnh lý chuyên khoa, khám chữa bệnh thông thường, không còn dịch nữa thì bệnh này sẽ như viêm phổi, suy tim… vào viện khám, chữa bệnh và chi trả theo bảo hiểm y tế. Lúc đó, cuộc sống của chúng ta mới trở lại bình thường như cũ được.

Phải đổi mới, cải cách cơ chế tài chính y tế

Theo ông Bùi Sĩ Lợi, trước mắt chúng ta chưa kịp sửa đổi hệ thống pháp luật, chưa thực hiện được cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương thì việc tăng phụ cấp, hỗ trợ đối với cán bộ y tế có ý nghĩa hết sức quan trọng và rất cần thiết. Theo Nghị quyết 68 của Quốc hội, nên tiếp tục mô hình bác sĩ gia đình. Chống dịch vừa qua chúng ta thấy rõ y tế cơ sở là pháo đài chống dịch, là nền tảng rất quan trọng.

Tuy nhiên, để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch cũng như nâng cao hệ thống chăm sóc sức khoẻ của nhân dân bền vững thì phải cải cách và đổi mới cơ chế tài chính y tế. Luật Khám chữa bệnh đã có trong chương trình rồi, Luật Bảo hiểm y tế và những luật liên quan đến tiền lương và cải cách tiền lương tiếp tục bổ sung vào hệ thống các phụ cấp đang được dự thảo trong chính sách tiền lương. Tiền lương phải đúng chính sách và giá trị lao động. Đối với ngành y tế, tiền lương không phải tiền nâng năng suất hiệu quả mà còn là giá trị nhân văn, tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân. Hệ thống của chúng ta trước mắt tập trung xử lý theo đề xuất của Bộ Y tế là sửa Nghị định 56 để nâng và điều chỉnh các khoản phụ cấp. Ông Lợi vẫn đề nghị trong các khoản phụ cấp này, chúng ta xác định phụ cấp 100% nhưng không phải lĩnh vực nào cũng 100% mà có những nơi phải là 120%, 150% và có những cái phải thấp hơn. Điều quan trọng là phải có phụ cấp đặc thù, liên quan đến vấn đề bất trắc trong phòng, chống dịch chưa có tiền lệ bao giờ.

Còn theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, thời gian tới, trong công tác phòng, chống dịch, chúng ta phải điều chỉnh chế độ, phụ cấp để động viên cán bộ y tế, nhất là nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch, mặc dù những hỗ trợ, phụ cấp đó cũng chỉ là một phần để động viên nhân y tế hăng say với công việc hơn, tích cực và có trách nhiệm hơn trong công tác phòng, chống dịch. Còn những giải pháp căn cơ, lâu dài để nâng cao chất lượng, hiệu quả của lực lượng và hệ thống y tế, trong đó có y tế cơ sở và y tế dự phòng, ngoài nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị thì phải nâng cao chất lượng nhân lực y tế. Chính vì thế, những giải pháp trước mắt và căn cơ lâu dài đều hết sức quan trọng. Các giải pháp đã được Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo, đó là thời gian tới, chúng ta phải nâng cao năng lực, hiệu quả của y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Trong thời gian dịch Covid-19 vừa qua, để kịp thời động viên cán bộ, nhân viên ngành y tế tham gia công tác phòng, chống dịch, Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ một loạt văn bản hỗ trợ nhân viên y tế. Bộ cũng đã có tờ trình để có giải pháp đối với chính sách nhân viên y tế thôn, bản và cô đỡ thôn, bản. Vừa rồi, dịch xảy ra, không chỉ nhân viên y tế ở các trạm y tế mà nhân y tế và cô đỡ của các thôn, bản cũng cần có chế độ đãi ngộ.

Bộ Y tế cũng đã trình Chính phủ xem xét ban hành một số chế độ, chính sách đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng như ban đầu tôi đã đề cập. Đây cũng là thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đó là phải có chính sách đủ mạnh, khuyến khích trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn và trong lĩnh vực y tế dự phòng. Thời gian qua, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành mức phụ cấp ưu đãi nghề, từ 40-70% lên 100%. Nội dung này đã được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương. Chính phủ đang giao Bộ Y tế xây dựng khẩn trương và trình Chính phủ ban hành sửa đổi Nghị định số 56 ngày 4/7/2021 về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức làm việc trong các cơ sở y tế công lập. Tôi nghĩ đây là điều mà các cán bộ nhân viên y tế mong muốn đón nhận.

Theo đó nâng phụ cấp lên 100% đối với nhân viên đã được bổ nhiệm chức danh nghề viên chức y tế và thường xuyên làm việc ở y tế dự phòng và các trạm y tế. Để có giải pháp căn cơ lâu dài bảo đảm nguồn nhân lực, đặc biệt y tế cơ sở và y tế dự phòng, thứ nhất, thực hiện theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa 12, Bộ Y tế phải chủ động sắp xếp và tối ưu hóa nguồn lực cho công tác phòng chống dịch.

Thứ hai, có chính sách phân bổ nguồn lực hợp lý giữa y tế dự phòng, y tế cơ sở và y tế điều trị để thực hiện trách nhiệm xã hội và chế độ luân phiên thời hạn giữa viên chức ngành y tế công tác ở từng tuyến và từng cơ sở điều trị.

Thứ ba là từng bước bảo đảm nhân lực y tế để thực hiện các hoạt động về phòng, chống dịch, cung cấp dịch vụ cho người dân trên địa bàn, đảm bảo đội ngũ nhân lực là bác sĩ và nhân viên y tế có chuyên ngành về hồi sức cấp cứu.

Thứ tư, Bộ Y tế cũng sẽ chỉ đạo đổi mới chương trình đào tạo để phù hợp với chuẩn chung của thế giới; đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, phòng, chống dịch của Việt Nam.

Thứ năm, Bộ Y tế cũng nghiên cứu và đánh giá với dịch SARS trước đây và giờ là Covid-19 thì thấy rằng chúng ta cần phải có định hướng đào tạo phù hợp và sẵn sàng ứng phó với dịch mới nổi, đồng thời phải lồng ghép công tác phòng, chống dịch và ứng phó với thảm họa trong chương trình đào tạo. Phải nâng cao năng lực y tế tại địa phương, ưu tiên đào tạo nhân lực cho vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo.

Thứ sáu, phải bảo đảm điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe và có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với nhân viên ngành y tế.

Trong thời gian tới, theo tinh thần Nghị quyết 20 cũng như Nghị quyết 27 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách tiền lương, sẽ bảo đảm quyền lợi đối với nhân y tế, người lao động trong ngành y tế phù hợp. Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện thể chế về chế độ, chính sách đối với cán bộ ngành y tế, đặc biệt là qua 4 đợt dịch Covid-19 vừa rồi.

Trong nhiệm kỳ này, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đặt nhiệm vụ hàng đầu là hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế đối với chính sách đãi ngộ đối với nhân viên y tế. Bộ sẽ sớm hoàn thiện những dự án để trình Chính phủ sớm ban hành để việc tổ chức thực hiện...

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo nhân dân (https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/dai-dich-covid-19-va-chinh-sach-doi-voi-nhan-vien-y-te-686436/)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY